Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm ở Vinachem
Ðể có sự tăng trưởng bền vững, vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu là năng suất và chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa phải được nâng cao. Năng suất, chất lượng và chi phí có mối quan hệ chặt chẽ, quản lý chất lượng tốt, dẫn đến năng suất cao, và chi phí giảm. Ðó là những yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của các doanh nghiệp hóa chất trong Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Những vấn đề đặt ra
Hiện nay vẫn còn tồn tại một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp (DN) thuộc Vinachem, đó là:
Một số DN vẫn còn sử dụng các dây chuyền sản xuất có công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu, khiến tỷ lệ sử dụng nhân công cao, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp. Một số dây chuyền sản xuất tuy đã được đầu tư thêm thiết bị nhưng vẫn trong tình trạng chắp vá hoặc không đồng bộ. Trình độ công nghệ và thiết bị hạn chế thường kéo theo chất lượng sản phẩm thấp, kém sức cạnh tranh, làm cho giá bán thấp và kéo theo hiệu quả sản xuất thấp. Ngoài ra, do nhiều dây chuyền sản xuất không tận dụng triệt để được sản phẩm phụ, chất thải và năng lượng thải nên rất lãng phí, giá thành sản xuất càng cao, đồng thời còn có thể gây ô nhiễm môi trường.
Một số dự án mặc dù đã được đầu tư mới hoàn toàn với công nghệ và thiết bị hiện đại, tiên tiến nhưng nhiều khi lại bị hạn chế về công suất, không tận dụng được ưu thế về quy mô sản xuất để giảm giá thành. Các dây chuyền sản xuất có quy mô sản xuất nhỏ, không phát huy được hiệu quả về "quy mô sản xuất", khiến sản phẩm phải "gánh" chịu chi phí cao về quản lý, hạ tầng cơ sở... Bên cạnh đó, gia tăng các chi phí liên quan đến chuyển đổi công nghệ sản xuất, di dời cơ sở sản xuất hoặc xử lý chất thải, xử lý môi trường.
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng còn thiếu, chưa được áp dụng rộng rãi.
Nguồn nhân lực về năng suất và chất lượng còn ít; thiếu tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng sản phẩm để có thể hình thành mạng lưới hỗ trợ các DN một cách hiệu quả, rộng khắp.
Cố gắng bước đầu
Thời gian qua, các DN thuộc Vinachem đã tăng cường đầu tư chiều sâu, đầu tư mới các công nghệ tiên tiến, nhập khẩu thiết bị hiện đại. Các nhà máy mới đã và đang triển khai xây dựng đều lựa chọn các công nghệ tiên tiến nhất từ các nước công nghiệp phát triển, thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và tay nghề của công nhân ngày càng được nâng cao. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được tiếp nhận và khai thác có hiệu quả.
Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các nguyên vật liệu và các sản phẩm chưa có tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành (TCVN, TCN). Các đơn vị đã xây dựng xong bộ tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định. Một số công ty đã công bố hàng hóa phù hợp TCVN đối với một số sản phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị đã chú trọng đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại để kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm.
Ðến nay hầu hết các đơn vị của Vinachem đều đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 - 2008. Nhiều công ty đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18000... Áp dụng các công cụ cải tiến và kiểm soát chất lượng như: Hoạch định chất lượng sản phẩm (APQP: Advanced Product Quality Planning); Quy trình phê duyệt sản xuất (PPAP: Production Part Approval Process)... 5S, Kaizen.
Kết quả đạt được khi áp dụng các nhóm giải pháp là rất rõ ràng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nói chung.
Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Ðiển đã giảm định mức tiêu hao than, điện tại cửa lò. Chất lượng sản phẩm nâng cao, tiêu thụ rộng khắp trong nước và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a,... Hiện, công ty đang tập trung nghiên cứu sử dụng các nguyên, nhiên liệu thay thế một phần quặng Apatit cục loại 2, than cục, phụ gia... để tiếp tục giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, sản phẩm supe lân vê viên, sấy khô đã được xuất sang Nhật Bản, Niu Di-lân; sản phẩm lân nung chảy dạng hạt 1517% P2O5 hữu hiệu, sấy khô, bước đầu xuất sang Hàn Quốc.
Công ty CP Cao-su Ðà Nẵng (DRC) sản phẩm đã đạt được các tiêu chuẩn chất lượng: JIS (Nhật Bản), DOS (Mỹ), EMARK (châu Âu), SNI (In-đô-nê-xi-a). Sản phẩm săm lốp của CASUMINA đạt tiêu chuẩn chất lượng TCVN (Việt Nam), JIS (Nhật Bản), MS (Ma-lai-xi-a), SNI (In-đô-nê-xi-a) - ECE (châu Âu) tùy thuộc vào thị trường xuất khẩu mà có các tiêu chuẩn chất lượng tương ứng. Với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, sản phẩm DRC, CASUMINA có điều kiện cần để thâm nhập thị trường quốc tế.
Nhà máy Hóa chất Biên Hòa (Công ty TNHH một thành viên HCCB miền nam) và Công ty CP Hóa chất Việt Trì đầu tư công nghệ điện phân xút-clo màng trao đổi ion (Membran). Việc áp dụng công nghệ mới, hiện đại, thiết bị tiên tiến, chất lượng cao, điều khiển tự động đã làm tăng năng lực sản xuất của hai nhà máy lên hơn 50.000 tấn/năm và tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội (NaOH > 32%, HCl < 40 ppm) giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu.
Những việc cần quan tâm
Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên, các DN trong Vinachem đã và đang thực hiện các dự án cải tiến năng suất và chất lượng. Ðó cũng là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua sử dụng một cách hiệu quả các yếu tố đầu vào là "vốn" và "lao động" để gia tăng kết quả đầu ra.
Việc quản lý chi phí đã được định hướng rõ rệt bằng giải pháp đi tìm các lãng phí trong quá trình sản xuất để có biện pháp loại trừ, từ đó tiết giảm chi phí, chất lượng hệ thống cũng sẽ được quản lý tốt hơn, và năng suất cũng gia tăng theo.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhằm đạt mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư nhằm tạo sự chuyển dịch cơ bản từ năng suất, chất lượng thấp, giá trị gia tăng thấp, công nghệ thấp sang năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghệ có hàm lượng khoa học cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa... nhưng các DN trong Vinachem cũng vẫn rất cần có sự định hướng, tạo điều kiện và hỗ trợ một cách đồng bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực: Hỗ trợ cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu, xây dựng mô hình điểm; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong việc tạo cơ hội cho việc giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của DN, đặc biệt đối với những nguyên, nhiên liệu như điện, than, nước và các dịch vụ như vận tải...; Tập trung quản lý, phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất hóa chất, phân bón trong nước, đặc biệt là nguồn nguyên liệu apatit, than, dầu khí, muối công nghiệp; có chính sách khuyến khích áp dụng các giải pháp về công nghệ nhằm cơ cấu lại sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển những nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có trình độ cao.
Chử Văn Nguyên (Theo Nhân dân)