Việt Nam trong tuần: Xem xét kỷ luật một số tổ chức Đảng và Thôi chức Chủ tịch tỉnh Bình Phước
Trung ương xem xét kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên; khan hiếm Đại sứ Du lịch; những bất cập trong ngành giáo dục, tòa án...
Xem xét kỷ luật một số tổ chức Đảng
Trong các ngày từ 14 đến 19/3/2013, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã họp kỳ thứ 19.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cá nhân đảng viên ở tỉnh Điện Biên. Qua đánh giá, kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh Điện Biên nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và sớm có giải pháp khắc phục, sửa chữa. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra trung ương còn có kiểm điểm đối với ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Một góc Điện Biên |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng có kết luận đối với một số vị lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo thành phố Điện Biên Phủ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ NN-PTNT. Qua xem xét, chưa đủ căn cứ kết luận Ban cán sự đảng Bộ NN-PTNT lãnh đạo, chỉ đạo xử lý sau thanh tra Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ không đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng.
Mặc dù vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ NN-PTNT chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền các nội dung liên quan, sớm ổn định tình hình tại Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp.
Đối với Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh sai phạm trong việc đề xuất đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất ở huyện Phong Điền và công tác quản lý công văn, tài liệu.
Thôi chức Chủ tịch tỉnh Bình Phước
Ngày 22/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã họp công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ.
Theo quyết định số 707/QĐNS/TW ngày 4/2/2013, ông Trương Tấn Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, nay thôi giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nhiệm kỳ 2010-2015, thôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2011-2016.
Phản ứng của Việt Nam về phán quyền của DOC với con cá tra
- Việt Nam có đủ chứng cứ khẳng định phán quyết DOC vô lý
- Quyết định của DOC không công bằng, không khách quan
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra phán quyết áp mức thuế chống bán phá giá trên 100% đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các ngành liên quan đã lên tiếng về phán quyết vô lý này. VASEP khẳng định sẽ kiện DOC ra Tòa án thương mại Quốc tế và kêu gọi các DN đồng thuận theo kiện. Còn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phát đi thông điệp chính thức phản đối phán quyết này. Bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế từ Bangladesh sang Indonesia để tính giá cá tra của Việt Nam khi ra quyết định cuối cùng của giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 8, dẫn đến việc áp dụng thuế chống bán phá đối với mặt hàng philê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn nhiều lần so với mức thuế sơ bộ và mức thuế của các đợt rà soát trước.
Con cá tra gặp nhiều chuân chuyên trên thị trường Mỹ |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho rằng: “Các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa 2 nước cần được xem xét một cách công bằng, khách quan, phù hợp với các quy định của WTO, phù hợp với tinh thần tự do hóa thương mại cũng như quan hệ đang tốt đẹp giữa hai nước, vì lợi ích chung của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Tập trung nhiều ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992
Trong tuần, các ý kiến liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục được các chuyên gia, công dân đưa ra. Các nội dung góp ý khá đa dạng, toàn diện, tập trung vào nhiều lĩnh vực. Nhưng tập trung nhiều ý kiến nhất vẫn là phần liên quan đến đất đai, đặc biệt là quyền sở hữu, các trường hợp được trưng mua, trưng dụng, giá cả đền bù đất đai khi thu hồi…
Bộ trưởng thừa nhận yếu kém trong ngành giáo dục
Tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22/3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời những vấn đề nóng xoay quanh vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo ĐH như hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, có sự phân biệt trường công và tư, nhiều tiến sỹ nhưng lại thiếu nhà khoa học…
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, chất lượng giáo dục là yếu tố ảnh hưởng lớn tới đội ngũ nguồn nhân lực của đất nước. Mặc dù đã có những cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển đất nước nhưng hiện nay, tại nhiều địa phương, sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm.
Chất lượng giáo dục tiểu học, mầm non cũng còn nhiều chuyện phải bàn |
Một trong những nguyên nhân là do chất lượng giáo dục chưa tốt nên sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, đòi hỏi của doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và các cơ quan, doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên ra trường còn khó khăn. Ngành GD-ĐT còn lúng túng trong quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Ngoài ra, chất lượng đào tạo chưa tốt là do quy mô đào tạo còn yếu kém, nhiều ngành nghề thiếu hoặc bão hòa.
“Không loại trừ có tiêu cực trong án tham nhũng”
Tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình, nhiều câu hỏi nóng liên quan đến việc xét xử các vụ án đã được đặt ra.
Xét xử vụ án kinh tế tại Vinashin |
Trả lời câu hỏi liên quan đến “Tỷ lệ bị cáo được án treo và tù nhẹ chiếm tỷ lệ cao so với loại tội phạm khác”, ông Trương Hòa Bình cho rằng: Chất lượng xét xử của tòa án theo thống kê hàng năm dần được tăng lên, tuy nhiên vẫn còn những vụ án, nhất là án tham nhũng có dư luận đánh giá là “nương nhẹ”, chưa có nhiều cải thiện. Song theo thống kê, số án tham nhũng được xử án treo đã giảm rất nhiều trong thời gian qua.
“Việc dư luận hoài nghi có tiêu cực hay không? Chúng tôi nhiều lần báo cáo, không loại trừ là có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố và cả xét xử. Điều này đã được báo chí, cử tri, các mặt trận đoàn thể phản ánh” – ông Trương Hòa Bình nói.
Những vụ án mạng nghiêm trọng ở Vĩnh Phúc và Hải Phòng
Liên quan đến vụ nam thanh niên chết dưới cống nước dẫn đến vụ mang quan tài diễu phố tại Vĩnh Phúc, đến nay đã có 6 đối tượng bị cơ quan điều tra đã khởi tố bắt giam để làm rõ hành vi giết người.
Nguyên nhân xảy ra án mạng, cơ quan điều tra bước đầu nhận định là do mâu thuẫn bột phát.
6 đối tượng bị khởi tố bắt giam để làm rõ hành vi giết người |
Xung quanh câu hỏi mà dư luận quan tâm đó là vụ án liên quan đến con rể Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Thượng tá Nguyễn Văn Việt cho hay, cơ quan điều tra đã triệu tập rất nhiều người và không quan tâm ai là con rể Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cả. Đến thời điểm này, xác đinh có 6 đối tượng liên quan.
Còn tại Hải Phòng, vụ án một gia đình bị thiêu sống làm rúng động dư luận trong tuần. Ban đầu, mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào người ông nội của gia đình này – ông Trần Đình Hậu. Tuy nhiên, Công an TP. Hải Phòng đã xác định Trần Đình Điệp (SN 1987) mới là người phóng hỏa trong vụ cháy ngày 17/3 tại nhà ông Trần Đình Hậu, thôn Xích Thổ, huyện An Dương, Hải Phòng.
Cháu bé trong vụ cả nhà bị tưới xăng thiêu sống |
Vụ hỏa hoạn đến thời điểm này đã khiến 3 người tử vong, gồm ông Hậu và hai cháu nhỏ và 3 người bị thương nặng, trong đó có mẹ và vợ của Điệp đang cấp cứu. Công an Hải Phòng đã khởi tố, bắt giam Điệp.
Khan hiếm ứng viên Đại sứ du lịch?
Việc chọn đại sứ Du lịch năm nay chắc sẽ không trở nên “ầm ĩ” nếu ứng cử viên nhận được nhiều ủng hộ nhất của báo chí là Lý Nhã Kỳ đột ngột gửi đơn xin rút khỏi cuộc đua.
Sau khi Lý Nhã Kỳ xin rút ứng cử Đại sứ du lịch, nhiều người đẹp đã ứng cử vị trí này. |
Có thể nói ngành du lịch đã đặt quá nhiều nhiệm vụ cho chức danh Đại sứ du lịch: vừa là hình ảnh đại diện đẹp lại vừa vận động được tài chính cho hoạt động quảng bá của mình. Để tìm được ứng cử viên cho chức danh này không khó nếu bớt đi những tiêu chí liên quan đến tiền bạc. Thiết nghĩ, ngành du lịch không nên đặt gánh nặng đó lên vai đại sứ của mình mà đặt vào các bộ phận chuyên môn phụ trách lĩnh vực đó./.