.
.

Vinacomin: Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 26 nghìn tỷ đồng trong Quý I/2014

Thứ Hai, 21/04/2014|10:27

Tại họp báo Quý I/2014 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) diễn ra ngày 17/4, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên cho biết, trong tổng số trên 400 doanh nghiệp Nhà nước cần phải cổ phần hóa theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Tập đoàn có 8 đơn vị, đến thời điểm hiện tại, 2/8 doanh nghiệp đã cổ phần hóa xong, còn 6 doanh nghiệp đang triển khai các thủ tục cần thiết để thực hiện cổ phần hóa trong năm 2014.

Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 26 nghìn tỷ đồng trong Quý I/2014
Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 26 nghìn tỷ đồng trong Quý I/2014

Theo báo cáo, Quý I/2014, toàn Tập đoàn đã sản xuất được 9,7 triệu tấn than, đạt 25,6% kế hoạch năm, bằng 91,7% so với cùng kỳ năm 2013. Lượng than tiêu thụ ước đạt 9,35 triệu tấn, bằng 26,7%, trong đó xuất khẩu 2,5 triệu tấn và tiêu thụ trong nước 6,8 triệu tấn. Lượng than tồn kho đến cuối Quý I ước còn 7,6 triệu tấn, bao gồm 5,5 triệu tấn than sạch và 2,1 triệu tấn than nguyên khai và bán thành phẩm. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 26 nghìn tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch năm, trong đó doanh thu bán than đạt 13.334 tỷ đồng; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt 1.526 tỷ đồng; sản xuất, bán điện 3.200 tỷ đồng,…

Trong Quý I, Vinacomin đảm bảo việc làm và thu nhập cho 126 nghìn lao động với thu nhập trung bình đạt 7,7 triệu đồng/người/tháng. Giá trị đầu tư của Tập đoàn thực hiện đạt thấp với 2.455 tỷ đồng, bằng 10,1% kế hoạch năm và bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khối lượng đào lò và xây dựng cơ bản thực hiện được 7.614 mét, bằng 23,1% kế hoạch năm.

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên cho biết: Ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp điều hành kế hoạch năm 2014 và tiết giảm chi phí. Đã ban hành các công văn, chỉ thị để hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; ổn định sản xuất, giữ thu nhập cho người lao động, trên cơ sở cân đối hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường thu hồi, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết giảm các chi phí đầu vào cho sản xuất cũng như tiết kiệm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường chế biến nâng cấp than tiêu chuẩn cơ sở, than nguyên khai 6b thành các loại than chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng, khuyến khích tiêu thụ than cục.

Cũng trong Quý I, Tập đoàn huy động vốn ngắn hạn bình quân 3.000 tỷ đồng và 45 triệu USD để thanh toán tiền than và thanh toán cho các dự án Bauxite, Amon Nitrats… Huy động vốn trung hạn 1.000 tỷ đồng và ký hợp đồng khoản vay 300 triệu USD với SMBC cho dự án Bauxite Alumin Nhân Cơ.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ quý II và những quý tiếp theo, Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết: Tập đoàn sẽ tập trung chỉ đạo điều hành sản xuất-tiêu thụ, phấn đấu 6 tháng đạt từ 50-52% các chỉ tiêu kế hoạch. Riêng sản xuất than, dự kiến sẽ tiêu thụ 9-10 triệu tấn trong Quý II; trong đó, xuất khẩu từ 1,5-2 triệu tấn, bán trong nước từ 7,5-8 triệu tấn. Ngoài ra, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có lợi thế về giá như: tinh quặng đồng, đồng tấm, thiếc thỏi.

Trong Quý II, đảm bảo ổn định sản xuất 135 nghìn tấn Alumin của Nhà máy Alumin Tân Rai; tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Nhân Cơ, đảm bảo hoàn thành trong Quý IV/2014; duy trì công suất phát điện các nhà máy điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Đông Triều; tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm khác, như: Dự án đầu tư dây chuyền cán thép vì lò tại Công ty CP Chế tạo máy; Hệ thống cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh; Tuyến băng tải vận chuyển than ra Cảng Km6; Nhà máy sản xuất Amon Nitrat; Đầu tư sản xuất thuốc nổ nhũ tương an toàn hầm lò;…

Thời điểm này, Tập đoàn đã và đang tăng cường tiến hành kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn thất thoát than trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ than. Tập trung kiểm soát chặt tại các trạm ra vào mỏ; trên các tuyến đường chuyên dụng; kiểm soát chặt chẽ vận chuyển than ra cảng. Củng cố các kho bãi chứa than, thường xuyên hoàn chỉnh phương án bảo vệ và điều hành phù hợp, ứng dụng công nghệ thông tin kiểm soát dòng than. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý ranh giới mỏ, ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển tiêu thụ than trái phép trên địa bàn.

Ngoài ra, Tập đoàn sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, chế độ cho thợ lò để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển; xây dựng hoàn chỉnh mức lao động, hệ số giãn cách tiền lương theo hướng tăng chủ động cho đơn vị. Hiện tại thợ lò ở nước ta vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi, chưa kể đến mức độ độc hại, nguy hiểm khi làm việc dưới hầm lò. Để cải thiện tình hình, trong năm nay, Tập đoàn sẽ cố gắng tăng thêm 5% thu nhập cho đối tượng này.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tăng cường công tác pháp chế và quản trị rủi ro trong kinh doanh nhất là trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi và có nhiều khó khăn như hiện nay; tích cực triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Lan Hương

.
.
.
.