Nền kinh tế có thể sáng lên
Dù chưa hết khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2013 được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực.
Lĩnh vực bất động sản đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước |
Không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà cả các doanh nghiệp tham dự Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức” được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM đều cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ tăng lên, nếu những chính sách tiếp sức cho nền kinh tế đã được Chính phủ ban hành, như Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, được các bộ, ngành liên quan triển khai khẩn trương và quyết liệt.
Phân tích của ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho thấy, chỉ số rủi ro vỡ nợ của các nền kinh tế châu Âu đang đi xuống, nguy cơ vỡ nợ trong tương lai không cao và niềm tin đã phục hồi lại. Khi rủi ro ở thị trường này giảm, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, mức độ rủi ro về trái phiếu của Việt Nam cũng đã giảm, nên nhiều nhà đầu tư toàn cầu sẵn sàng đầu tư trở lại thị trường này.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng cảnh báo rằng, một vài chỉ số thương mại đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa có gì đảm bảo thực sự cho nền kinh tế phục hồi vững chắc. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tại Việt Nam do Ngân hàng HSBC công bố đầu tháng 3/2013 đã giảm từ mức 50,1 điểm trong tháng 1, xuống 48,3 điểm trong tháng 2, cho thấy sản xuất công nghiệp đang bị co lại. Chỉ số tăng trưởng GDP hàng năm cũng chưa thực sự phục hồi như mong đợi.
“Hiện nay, chỉ số lạm phát đã được kéo xuống, vấn đề vĩ mô đã được kiểm soát khá tốt, niềm tin của người dân vào tiền đồng đã ổn định trở lại. Nhưng rủi ro lạm phát vẫn khá cao”, ông Deepak Mishra nhìn nhận.
Vị chuyên gia kinh tế của WB cũng cho rằng, lạm phát hay tín dụng tăng trưởng quá nóng chỉ là một trong những vấn đề khiến nền kinh tế Việt Nam lao đao trong những năm qua. Trên thực tế, điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công.
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế WB, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, nếu không giải quyết các vấn đề căn cơ về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thì không thể giải quyết triệt để các vấn đề của nền kinh tế. Năm 2013, kinh tế Việt Nam vẫn phải tiếp tục giải quyết những vấn đề của kinh tế năm 2012 và còn phải “cõng thêm” vấn đề nợ xấu. Dù chưa hết khó khăn, nhưng dự báo kinh tế năm 2013 sẽ có những chuyển biến tích cực. “Mức lạm phát kỳ vọng 7 - 8% trong năm nay là có thể, vì tổng cầu không tăng, mà chỉ tăng chi phí, trong khi đó tỷ giá cũng được Ngân hàng Nhà nước dự báo chỉ điều chỉnh 2 - 3%. Các doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh xung quanh 2 chỉ số này”, ông Lịch nói.
Cũng theo ông Lịch, các vấn đề của nền kinh tế năm 2013 nằm trong Nghị quyết 02/NQ-CP, nhưng hiện tại, việc triển khai ở các bộ, ngành rất chậm. “Nếu triển khai kịp thời Nghị quyết này, thì đến giữa năm 2013, nền kinh tế có thể sáng lên; còn nếu triển khai chậm, nền kinh tế không những không thể sáng, mà còn có thể kéo theo nhiều vấn đề khác”, ông Lịch nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo phản ánh của bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết 02/NQ-CP vẫn chưa được thực hiện. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng có chính sách đưa gói hỗ trợ tiền mặt ra thị trường. Chừng nào Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra giải pháp tháo gỡ hàng tồn, thì doanh nghiệp bất động sản có muốn chết cũng không thể chết thanh thản được.
“Khảo sát 40 doanh nghiệp bất động sản vừa qua cho thấy, tất cả các doanh nghiệp đều rất khó khăn và điều mong muốn của họ bây giờ là thoát khỏi thị trường này. Tuy nhiên, khi hỏi thoát bằng cách nào, thì doanh nghiệp im lặng, bởi hàng ngàn tỷ đồng còn tồn đọng”, bà Loan nói.
Theo Dautu