Ngành công nghiệp chế biến đối mặt nhiều khó khăn
Tại giao ban thường kỳ ngày 27/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết tình hình phát triển kinh tế và hoạt động của khối doanh nghiệp đã có bước chuyển biến khá tích cực, từng bước hồi phục và đúng hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 11 đã tăng 4,8% so với tháng trước, góp phần đưa IPP 11 tháng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng cao nhất là 12,4%. Một số sản phẩm quan trọng, có mức tăng trưởng cao như dầu thô, khí đốt thiên nhiên, phân hóa học, thủy sản chế biến, dầu thực vật, quần áo.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi đạt mức tăng trưởng thấp nhất 3,9% và chưa khẳng định được tầm vóc và vị thế như thời gian trước.
Thêm vào đó, với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 104 tỷ USD (tăng 18,4% so với cùng kỳ) trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 103,988 tỷ USD, nền kinh tế đã xuất siêu hơn 10 triệu USD. Đây là một diễn biến khá bất thường bởi phần lớn các khoảng thời gian cùng kỳ của các năm trước đều diễn ra tình trạng nhập siêu do nhập khẩu cao hơn hẳn so với xuất khẩu.
Thực tế trên cho thấy, nhu cầu sử dụng nguyên, vật liệu của các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đạt mức trung bình như các năm trước.
Cũng trong 11 tháng, cả nước có thêm 62.794 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 402.893 tỷ đồng tức giảm 10,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 8,4% về vốn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thì đây cũng là tín hiệu khá tích cực.
Theo ông Đào Quang Thu, nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn và sản xuất-kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức nên trong tháng 12 tới, các cấp, ngành và địa phương cần tăng cường hợp tác, chủ động trong hoạt động điều hành một cách linh hoạt, chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Các đơn vị ưu tiên cho mục tiêu xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện những ưu đãi, điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất.
Đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, một số chuyên gia cho biết doanh nghiệp cần tận dụng thời gian kết hợp với việc sử dụng hợp lý các nguồn lực để làm tốt việc tái cơ cấu, trong đó tập trung đổi mới dây chuyền, trang bị công nghệ và sản phẩm để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau bởi đầu vào của doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác. Ngoài ra, việc áp dụng các hình thức thanh toán linh hoạt và tiết giảm chi phí cũng là giải pháp cần tiếp tục tập trung để duy trì và phát triển trong thời gian tới.
Hiền Anh (Theo TTXVN)