.
.

Những tin tức nổi bật trong ngày

Thứ Năm, 28/06/2012|23:50

Trong ngày 28/6/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Tiếp tục đưa tin phản đối việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò -  khai thác dầu khí trên Biển Đông, TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam…phản ánh: Tại cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông ngày 27/6 tại thủ đô Washington (Mỹ), một số học giả quốc tế đã khẳng định các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu thăm dò - khai thác tại 9 lô trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã được ông Carlyle Thayer, Giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia, nêu ra trong phiên thảo luận về các diễn biến gần đây trên Biển Đông. Ông khẳng định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Cùng chung quan điểm, tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cảnh báo rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ hai lần" trước khi quyết định.
Trước đó, học giả Việt Nam, tiến sỹ Trần Trường Thủy, cũng đề cập đến diễn biến mới nhất này. Ông đưa ra bản đồ 9 lô trên Biển Đông mà Trung Quốc mời thầu, khẳng định các lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không phải là khu vực tranh chấp.
Nhận xét về Luật Biển Việt Nam mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, giáo sư Thayer khẳng định đây là một "diễn biến rất tích cực" vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nói "đến năm 2025, một nửa GDP của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần luật để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

2. Theo báo điện tử Vietnamplus, ngày 27/6, nhận lời mời của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thăm chính thức EU và ký chính thức Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU.

Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Phạm Bình Minh, bà Ashton đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến EU; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và EU. Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại rộng mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, bà Catherine Ashton khẳng định EU coi trọng vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới; mong muốn tăng cường hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế.

3. Sáng 28/6, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 - Những vấn đề cần tháo gỡ” với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tại buổi tọa đàm, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, theo Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2020 (Qui hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các nhiệm vụ chính của EVN gồm 5 nhiệm vụ. Một là đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện theo đúng tiến độ; nhập khẩu điện, cung cấp, truyền tải, phân phối điện…Hai là lập quy hoạch các trung tâm điện lực để Bộ Công Thương phê duyệt. Ba là xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực để kêu gọi các nhà đầu tư. Bốn là giảm tổn thất điện năng, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Năm là giao cho Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia đầu tư các công trình lưới điện truyền tải, đáp ứng nhu cầu phá triển nguồn.

Trong sơ đồ Qui hoạch điện VI, từ 2006-2010, EVN hoàn thành, đáp ứng 80% công suất nguồn của các nhà máy điện, đưa vào vận hành hơn 65% km đường dây lưới điện truyền tải. Thực hiện qui hoạch điện VII có giai đoạn giao thời từ 2011-2015, EVN đã chuẩn bị các nội dung, công việc liên quan của các công trình cho giai đoạn này. Một số thuận lợi so với quy hoạch VI trước đây, đó là Tập đoàn đã chuẩn bị thủ tục đầu tư, thu xếp nguồn vốn, một số dự án đã khởi công, cho nên đến nay, sau khoảng 1,5 năm thực hiện qui hoạch VII, EVN đã đưa vào vận hành hơn 27% lượng công suất theo yêu cầu cho giai đoạn 2011-2015.

Với thời gian như vậy, cùng với sự hỗ trợ của bộ, ngành, địa phương, đồng thời dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, chúng tôi phấn đấu đáp ứng được tiến độ các công trình trong qui hoạch điện VII, đặc biệt là các công trình trong giai đoạn 2011-2015 (9 công trình trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam từ 2013 trở đi). Đó là công trình đường dây 500 KV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bồng, 220 KV Đắk Nông-Phước Long-Bình Long, các nhà máy điện trong khu vực miền Tây Nam Bộ như Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Ô Môn 1…, nâng cấp các tụ bù cho đường dây 500 KV.

4. Báo Điện tử Đảng Cộng sản cho biết, ngày 28/6, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết hai phong trào “Năm xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” (gọi tắt là phong trào Năm xung kích và Bốn đồng hành).

Qua hơn 4 năm triển khai với sự nỗ lực, sáng tạo và quyết tâm của các cấp bộ Đoàn, sự tham gia nhiệt tình của đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội, hai phong trào đã đạt được những kết quả đáng kể. Các cấp bộ Đoàn đã đảm nhận và thực hiện 56.268 đề tài nghiên cứu khoa học với tổng trị giá làm lợi hơn 2.000 nghìn tỷ đồng; thực hiện 11.897 dự án với tổng nguồn hơn 4.100 tỷ đồng thu hút 1,7 vạn thanh niên tham gia; xây dựng 1.516 mô hình làng, khu kinh tế thanh niên; 12.368 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, trên 26 nghìn mô hình trang trại trẻ. Trên 19,4 triệu lượt đoàn viên, thanh niên đã đảm nhận hơn 286 nghìn công trình, phần việc thanh niên; hỗ trợ, tu sửa hơn 44.945 nhà tình nghĩa, giúp trên 420 nghìn thương binh, liệt sỹ; xây dựng trên 56,8 nghìn mô hình câu lạc bộ, đội nhóm bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của 64/68 tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc, trong 4 năm, hơn 337 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên đã được hỗ trợ học bổng với tổng trị giá hơn 805 nghìn tỷ đồng; các trung tâm thuộc hệ thống của Đoàn đã tư vấn, hướng nghiệp cho gần 1 triệu người, dạy nghề cho trên 433 nghìn người, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho hơn 651 nghìn người...

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

1. Trong bài viết “Lãi suất vay vốn quá cao cản trở các doanh nghiệp”, TTXVN dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, lãi suất vay vốn quá cao đang là yếu tố gây cản trở lớn nhất trong số 11 yếu tố thuộc môi trường kinh doanh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo số liệu xử lý nhanh kết quả Tổng Điều tra doanh nghiệp đợt 1 do Tổng cục Thống kê tiến hành, cùng với yếu tố lãi suất vay vốn cao, 5 yếu tố khác cũng gây cản trở rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ gồm: Lạm phát cao và biến động thất thường; Tiếp cận vốn khó khăn; Chi phí vận tải cao; Điện cung cấp không ổn định và Chính sách điều hành kinh tế không ổn định.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỏi thì có gần 54% doanh nghiệp biết Nhà nước có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi trên 46% doanh nghiệp không biết. Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp biết chính sách này thì chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn. Như vậy, nếu xét trên tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn chỉ đạt 10% còn lại 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vay vốn ưu đãi.

Tổng cục Thống kê cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp dần từng bước thoát khỏi khó khăn hiện nay, các giải pháp ưu tiên mà Chính phủ cần sớm triển khai trong thời gian tới theo thứ tự là: Ổn định lãi suất vay vốn hợp lý, hỗ trợ lãi suất vay vốn; ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định giá điện; cải thiện cơ sở hạ tầng; tập trung nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển và đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả giải quyết tranh chấp.

2. Báo Điện tử Chính phủ đưa tin, xét đề nghị của Tổng công ty lương thực Miền Bắc (Vinafood1), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đồng ý chủ trương Vinafood1 thành lập liên doanh chế biến và xuất khẩu gạo với Công ty Louis Dreyfus Commodities Asia Pte. Ltd (LDC). Liên doanh này được làm đầu mối nhập khẩu gạo theo quy định hiện hành. Phó Thủ tướng yêu cầu Vinafood1 nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ thành lập doanh nghiệp liên doanh để bảo đảm hoạt động có hiệu quả, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Trước đó, ngày 9/5/2012, Vinafood1 đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương thực hiện dự án thành lập liên doanh chế biến gạo xuất khẩu với Công ty Louis Dreyfus Commodities Asia Pte. Ltd (LDC - Singapore). Được biết, LDC thuộc Tập đoàn Louis Drefus có trụ sở chính tại châu Âu, đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi thực phẩm toàn cầu. LDC hiện cũng là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất tại Việt Nam.

3. Báo Đại biểu nhân dân dẫn thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, từ ngày 1/7 tới sẽ có 29 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh với tổng công suất đạt khoảng 9.035 MW.

Đây là 29 nhà  máy điện trực tiếp nộp bản chào giá với Công ty Mua Bán điện – EPTC. Trong số các nhà máy tham gia chương trình có 13 nhà máy thuỷ điện, 11 nhà máy nhiệt điện than, 5 nhà máy tuabin khí. Bên cạnh đó, còn có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia vào thị trường này, tuỳ từng nhà máy sẽ do Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia công bố biểu đồ huy động, biểu đồ phát hoặc do Công ty Mua Bán điện chào giá thay. 18 nhà máy điện khác tạm thời gián tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Các nhà máy này sẽ do Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia tính toán và công bố biểu đồ phát cho các nhà máy. Ngoài ra, còn có 20 nhà máy điện (19 thuỷ điện và 1 nhiệt điện) với tổng công suất đặt 4.567MW cũng nằm trong danh sách dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh khi chính thức vận hành thương mại.

4. Theo VOVNews, Ngân hàng Nhà nước vừa có ý kiến chính thức về việc thu phí giao dịch ATM. Theo đó, trong năm 2012 chưa thu phí giao dịch rút tiền ATM nội mạng, chưa điều chỉnh mức phí giao dịch ATM ngoại mạng đối với khách hàng sử dụng thẻ. Các công ty chuyển mạch thẻ không thay đổi bất kỳ mức phí nào đối với giao dịch ATM. Các tổ chức phát hành thẻ phải thông báo công khai Biểu phí dịch vụ thẻ tại điểm giao dịch ATM để khách hàng biết. Hội thẻ Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với NHNN nghiên cứu để xây dựng chính sách phí ATM hợp lý nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa khách hàng và tổ chức phát hành thẻ. Thông báo lộ trình áp dụng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh có việc một số tổ chức phát hành thẻ tăng phí giao dịch ATM. Thực hiện chủ trưởng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Đảng, Chính phủ và để ổn định tình hình thu phí ATM hiện nay, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại và yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ chấp hành nghiêm túc chủ trương của NHNN và Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam.

                                                                                                     Thanh Tùng (Tổng hợp)

 

 

.
.
.
.