Phí điều tiết điện lực vẫn không được chấp nhận
Lâu nay Cục Điều tiết điện lực vẫn phải nhờ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “gánh vác” giúp một phần kinh phí, mà như vậy hoạt động giám sát sẽ không còn khách quan, nên rất muốn thu phí từ người dân.
Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện Lực sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, khai mạc vào ngày 22/10 tới đây |
Giải thích này của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng với sự kiên trì của Chính phủ về đề xuất quy định phí điều tiết điện lực vào dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực vẫn không thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự luật này vào sáng 18/10.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, cơ quan này đã nhận được văn bản Chính phủ giải trình thêm một số vấn đề của dự án luật. Trong đó vẫn tiếp tục đề xuất quy định phí điều tiết điện lực. Đồng thời, đề nghị giao Chính phủ quy định về vị trí pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tiết điện lực.
Trong khi quá trình thảo luận dự luật tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội nhiều ý kiến đã không tán thành thu loại phí này. Tại phiên họp tháng 8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo không quy định về cả hai vấn đề nêu trên vào dự thảo luật, ông Dũng nhắc lại.
Và đề nghị của Thường trực Ủy ban là "không đồng ý với quy định về phí điều tiết hoạt động điện lực".
Nhiều ý kiến khác tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, Cục Điều tiết điện lực là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, nhiệm vụ điều tiết điện lực là thực hiện theo chức trách được Nhà nước giao, kinh phí hoạt động đã có ngân sách chi thường xuyên nên không có cơ sở để thu thêm loại phí này.
Theo quy định hiện hành thì không có loại phí này cho hoạt động điều tiết điện lực, thừa nhận thực tế này song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn tha thiết mong được xem xét bổ sung thêm mức thu phí điều tiết điện lực. Chỉ khác là quy định này sẽ không đưa thẳng trong luật mà bổ sung thêm vào pháp lệnh phí và lệ phí.
Sau một số “truy vấn” tiếp theo, ông Hoàng lại giải thích, do tính chất hoạt động của Cục Điều tiết điện lực là nhiều việc không được phân bổ kinh phí thường xuyên nên để đảm bảo hoạt động, lâu nay Cục có trao đổi với EVN và họ cũng có gánh vác giúp một phần kinh phí này.
Song với nhiệm vụ là giám sát hoạt động các cơ quan này mà lại phải để cho EVN trả thì là không khách quan nên chúng tôi mới xin thu phí, Bộ trưởng giãi bày.
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, tiến tới theo lộ trình có thể tách Cục Điều tiết điện lực khỏi bộ Công Thương, hoạt động như một cơ quan độc lập, nên cần quy định thu phí này để đảm bảo hoạt động.
Tuy nhiên, lý do chưa được coi là hợp lý này không làm thay đổi quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Không thể quy định thu phí điều tiết, nếu sau này hình thành cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì khi đó sẽ nghiên cứu thêm, và có thể bổ sung vào trong pháp lệnh, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân gói lại phiên thảo luận.
Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện Lực sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, khai mạc vào ngày 22/10 tới đây.
Nguyên Vũ (Theo VET)