Lãnh đạo Vinatex tiếp đón phái đoàn Dệt May Hàn Quốc
Sáng 25-11-2011, trong khuôn khổ của chuyến thăm và làm việc với Văn phòng Đại diện Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tại Thành phố Hồ Chí Minh, phái đoàn Hàn Quốc gồm các chuyên gia của Hàn Quốc về lĩnh vực dệt may: Viện nghiên cứu phát triển Dệt May Hàn Quốc; Trung tâm Công nghệ Nhuộm Hàn Quốc; Viện nghiên cứu Da Giầy Hàn Quốc; Hiệp hội xơ hóa học Hàn Quốc; Hiệp hội Công nghệ Dệt Hàn Quốc đã có buổi viếng thăm Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).
Đại diện Vinatex có ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐTV Vinatex, và ông Lê Trung Hải - Phó Tổng Giám đốc Vinatex, đã đón tiếp phái đoàn trong không khí long trọng và cởi mở. Tại buổi họp mặt, đại diện hai bên đã cùng nhau chia sẻ những ý tưởng và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất lượng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành dệt may.
Tiếp đón đoàn Dệt May Hàn Quốc
Thay mặt Vinatex, ông Vũ Đức Giang giới thiệu tổng quan tình hình kinh doanh và xuất khẩu toàn ngành Dệt May Việt Nam. Theo đó, dệt may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn về xuất khẩu của Việt Nam. Trong những năm gần đây, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn nhưng ngành Dệt May Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may dự kiến đạt 13,5 tỷ USD, trong đó 80% xuất khẩu sản phẩm may mặc và 20% sản phẩm nguyên phụ liệu.
Hiện nay, Tập đoàn gồm 120 doanh nghiệp thành viên, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực: Sợi, dệt, nhuộm, may, …. Ngoài ra Vinatex còn có các viện nghiên cứu về Dệt, về cứu cây bông & cây có sợi; Viện mẫu Fadin, các Công ty tài chính và bất động sản, hệ thống Công ty kinh doanh thời trang, Nhà máy liên doanh sản xuất polyester… Đặc biệt, với hệ thống 4 trường cao đẳng và một trường đại học, Vinatex cũng là đơn vị chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ kỹ thuật cho toàn ngành Dệt May Việt Nam.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, ông Vũ Đức Giang cũng chia sẻ những khó khăn ngành Dệt May Việt Nam đang vấp phải, đó là nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp sợi và dệt không theo kịp sự phát triển lớn mạnh của toàn ngành. Đánh giá cao thế mạnh của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp dệt - nhuộm và công tác đào tạo quản lý nguồn nhân lực, lãnh đạo Vinatex mong muốn có cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với Hàn Quốc trong thời gian tới.
Kết thúc buổi họp mặt, đại diện phái đoàn Hàn Quốc đã cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo Vinatex và chia sẻ một số thông tin về ngành công nghiệp dệt may Hàn Quốc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh Hàn Quốc cũng đang gặp một số khó khăn và mất vị thế cạnh tranh so với các cường quốc dệt may khác trên thế giới. Việc tìm hiểu và khảo sát thị trường dệt may Việt Nam sẽ giúp Hàn Quốc có được những bài học kinh nghiệm quý báu để định hướng phát triển sâu hơn.
Đồng thời, đại diện phái đoàn Hàn Quốc cũng khẳng định mong muốn được hợp tác với Vinatex trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may. Trong đó, Văn phòng Đại diện Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tại Thành phố Hồ Chí Minh - một cơ quan đầu mối hỗ trợ, cung cấp, đào tạo công nghệ cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, sẽ là đơn vị kết nối trung gian.
Ánh Truyền