Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; đánh giá lại việc thực hiện mua tạm trữ thóc gạo;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 12-16/11/2011.
Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng Nghị định này gồm: Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp; người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào: Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Khẩn trương hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định về thế chấp quyền sử dụng đất
Theo Chỉ thị tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, khẩn trương hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác và thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh nhằm tạo điều kiện cho Tòa án nhân dân các cấp, các tổ chức và cá nhân áp dụng thống nhất pháp luật.
Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm nhằm giúp bên nhận bảo đảm thu giữ kịp thời tài sản bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác, cố tình trốn tránh.
Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với bên nhận bảo đảm trong việc thu giữ tài sản bảo đảm và thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản bảo đảm nhằm khắc phục tình trạng khó khăn, vướng mắc khi xử lý tài sản bảo đảm hiện nay.
Không xử lý triệt để vi phạm về pháo, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện quy định về quản lý, sử dụng pháo, nhằm kiên quyết không để tái diễn việc sản xuất, hạn chế tới mức thấp nhất việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép, nhất là dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Thủ tướng nêu rõ, địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Không quá 1 giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu/1.000 dân ở quận, huyện, thị xã
Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu đã được Chính phủ ban hành, trong đó có quy định giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tại cửa hàng bán lẻ trên địa bàn một quận, huyện, thị xã được xác định theo nguyên tắc không quá 1 giấy phép/1.000 dân và phù hợp theo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.
Còn Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu được xác định theo số dân trên cả nước theo nguyên tắc không quá 1 giấy phép/400.000 dân; giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu được xác định trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc không quá 1 giấy phép/100.000 dân.
7 trường hợp đặc biệt được áp dụng chỉ định thầu
7 trường hợp đặc biệt được áp dụng chỉ định thầu |
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Quyết định này, các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định được quy định tại điểm k khoản 2 Điều 40 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP bao gồm 7 trường hợp sau:
1- Gói thầu cấp bách để thực hiện sự kiện quan trọng quốc gia mà sự kiện đó đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2- Gói thầu cấp bách triển khai công việc nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ, hải đảo.
3- Gói thầu chuẩn bị dự án thuộc trường hợp cấp bách cần triển khai thực hiện ngay để đảm bảo thu hút, huy động được vốn của nhà tài trợ nước ngoài.
4- Gói thầu cấp bách trực tiếp phục vụ công tác chuẩn bị dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu để đảm bảo yêu cầu về tiến độ đã xác định đối với các dự án phát triển năng lượng quốc gia.
5- Gói thầu cấp bách cung cấp sản phẩm cơ khí do doanh nghiệp trong nước sản xuất, chế tạo phục vụ trực tiếp cho các dự án phát triển năng lượng quốc gia.
6- Gói thầu cấp bách chống ùn tắc giao thông để đảm bảo an toàn giao thông ở các thành phố trực thuộc trung ương.
7- Gói thầu mà người có thẩm quyền xét thấy cấp bách không thể tổ chức đấu thầu, cần phải chỉ định thầu để mang lại hiệu quả cao hơn sơ với việc tổ chức đấu thầu.
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế
Theo Nghị định 96/2012/NĐ-CP quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, nghiện chất dạng thuốc phiện là một bệnh mãn tính cần được điều trị lâu dài.
Việc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện chỉ được thực hiện khi người nghiện này tự nguyện tham gia điều trị. Đồng thời việc điều trị cũng chỉ được thực hiện tại cơ sở điều trị đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định.
Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí khám sức khỏe, chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho các đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện trong cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị công lập đối với 6 đối tượng sau đây: 1- Thương binh; 2- Người bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật trên 81%; 3- Người nghèo; 4- Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; 5- Trẻ em mồ côi; 6- Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Tập trung xử lý các vụ án gây bức xúc dư luận nhân dân
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 138/CP) yêu cầu Bộ Công an tập trung điều tra, xử lý các vụ án nghiêm trọng, các vụ án gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tập trung mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy, tội phạm đang nổi lên trên các tuyến, địa bàn, các thành phố lớn, các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm..., bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường vai trò của các Bộ, ngành, địa phương; trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, không để tình trạng lơ là, buông lỏng đặc biệt là phòng, chống tội phạm ở ngay trong ngành, địa phương mình. Chỉ đạo phòng, chống tội phạm phải đến tận cơ sở, khu dân cư, nhà máy, công trường, trường học.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, truy tố xét xử các vụ án trọng điểm; trong việc thống kê tình hình tội phạm; từ những vụ án tìm ra nguyên nhân, những sơ hở thiếu sót trong quản lý xã hội, quản lý kinh tế đề xuất với Đảng, Nhà nước biện pháp khắc phục, không để tội phạm lợi dụng.
Đánh giá lại việc thực hiện mua tạm trữ thóc gạo
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan để đánh giá kỹ, đúng thực tế những mặt được, chưa được trong việc thực hiện chủ trương mua tạm trữ thóc, gạo thời gian vừa qua.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012 Quy chế mua tạm trữ thóc, gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 232/TB-VPCP bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cần có cơ chế phát hiện, xử lý việc lừa đảo mua bán qua mạng
Thời gian gầy đây, tình trạng lừa đảo thông qua hình thức buôn bán qua mạng đang diễn ra khá phổ biến. Những kẻ chuyên lừa đảo bán hàng qua mạng thường dùng chiêu “giá rẻ, hạ giá”, hàng xách tay… để đánh vào tâm lý của khách hàng.
Tại Thông báo số 371/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát, có cơ chế phát hiện sớm, xử lý hiệu quả và cảnh báo người sử dụng về các hình thức lợi dụng Internet để lừa đảo mua bán qua mạng.
Theo Chinhphu.vn