Ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của TCT Đường sắt Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về Điều lệ và tổ chức hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (gọi tắt là Đường sắt Việt Nam) là công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được chuyển đổi từ công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định số 973/QĐ- TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đường sắt Việt Nam có chức năng trực tiếp sản xuất, kinh doanh và đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty liên kết; quản lý, chỉ đạo, chi phối các công ty con, công ty liên kết theo tỷ lệ chiếm giữ vốn điều lệ tại các công ty đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Bên cạnh đó, quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ nhà, quỹ đất thuộc Đường sắt Việt Nam; tổ chức cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt theo quy định.
Ngành, nghề kinh doanh chính của Đường sắt Việt Nam là kinh doanh vận tải đường sắt, vận tải đa phương thức trong nước và liên vận quốc tế; quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia;...
Nhà nước là chủ sở hữu của Đường sắt Việt Nam. Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Đường sắt Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải được phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Đường sắt Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật của Đường sắt Việt Nam là Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam.
Đường sắt Việt Nam có nghĩa vụ phát triển vốn Nhà nước đầu tư tại Đường sắt Việt Nam và vốn Đường sắt Việt Nam tự huy động; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Đường sắt Việt Nam trong phạm vi số tài sản của Đường sắt Việt Nam.
Bên cạnh đó, kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ do Đường sắt Việt Nam thực hiện theo tiêu chuẩn đã đăng ký.
Đồng thời, Đường sắt Việt Nam tự chủ về tài chính, tự cân đối các khoản thu, chi; kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do chủ sở hữu nhà nước giao.
Cơ cấu tổ chức quản lý của Đường sắt Việt Nam
Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành, giám sát của Đường sắt Việt Nam gồm: Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc; các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; bộ máy giúp việc, Ban Kiểm soát nội bộ.
Hội đồng thành viên Đường sắt Việt Nam có 5 thành viên, trong đó có thành viên chuyên trách và thành viên không chuyên trách do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật.
Nhiệm kỳ của Hội đồng thành viên không quá 5 năm. Thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại.
Hoàng Diên (Theo Chinhphu.vn)