.
.

Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP):

Chủ lực, tiên phong khai thác dầu khí và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông

Thứ Tư, 21/05/2014|10:44

Trong sự nghiệp phát triển chung của ngành dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) là đơn vị có bề dày truyền thống, giữ vai trò chủ lực, cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí.

Với việc triển khai hiệu quả và bảo đảm an toàn các hoạt động thăm dò khai thác tại các dự án trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, PVEP thật sự là đơn vị ở tuyến đầu, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông.

Những mốc son đáng ghi nhớ Nhân chuyến thăm nước cộng hòa A-déc-bai-gian (thuộc Liên Xô trước đây) và tham quan vùng mỏ dầu ở Ba-cu ngày 23-7-1959, khi trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí, Bác nói đại ý: Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được, tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Ba-cu ngày nay. Thực hiện lời Bác dạy, ngày 27-11-1961, Đoàn Thăm dò Dầu lửa (Đoàn 36 Dầu lửa) được thành lập, là dấu mốc lịch sử mở đầu một thời kỳ hoạt động dầu khí ở Việt Nam (sau này, ngày 27-11 đã được Nhà nước công nhận là Ngày truyền thống Dầu khí Việt Nam). Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam chính thức bắt đầu, thể hiện chủ trương hết sức đúng đắn cũng như tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chính phủ.

Trong giai đoạn này, Việt Nam với sự giúp đỡ to lớn của các chuyên gia Liên Xô (trước đây), đã đề xuất được một kế hoạch tổng thể để từng bước thực tế và cụ thể triển khai tìm kiếm thăm dò dầu khí trên toàn miền bắc Việt Nam.

Sau khi Đoàn 36 Dầu lửa (sau này là Liên đoàn Địa chất 36) được thành lập, công tác thăm dò khai thác dầu khí đã phát triển cả về quy mô và phạm vi hoạt động.

Trong thời gian đầu, với sự hỗ trợ của Liên Xô trước đây, Đoàn 36 Dầu lửa đã tiến hành khảo sát địa chất trên toàn miền bắc, thăm dò địa chấn ở đồng bằng sông Hồng.

Khảo sát địa chấn phản xạ ở vùng tây bắc vịnh Bắc Bộ bằng tàu Bình Minh được triển khai bởi đội địa chấn biển, sau là Đoàn Địa vật lý biển. Trong giai đoạn 1969-1975, hoạt động tìm kiếm thăm dò đã được tiến hành với việc khảo sát địa chất hàng nghìn km, đo hàng chục nghìn điểm trọng lực, hàng nghìn km địa chấn phản xạ, khúc xạ và thăm dò điện, khoan gần 200 giếng khoan, vẽ bản đồ địa chất, cấu tạo, tìm kiếm thăm dò, có độ sâu giếng khoan từ vài trăm mét đến 4.000 m.

Từ năm 1976, việc bắt đầu áp dụng công nghệ ghi và xử lý số trong thăm dò địa chấn đã đánh dấu một bước tiến mới trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở trong nước.

Ngày 25-7-1976, giếng khoan số 61 tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải (Thái Bình) là giếng khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện tại cấu tạo Tiền Hải C, đã phát hiện nguồn khí tự nhiên trong trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng, ở chiều sâu 1.146 - 1.156 m với lưu lượng trên 100 nghìn m 3 /ngày đêm. Từ sau thành công của giếng khoan 61, một loạt giếng khoan khác đã được thực hiện, đã phát hiện tổng cộng 13 vỉa khí với tổng trữ lượng tại chỗ là 1,3 tỷ m 3 . Đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm dầu khí sau hơn 15 năm nỗ lực không ngừng của các cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí ở miền bắc Việt Nam.

Các nghiên cứu tổng hợp tài liệu địa chất - địa vật lý, khoan trong thời kỳ này đã cho một bức tranh khá rõ ràng về cấu - kiến tạo, địa tầng -trầm tích, đặc điểm địa hóa của trầm tích Đệ Tam Miền võng Hà Nội và trũng An Châu. Những đánh giá về triển vọng dầu khí ở Miền võng Hà Nội và trũng An Châu là những đánh giá cơ bản, đúng đắn và có giá trị cho hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí sau này. Đó là kết quả của bao nhiêu công sức và trí tuệ, kể cả sự hy sinh của đội ngũ cán bộ công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô trong điều kiện khó khăn gian khổ của chiến tranh giữ nước. Từ những ngày đầu chập chững về kiến thức và hạn chế về kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ thăm dò dầu khí của Việt Nam đã nắm bắt và áp dụng sáng tạo các công nghệ tiên tiến của thế giới vào thực tế Việt Nam, đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật dầu khí có trình độ cao và kinh nghiệm thực tế phong phú, một đội ngũ công nhân lành nghề để chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ sau này của ngành dầu khí Việt Nam.

Tiên phong hội nhập quốc tế PVEP luôn tự hào là đơn vị tiên phong của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong hợp tác, hội nhập quốc tế và đầu tư ra nước ngoài. Để bảo đảm an ninh năng lượng cho chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, thực hiện chủ trương của Chính phủ, PVEP đã đặt những bước chân đầu tiên ra nước ngoài từ những năm 90 của thế kỷ trước (PSC các lô Tamtsaq, Mông Cổ, PSC lô PM-304-Ma-lai-xi-a).

Bắt đầu từ việc trao đổi một số phần trăm tham gia các dự án tìm kiếm thăm dò của các công ty dầu khí nước ngoài có hoạt động ở Việt Nam, PVEP dần tiến đến tham gia đấu thầu quốc tế (lô 433a và 416bAn-giê-ri) và mua tài sản (lô 67- Pê-ru). Trong các chuyến thăm cấp Nhà nước, Chính phủ đến các nước, vùng lãnh thổ ở khắp năm châu đều in dấu ấn của PVEP, lãnh đạo cấp cao đều đánh giá cao cố gắng nỗ lực và hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty tại những địa bàn xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, nhiều khác biệt về điều kiện kinh tế văn hóa, tiềm tàng nhiều ẩn họa về an ninh.

Việc tham gia vào các dự án dầu khí quốc tế đã tạo ra những sức bật mới, khẳng định PVEP hoàn toàn đủ tự tin bước vào thị trường thăm dò, khai thác dầu khí trên toàn thế giới với năng lực và uy tín ngày càng được nâng cao.

Hơn thế nữa, bằng việc hợp tác với các đơn vị thành viên khác của Tập đoàn triển khai các dịch vụ liên quan đến dự án thăm dò khai thác, PVEP đã đóng vai trò rất lớn hỗ trợ các đơn vị trong ngành cùng vươn ra thị trường dầu khí quốc tế.

Tới nay, PVEP đã và đang tham gia điều hành và quản lý 20 dự án dầu khí tại 15 quốc gia tại các khu vực Đông - Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi, Nga và các nước thuộc Liên Xô (trước đây), Mỹ la-tinh.

PVEP hiện đã có trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí từ nước ngoài tại các mỏ Cendor/lô PM 304, D30/ lô SK305 (Ma-lai-xi-a).

Trong năm 2013, PVEP đã đưa mỏ Cendor mở rộng (giai đoạn 2) vào khai thác và tiếp tục thực hiện công tác phát triển để sớm đưa mỏ West Desaru (giai đoạn 3) của Lô PM 304 vào khai thác trong thời gian tới đây.

Mới đây, PVEP đã đón dòng dầu đầu tiên từ dự án trọng điểm mỏ Junin 2, Vê-nê-xu-ê-la và các mỏ Dorado và Pirana lô 67, Pê-ru đã cho dòng dầu thương mại đầu tiên vào tháng 11 và 12-2013. Đồng thời, PVEP đang tập trung nguồn lực cùng đối tác tích cực thúc đẩy dự án mỏ Bir Seba - An-giê-ri vào khai thác cuối năm 2014.

Với nỗ lực không ngừng, trong thời gian qua, PVEP đã có được một số phát hiện ở nước ngoài (Darma, Danau - Dana, Daya, D41 West -C9, Daya North, Dafnah - C3). Gia tăng trữ lượng đạt 269 triệu tấn quy dầu (bao gồm cả mỏ Junin 2 - Vê-nê-xu-ê-la) với tổng giá trị quy đổi là 15 tỷ USD, nhờ vậy đã hoàn thành chỉ tiêu gia tăng trữ lượng ở trong nước, vượt mức kế hoạch gia tăng trữ lượng ở nước ngoài.

Bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc PVEP không chỉ là một đơn vị sản xuất, kinh doanh đơn thuần mà còn là doanh nghiệp dẫn đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về công tác bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các vùng biển quốc gia của Việt Nam từ lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải đến vùng đặc quyền kinh tế. Từ các vòng đấu thầu của Petrovietnam đã khai sinh các hợp đồng dầu khí có sự tham gia của PVEP - Công ty dầu khí nước chủ nhà như một bên trong tổ hợp nhà thầu cùng với các công ty dầu khí quốc tế. Mỗi hợp đồng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới ký lại đặt một dấu mốc mới lên các vùng biển của Việt Nam, như một lời tuyên bố khẳng định chủ quyền/quyền chủ quyền của quốc gia tại vùng biển đó đối với các nước trong khu vực.

Để góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, lực lượng cán bộ, công nhân viên PVEP đã vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ về điều kiện hoạt động, bất chấp hiểm nguy, quên mình bám trụ trên các công trình dầu khí và tàu khảo sát địa chấn tại các vùng biển có yếu tố nhạy cảm và tranh chấp. Tổng Công ty cũng tích cực triển khai công tác khảo sát điều tra cơ bản và các hoạt động dầu khí nhằm đánh giá tiềm năng dầu khí, đồng thời tăng cường sự có mặt trên thực địa.

Trong số các hoạt động tiêu biểu nhất có thể kể đến: Các dự án xác định lại ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam (Dự án CSL) do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng Ban Biên giới Chính phủ (nay là Ủy ban Biên giới - Bộ Ngoại giao) triển khai. PVEP đã thay mặt Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ này, cụ thể là tìm hiểu thị trường để lựa chọn các đối tác quốc tế có khả năng tiến hành khảo sát địa vật lý tổng hợp (bao gồm địa chấn, từ và trọng lực) toàn thềm lục địa Việt Nam kéo dài; xây dựng, đàm phán và ký kết hợp đồng khảo sát địa vật lý tổng hợp và hợp đồng xử lý, minh giải tài liệu; tổ chức, điều hành và giám sát quá trình thực hiện các hợp đồng . Đánh giá về chặng đường vẻ vang của PVEP - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Phùng Đình Thực cho biết: "PVEP là đơn vị nòng cốt, chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là lực lượng tiên phong sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam".

Từ khi thành lập đến cuối năm 2013, PVEP đã khai thác hơn 47,81 triệu tấn dầu và condensate, 40,37 tỷ mét khối khí, gia tăng trữ lượng 305,52 triệu tấn quy dầu, tổng tài sản của PVEP tăng từ 17.385 tỷ đồng năm 2004 lên 133.877 tỷ đồng tính đến hết năm 2013. Vốn chủ sở hữu của PVEP tăng từ 12.113 tỷ đồng năm 2004 lên 73.264 tỷ đồng tính đến hết năm 2013; là doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước vào "top" dẫn đầu với 18.458 tỷ đồng năm 2013; lực lượng cán bộ, lao động kỹ thuật của PVEP đã thật sự trưởng thành, từng bước làm chủ khoa học công nghệ, đảm nhận tốt những vị trí trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Tiến Vương (Theo Nhân dân)

.
.
.
.