.
.

Sử dụng sản phẩm của nhau ở Vinacomin: Sức mạnh gắn kết

Thứ Năm, 06/12/2012|09:30

 

 

Phối hợp kinh doanh, đặc biệt là sử dụng tối đa các sản phẩm trong thị trường nội bộ… là hoạt động có từ rất lâu ở Vinacomin nhằm giảm giá thành sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, tạo sức mạnh gắn kết, tinh thần tương trợ giữa các đơn vị trong tập đoàn.

 

Ưu tiên sử dụng sản phẩm trong ngành

Đặc tính của ngành than, bao giờ cũng phải có các đơn vị phụ trợ phục vụ sản xuất mỏ như:  Cơ khí Vườn Cam, Cơ khí Cẩm Phả, Công ty cổ phần Chế tạo máy, Công ty Cổ phần Công nghiệp ôtô, Cơ khí đóng tàu, Cơ khí Mạo Khê, Hòn Gai, Cơ điện Uông Bí, Trung tâm cấp cứu mỏ, Viện cơ khí năng lượng và Mỏ, Viện khoa học công nghệ mỏ…

Theo đó, với những sản phẩm, dịch vụ mà các đơn vị trong tập đoàn sản xuất được như: Máng cào và phụ kiện máng cào, máy xúc trong lò, cột và giá chống thủy lực, tàu điện và ắc quy điện, thiết bị điện mỏ, các sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn, sửa chữa thiết bị, xây dựng, đào lò, dầu nhờn, dịch vụ y tế… nhiều năm qua đã được các đơn vị trong tập đoàn ưu tiên sử dụng.

Đặc biệt từ năm 2005, khi chính thức hoạt động với quy mô tập đoàn, lãnh đạo Vinacomin rất chú trọng tận dụng lợi thế, sức mạnh của từng đơn vị, phát huy nội lực của tập đoàn. Đơn vị nào sản xuất cái gì, khối lượng bao nhiêu; đơn vị nào sử dụng… đều ghi trong kế hoạch phối hợp kinh doanh và yêu cầu các đơn vị hướng theo mục tiêu này để thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Biên - Phó  tổng giám đốc Vinacomin - cho biết, cách làm trên đã giúp nhiều đơn vị chủ động được kế hoạch sản xuất từ 1- 5 năm. Trước kia, mỗi công ty than đều có một bộ phận nổ mìn, công việc không liên tục, hiệu quả không cao. Bây giờ, việc nổ mìn tập trung vào một công ty để ký hợp đồng với các mỏ, công việc thường xuyên, liên tục và có thể nổ bãi lớn hàng trăm nghìn khối.

Bên cạnh đó, để hạn chế tâm lý ỷ lại do có sẵn “đầu ra”, Vinacomin quy định, đơn vị nào không đảm bảo số lượng, chất lượng đã cam kết, sẽ phải đền bù sản phẩm khác, thậm chí sẽ bị hủy không sử dụng sản phẩm.

Ngoài các giải pháp trong kế hoạch phối hợp kinh doanh, Vinacomin còn thành lập tổ kiểm tra trách nhiệm đối chứng: Nghe ngóng, phản ánh từ đơn vị sử dụng dịch vụ đó rồi có cơ chế trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Đặc biệt, các đơn vị phải đảm bảo tính cạnh tranh về chất lượng, tiến độ; giá cả sản phẩm phải theo cơ chế thị trường. Để theo dõi, Vinacomin yêu cầu các đơn vị ký hợp đồng sử dụng 70% sản phẩm nội bộ, 30% có thể khai thác từ thị trường bên ngoài để các đơn vị có cơ sở so sánh.

Với cách làm này, nhiều năm qua, các đơn vị thuộc Vinacomin đã cùng nhau trưởng thành, khắc sâu hơn truyền thống “kỷ luật- đồng tâm” của tập đoàn.

Những yêu cầu mới

Mấy năm gần đây, một số cán bộ vì lợi ích cá nhân đã  “bẻ lái” các hợp đồng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài, thậm chí tập trung sử dụng hàng nhập khẩu khiến các đơn vị sản xuất cơ khí, dầu nhờn, xây lắp và các ngành phụ trợ của Vinacomin gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm và thu nhập của người lao động.

Trước tình hình đó, ông Lê Minh Chuẩn- Tổng giám đốc tập đoàn- đã có chỉ thị số 176/CT-Vinacomin yêu cầu: các đơn vị có nhu cầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mà những đơn vị trong tập đoàn sản xuất được. Chỉ được mua, thuê ngoài khi các đơn vị trong ngành không đáp ứng được và phải được ghi trong kế hoạch phối hợp kinh doanh hàng năm của đơn vị và/hoặc được lãnh đạo tập đoàn cho phép.

Mặt khác, các đơn vị sản xuất, phục vụ, phụ trợ phải chủ động đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường nội địa hóa để từng bước giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tiến độ hợp đồng, giá cạnh tranh, bảo hành và hậu mãi theo đúng quy định. Mỗi đơn vị, nhất là các công ty cơ khí, chỉ tập trung vào đầu tư, nghiên cứu, chế tạo một số sản phẩm. Các đơn vị không được sản xuất các sản phẩm trùng nhau và phải phối hợp, sử dụng sản phẩm của nhau trong chế tạo.

Đặc biệt, chỉ thị trên cũng nêu rõ: “Sẽ xem xét vai trò, năng lực và buộc phải chịu trách nhiệm người đại diện tập đoàn giữ chức vụ giám đốc đơn vị cung ứng, đơn vị sử dụng sản phẩm, dịch vụ không thực hiện đúng quy định phối hợp kinh doanh hàng năm…”.

Là một tập đoàn lớn, việc có được hệ thống các đơn vị phục vụ, phụ trợ lớn mạnh… chính là điều kiện thuận lợi để Vinacomin chủ động sản xuất và tạo được những bước tiến dài. Điều này cũng lý giải vì sao, hoạt động phối hợp kinh doanh được ban lãnh đạo tập đoàn rất quan tâm và xem đây là một trong những chiến lược phát triển quan trọng.

 

Theo Bao Cong thuong

 

.
.
.
.