.
.

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Thứ Ba, 02/10/2012|13:13

 

Giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa dịch vụ; chưa tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2; điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định phạt tới 15 triệu đồng;... là những thông tin văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/9/2012.

Giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa dịch vụ

Tại Chỉ thị số 25/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón,... và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.

Các Bộ: Y tế, Giáo dục và đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo để giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát như: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá..

Đồng thời phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá đến sản xuất và đời sống nhân dân để hạn chế thấp nhất tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện.

Chưa tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2

Tại kết luận về đập thủy điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền các cấp của địa phương cần cử người có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, có cơ sở khoa học cho các cơ quan thông tin, truyền thông để mọi người dân, nhất là người dân sống trong khu vực biết, yên tâm và duy trì các hoạt động sản xuất, học tập, sinh hoạt bình thường.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các điều kiện thủy văn, địa chất kiến tạo có biến động phức tạp, xẩy ra trong thời gian qua trên thế giới; hơn nữa đây là trường hợp phức tạp, xẩy ra lần đầu tiên với tần suất cao, lại trong lúc mùa lũ đã tới, cho nên, để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, tính mạng, tài sản của người dân và an toàn công trình, nhất thiết không được chủ quan, lơ là.

Vì vậy, chưa tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 mà cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc tác động của lũ, động đất đến công trình.

Thủ tướng chỉ thị triển khai hợp nhất văn bản và pháp điển hệ thống QPPL

Tại Chỉ thị triển khai thi hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải tổ chức ngay việc rà soát, tập hợp, xây dựng kế hoạch hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội và văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo được ban hành trước ngày 1/7/2012 theo quy định để tổng hợp, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch chung của Chính phủ.

Đồng thời, phải tổ chức thực hiện thường xuyên việc hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau ngày 1/7/2012 và gửi đăng Công báo văn bản hợp nhất theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm thực hiện pháp điển của mình; đề xuất việc xây dựng các đề mục trong mỗi chủ đề và tổ chức triển khai thực hiện pháp điển các đề mục được phân công theo đúng trình tự, thủ tục, kỹ thuật pháp điển các quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp xây dựng trang thông tin điện tử pháp điển; cập nhật, duy trì Bộ pháp điển trên trang thông tin điện tử pháp điển. Đồng thời, xây dựng cơ chế xã hội hóa trong công tác pháp điển, xuất bản Bộ pháp điển bằng văn bản.

Điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định phạt tới 15 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số34/2010/NĐ-CP, trong đó nâng mức phạt đối với hành vi chở quá số người cho phép, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, chạy quá tốc độ,...Nghị định cũng tăng mức phạt đối với người điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định.

Cụ thể, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá  50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với mức phạt hiện nay từ 2-3 triệu đồng.  

Hành vi này đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 200.000-400.000 triệu đồng).

Trường hợp người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 4-6 triệu đồng).

Còn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, hành vi vi phạm này bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, thay cho mức phạt hiện nay là từ 500.000-1.000.000 triệu đồng.

Hỗ trợ lao động mất việc làm trong doanh nghiệp có chủ bỏ trốn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và bị nợ lương nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát kỹ và ứng ngân sách địa phương để trả cho người lao động có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động.

Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trường hợp nguồn xử lý tài sản không đủ thì báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật

Nghị định về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật của Chính phủ nêu rõ, sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật là việc các tổ chức, cá nhân bố trí, lắp đặt đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng; đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng theo quy định.

Các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống lắp đặt mới có trách nhiệm bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã được xây dựng.

Việc lắp đặt, bố trí các đường dây, cáp và đường ống mới vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng phải có các giải pháp bảo đảm sự hoạt động bình thường của hệ thống đã có.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2011 - 2020, nhiệm vụ Chiến lược đề ra là giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10 - 20% so với phương án phát triển bình thường.

Đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5% - 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 - 30% so với phương án phát triển bình thường. 

Xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt

 

Chùa Keo(Thái Bình) được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt
Chùa Keo(Thái Bình) được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt

 

Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt gồm:

1. Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

2. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

3. Di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).

4. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (thành phố Uông Bí, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

5. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).

6. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

7. Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

8. Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

9. Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

10. Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn).

11. Danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Phước).

Theo Chinhphu.vn

 

.
.
.
.