.
.

Công nhân Việt Nam làm chủ dây chuyền đạm Ninh Bình

Thứ Ba, 09/10/2012|13:38

Ngày 7/10, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình Chu Văn Tuấn cho biết, tập thể cán bộ, công nhân Việt Nam đã làm chủ hệ thống dây chuyền sản xuất và tự vận hành toàn bộ nhà máy tại khu công nghiệp Khánh Phú (huyện Yên Khánh).

 

 

Đáng chú ý, việc làm chủ vận hành dây chuyền nhà máy của công nhân Việt Nam chỉ diễn ra sau hơn 10 ngày nhà thầu EPC (Tổng Công ty thầu khoán và thiết kế Hoàn Cầu-Trung Quốc) bàn giao quyền chỉ huy cho chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). 
 
Trước đó, công ty Đạm Ninh Bình đã bỏ ra chi phí 16 tỷ đồng/tháng cho việc thuê 72 chuyên gia vận hành Trung Quốc với yêu cầu giúp chủ đầu tư nhanh chóng tiếp cận, điều khiển thành thục hệ thống máy móc thiết bị với năm công đoạn chính gồm công nghệ khí hóa than; công nghệ tinh chế khí; công nghệ tổng hợp amôniắc; công nghệ tổng hợp urê và công nghệ phân ly không khí. 
 
Đại diện nhà thầu EPC, ông Zhang Jun đã khẳng định kể từ thời điểm bàn giao nhà máy vào ngày 23/9, trách nhiệm chỉ huy sản xuất thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu chỉ giữ vai trò tư vấn. Nhằm duy trì sản xuất của nhà máy ổn định, lâu dài, nhà thầu sẽ để khoảng 17, 18 chuyên gia Trung Quốc ở lại hỗ trợ vận hành và trợ giúp kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam trong ba tháng 10, 11, 12/2012, sau đó rút về nước khi kết thúc hợp đồng. 
 
Hiện tại, nhà máy đạm Ninh Bình duy trì sản xuất với 85% công suất thiết kế, mỗi ngày cho ra đời 1.500 tấn phân urê, sản lượng mỗi tháng khoảng 45.000 tấn cung cấp cho thị trường tiêu thụ ở miền Bắc và miền Trung (từ Thừa Thiên Huế trở ra) và các thị trường tiềm năng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp với giá thành khoảng 10.000 đồng/kg. 
 
Đơn vị đang tập trung nghiên cứu công nghệ, đo kiểm chứng độ dẫn diện nước khử khoáng ở xưởng nước và nước chưng thủy phân ở xưởng urê trong điều kiện giống nhau để đưa ra quy chuẩn, thực hiện thí nghiệm xử lý hoá chất cục bộ đối với nước có hàm lượng amoni cao, tiến hành nạo vét hồ Cống Kem, mua bùn vi sinh của nhà máy nước Hà Nội hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn may Nien Hsing để xử lý nước thải bảo vệ môi trường.
 
Vũ Anh Minh (Theo TTXVN)
.
.
.
.