.
.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Trên đà tăng tốc

Chủ Nhật, 06/01/2013|21:34

 

Kể từ sau khi có Kết luận số 41-KL/TW ngày 19/1/2006 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến 2025, ngành Dầu khí Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn bứt phá tăng trưởng ngoạn mục nhất trong suốt chiều dài 50 năm xây dựng và phát triển.

Hệ thống đồng bộ và hiệu quả

Đảng và Nhà nước đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng là tái cơ cấu để doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế Nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao sức cạnh tranh, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp.

Quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước là xây dựng ngành Dầu khí đồng bộ, trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng dựa trên tiềm năng dầu khí trong và ngoài nước, phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực, ưu tiên tìm kiếm thăm dò, khai thác những vùng nước sâu xa bờ, tích cực đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo phát triển bền vững ngành Dầu khí và an ninh năng lượng phát triển đất nước. Đồng thời cũng khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia tối đa trong các lĩnh vực dịch vụ, chế biến, phân phối sản phẩm..., phát triển ngành Dầu khí đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng, chủ quyền Quốc gia trên biển.

Kho cảng Thị Vải

Nhận thức rõ vai trò và vị trí của mình cũng như trách nhiệm đối với nền kinh tế, trong 6 năm qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực sự đã trở thành Tập đoàn kinh tế đầu tàu với tốc độ tăng trưởngtrung bình đạt gần 20%/năm, chiếm bình quân 18-20% GDP cả nước, đóng góp trung bình 28-30% tổng thu ngân sách. Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước tăng trưởng cao, bền vững. Vốn chủ sở hữu tăng mạnh, được bảo toàn và phát triển, hệ số nợ trong mức an toàn và được kiểm soát. Năm 2012, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 772,7 nghìn tỉ đồng, bằng 117,0% kế hoạch năm, tăng 14,4% so với năm 2011. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 186,3 nghìn tỉ đồng, bằng 138,2% kế hoạch năm, tăng 15,8% so với năm 2011 (vượt mức 51,48 nghìn tỉ đồng so với kế hoạch năm).

Ngoài ra, Tập đoàn còn làm tốt công tác an sinh xã hội, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia trên biển, xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên vững mạnh, khẳng định được vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng được văn hóa doanh nghiệp Dầu khí.

Quy mô hoạt động, quy mô về vốn, về tài sản tăng rất cao so với 5 năm trước đây, đây là những thành tựu nổi bật để khẳng định kết quả của quá trình cổ phần hóa và tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp kể cả về ý nghĩa, về chất lượng quản trị doanh nghiệp, về khả năng cạnh tranh. Thành tựu nổi bật của PVN trong 10 năm đổi mới doanh nghiệp là xây dựng thành công một cách đồng bộ cả về hiệu quả kinh tế, văn hóa và hệ thống chính trị.

PVN đã và đang hoạt động phù hợp với Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 đã được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi theo chuỗi giá trị bao gồm: Tìm kiếm, thăm dò; khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; sản xuất điện khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động với tư cách là Tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực và trực tiếp triển khai một số hoạt động quyết định được lựa chọn trong chuỗi các hoạt động dầu khí cốt lõi, các đơn vị thành viên là các tổng công ty chuyên ngành.

PVN đã thực hiện cơ bản kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hình thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đánh dấu thời kỳ đổi mới toàn diện và không ngừng của Tập đoàn hướng tới chuyên nghiệp, tổ chức khoa học, kinh doanh năng động, hiệu quả và thực sự là trụ cột, đầu tàu, công cụ đắc lực của Nhà nước điều hành nền kinh tế theo định hướng xã hội củ nghĩa.

PVN là một doanh nghiệp đặc thù với những nhiệm vụ đặc biệt đối với nền kinh tế. Việc đầu tư của PVN nằm trong tổng thể lâu dài mang tính chiến lược của Nhà nước, đó là những dự án được tính toán nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài, có ảnh hưởng đến chiến lược an ninh quốc phòng, để điều tiết, giữ bình ổn thị trường và để các chính sách kinh tế được thực thi theo định hướng.

Hiện nay, PVN đang đầu tư vào một số lĩnh vực như ngành điện để phát triển điện khí, xây dựng các nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol, sản xuất xơ sợi từ hóa phẩm dầu khí, sản xuất phân đạm, hóa chất... Đó là những dự án liên quan khăng khít với chuỗi hoạt động và sản phẩm chính của ngành. Năm 2012, sản xuất và cung cấp cho lưới điện Quốc gia đạt 15,10 tỉ kWh, bằng 109,0% kế hoạch năm, tăng 12,2% so với năm 2011. Tập đoàn đạt mốc sản xuất kWh điện thứ 50 tỉ vào ngày 14/10/2012. Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức vận hành thương mại từ ngày 24/4/2012; sản lượng sản xuất phân urê toàn Tập đoàn đạt 1422 nghìn tấn, bằng 117,5% kế hoạch năm, tăng 77,3% so với năm 2011 (trong đó: Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt 850 nghìn tấn, Nhà máy Đạm Cà Mau đạt 572 nghìn tấn).

Tái cơ cấu và đổi mới toàn diện

Với vị trí quan trọng của ngành Dầu khí trong nền kinh tế của đất nước thì quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập vừa là thuận lợi nhưng cũng vừa là yêu cầu cấp bách. Nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn mang lại hiệu quả cao nhưng đồng thời cũng cần đầu tư rất lớn, do vậy đi kèm rủi ro lớn, PVN không thể tự tổ chức triển khai từ khâu đầu đến khâu cuối, đòi hỏi phải thu hút vốn và có sự tham gia của các đối tác nước ngoài về công nghệ sản xuất, quản lý doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ cán bộ, điều đó đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới toàn diện trong Tập đoàn.

PVN được đánh giá là một trong những tập đoàn kinh tế thành công nhất trong quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc, sắp xếp đổi mới DNNN. Thành công nổi bật của PVN là đã hoàn thành một cách trọn vẹn công tác cổ phần hóa những doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho cổ phần hóa. Mặc dù tài sản của các đơn vị trong ngành Dầu khí có nhiều đặc thù: đa dạng về công năng, phức tạp về kỹ thuật, có quy mô, giá trị lớn, trải dài từ Bắc vào Nam, không có sẵn trên thị trường, rất khó xác định chính xác theo giá thị trường song kết quả cổ phần hóa đã mang lại lợi ích rất lớn.

Trong quá trình cổ phần hóa, PVN luôn chỉ đạo sát sao các DN bằng những giải pháp cụ thể, tập trung rà soát, phân loại tài sản, công nợ và xử lý dứt điểm các vấn đề tài chính theo đúng các quy định của pháp luật. Vì vậy, sau cổ phần hóa, tình hình tài chính của các đơn vị thành viên Tập đoàn đều lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vốn điều lệ của các đơn vị cơ bản được xây dựng phù hợp với chiến lược chung tổng thể toàn Tập đoàn.

PVN tái cấu trúc các đơn vị theo lĩnh vực sản xuất - kinh doanh song song với việc hình thành một số tổng công ty và chuyển đổi một số đơn vị thành tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con chủ yếu, đủ mạnh để phát huy cao nhất tiềm năng về lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành và trong nước, tập trung nguồn lực và phát huy thế mạnh của ngành Dầu khí, đảm bảo lĩnh vực kinh doanh chính, tăng khả năng cạnh tranh.

Quan điểm xuyên suốt của PVN đã được thể hiện bằng những kế hoạch cụ thể, kiên quyết sắp xếp lại các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, lãng phí nguồn lực...; thoái vốn có lộ trình, có chỉ đạo và có trách nhiệm hỗ trợ đến cùng. Tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, giảm thiểu, tiến tới triệt tiêu cạnh tranh nội bộ. Nhìn chung, công tác tái cấu trúc doanh nghiệp được triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ.

Được biết, Tập đoàn đã hoàn chỉnh đề án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2012-2015 trình Bộ Công Thương thẩm định. Bộ Công Thương đã thẩm định thống nhất với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt vào tháng 1/2013).

Mục tiêu lớn: Tăng tốc phát triển

Trong xu hướng phát triển và bối cảnh toàn cầu hiện nay, trước những cơ hội và thách thức quốc tế mà PVN sẽ gặp phải trong thời gian tới, chiến lược tăng tốc của Tập đoàn đã được được đặt ra với những mục tiêu rất rõ nét.

Năm 2012, PVN đã thực hiện việc gia tăng trữ lượng đạt 48 triệu tấn quy dầu (bằng 137,1% kế hoạch năm), đây là cơ sở an toàn cho kế hoạch khai thác những năm tiếp theo. Mục tiêu trữ lượng 35 triệu tấn quy dầu/năm ở trong nước và 15 triệu tấn quy dầu/năm ở nước ngoài vào giai đoạn 2016-2025 là hoàn toàn khả thi.

Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2

Khai thác dầu khí sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu và duy trì mức sản lượng khai thác dầu khí tối ưu, đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ bị ngập nước của các mỏ đang khai thác; tích cực mở rộng hoạt động đầu tư khai thác dầu khí ra nước ngoài. Phấn đấu khai thác 25-38 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó: khai thác dầu thô giữ ổn định ở mức 18-20 triệu tấn/năm và khai thác khí 8-19 tỉ m³/năm. Từ nay đến năm 2015, phấn đấu duy trì khai thác khoảng 20 mỏ dầu khí với sản lượng khai thác dầu dự kiến trong nước hàng năm từ 18-19 triệu tấn và khí từ 9-14 tỉ m3. Theo báo cáo mới nhất, tổng sản lượng khai thác quy dầu năm 2012 đạt 26,0 triệu tấn, bằng 104,8% kế hoạch năm.

Trong công nghiệp khí, PVN sẽ tích cực phát triển theo hướng đa dạng hóa thị trường tiêu thụ; khí sẽ được cung cấp cho các ngành: sản xuất điện, phân bón, hóa chất, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng với quy mô sản lượng khoảng 19 tỉ m3/năm vào năm 2025. Hoàn thành việc xây dựng, kết nối, vận hành an toàn và hiệu quả, tối đa hóa công suất sử dụng các hệ thống đường ống dẫn khí, tiếp tục khai thác để thu gom tối đa khối lượng khí từ các mỏ khí có trữ lượng lớn, kết hợp tăng cường thu gom các mỏ khí có trữ lượng nhỏ... Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh và khuyến khích các nhà thầu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom khí ngoài khơi để nối với các hệ thống đường ống hiện có. Sản lượng khai thác khí năm 2012 đạt 9,30 tỉ m3, bằng 103,3% kế hoạch năm, tăng 6,9% so với năm 2011. Tập đoàn đạt mốc khai thác m3 khí thứ 80 tỉ vào ngày 15/10/2012.

Về công nghiệp chế biến dầu khí, đến năm 2015 xây dựng xong 3-5 nhà máy lọc hóa dầu với tổng công suất lọc khoảng 26-32 triệu tấn/năm, xây dựng và đưa vào vận hành 1 đến 2 tổ hợp hóa dầu sản xuất các sản phẩm hóa dầu cơ bản. Đến năm 2025 hoàn thành việc mở rộng và xây dựng xong 6-7 nhà máy với tổng công suất lọc dầu 45-60 triệu tấn/năm, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sản phẩm hóa dầu cơ bản nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh năng lượng Quốc gia về sản phẩm nhiên liệu và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho hóa dầu, nhựa đường và các sản phẩm có giá trị cao như dầu nhờn, dung môi, nhiên liệu sinh học…; gắn các dự án hóa dầu với các dự án lọc dầu, hình thành các tổ hợp, liên hợp lọc hóa dầu, nâng cao giá trị chế biến, hiệu quả đầu tư và sử dụng tối ưu cơ sở hạ tầng và các hạng mục phụ trợ. PVN đặt mục tiêu đạt mức dự trữ xăng dầu Quốc gia theo Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050: năm 2020 đạt 60 ngày và năm 2025 đạt 90 ngày.

Giai đoạn 2016-2025 PVN phấn đấu doanh thu dịch vụ kỹ thuật dầu khí đạt tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm so với năm trước. Doanh thu dịch vụ dầu khí năm 2012 đạt trên 234 nghìn tỉ đồng, bằng 102% kế hoạch năm, tăng 13% so với năm 2011, chiếm 30% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.

Nhằm thực hiện thành công kế hoạch năm 2013, tiếp tục đà tăng tốc, PVN đã đề ra một hệ thống giải pháp và chương trình hành động cụ thể. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; thực hiện nghiêm túc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ các hoạt động dầu khí trên Biển Đông; kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác trong năm 2013; đảm bảo hoàn thành gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí năm 2013 theo kế hoạch đề ra.

Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị đôn đốc chỉ đạo thực hiện quyết liệt 3 giải pháp đột phá (về quản lý, KHCN và phát triển nguồn nhân lực); tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; kiểm tra, giám sát chặt chẽ vận hành an toàn các hệ thống vận chuyển khí, các nhà máy điện; tiếp tục rà soát nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án; thu xếp đủ vốn và tổ chức thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật..., để phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn.

***

Tổng kết đánh giá 6 năm thực hiện Kết luận số 41 của Bộ Chính trị và phê duyệt của Chính phủ về chiến lược phát triển ngành Dầu khí, PVN đã xuất sắc hoàn thành tất cả các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.

Được biết, vào đầu năm nay - 2013, theo kế hoạch, Bộ Chính trị sẽ trực tiếp nghe PVN báo cáo tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kết luận 41 và trên cơ sở những thành quả đó cùng xu hướng phát triển hiện nay, ngành Dầu khí sẽ sớm có một Nghị quyết mới... cho một tầm vóc mới với định hướng toàn diện hơn.

Nguyễn Tiến Dũng

Petrotimes

.
.
.
.