.
.

Khánh thành Nhà truyền thống ngành dệt may Việt Nam

Thứ Hai, 09/01/2012|18:20

(ĐUKDNTW) - Ngày 7/1/2012, tại số 5 Hoàng Hoa Thám, thành phố Nam Định, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức khánh thành Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam. Tới dự có các đồng chí: Vũ Huy Hoàng – UVBCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Phạm Hồng Hà -UVBCHTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nam Định; Nguyễn Quang Dương – Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Hồ Thị Kim Thoa- Ủy viên Ban cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ công thương; Vũ Đức Giang- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Cắt băng khánh thành Nhà truyền thống ngành dệt may
Cắt băng khánh thành Nhà truyền thống ngành dệt may

Sau 15 năm đổi mới và phát triển với tốc độ vượt bậc, ngành Dệt may đã có những bước chuyển mình ấn tượng, khẳng định vị trí của trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt từ năm 2009 đến nay, Dệt may đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,1 tỉ USD (2009), đạt 11,2 tỉ USD (2010) và năm 2011 dự kiến đạt 13,8 tỷ USD. Với điều kiện kinh tế cũng như qui mô của ngành, được sự đồng ý của Chính phủ và các cấp bộ ngành, ý kiến đồng thuận của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Nhà truyền thống, sự ủng hộ nhiệt  tình, tâm huyết của  các bậc lão thành trong ngành dệt may, cuối năm 2009, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may đã thống nhất và quyết định việc xây dựng Nhà truyền thống Dệt may Việt Nam.

Lãnh đạo Tập đoàn chụp ảnh với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương tại sảnh Nhà truyền thống
Lãnh đạo Tập đoàn chụp ảnh với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương tại sảnh Nhà truyền thống

Nhà truyền thống ngành Dệt may được xây dựng trên cơ sở cải tạo khu nhà truyền thống của Công ty Dệt Nam Ðịnh trước kia, bảo đảm công năng sử dụng hợp lý, có tính thẩm mỹ cao, đồng thời bảo vệ nguyên trạng cảnh quan và kiến trúc hiện có như nhà trưng bày chính, văn phòng, kho bảo quản, cụm tượng đài, cảnh quan khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp điện, thoát nước, giao thông nội bộ và một số hạng mục phụ trợ khác. Khu nhà trưng bày chính được cải tạo, xây dựng trên nền tảng kiến trúc kiểu Pháp cổ, nội thất trưng bày hiện đại, hài hoà với phong cách kiến trúc hiện có, phục vụ tốt nhất cho công tác bảo quản, trưng bày hiện vật. Đây là nơi tái hiện lịch sử ngành dệt may Việt Nam qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, thông qua những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật thiêng liêng về quá trình chiến đấu, hy sinh, xây dựng, phát triển kinh tế của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành dệt may, và đặc biệt là những kỷ vật thiêng liêng của Bác Hồ, người đã ba lần về thăm Công ty Dệt Nam Ðịnh.

Lãnh đạo Tập đoàn chụp ảnh với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương tại sảnh Nhà truyền thống
Lãnh đạo Tập đoàn chụp ảnh với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đồng chí Lãnh đạo khác tại sảnh Nhà truyền thống

Từ nay những người lao động trong ngành đã có một Nhà truyền thống để lưu giữ và phát huy những giá trị cốt lõi của các thế hệ những người thợ dệt may đã dày công vun đắp kể từ khi Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định) ra đời năm 1889.

Nhà truyền thống ngành Dệt may là nơi giáo dục các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành dệt may về truyền thống hào hùng, lòng yêu nước và tinh thần hy sinh quên mình vì độc lập dân tộc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa đáng trân trọng và tự hào của các lớp đi trước. Công trình sẽ tiếp tục được bổ sung các hiện vật tiến tới được công nhận là Bảo tàng của ngành Dệt may Việt Nam.

Tin,ảnh: Thanh Bình

.
.
.
.