Hội nghị IATA 2022: Vững tin vào sự phát triển của ngành Hàng không
Sau hơn 2 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19, vừa qua các nhà lãnh đạo từ 290 hãng hàng không thành viên của IATA, các đối tác chiến lược, nhà cung cấp đã tham dự Hội nghị Thường niên IATA (AGM) lần thứ 78 và Hội nghị Thượng đỉnh Vận tải Hàng không Thế giới (WATS) tại Doha, Qatar.
Đoàn VNA do Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa làm Trưởng đoàn cùng các nhà lãnh đạo cấp cao nhất từ 290 hãng hàng không thành viên của IATA tham dự Hội nghị Thường niên IATA lần thứ 78 và Hội nghị Thượng đỉnh Vận tải Hàng không Thế giới. |
Thiệt hại hàng không toàn cầu sẽ được cắt giảm
Những hạn chế đi lại vì đại dịch chỉ làm cho con người càng khát khao hơn về sớm được tự do bay trên bầu trời. Những dự báo đã cho thấy, hầu hết các thị trường trong năm 2023 lưu lượng vận chuyển sẽ đạt hoặc vượt mức trước đại dịch.
Để trụ vững qua đại dịch khi mà doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí có những giai đoạn về bằng 0 - buộc các hãng hàng không đã có những quyết định vô cùng khó khăn như cắt giảm lương, sa thải nhân công… Rất nhiều chính phủ trên thế giới đã có tầm nhìn xa để cung cấp các gói tài chính cho những hãng hàng không của đất nước mình vượt qua cuộc khủng hoảng. Và ngành công nghiệp hàng không sau khủng hoảng đang chuyển mình với những bộ mặt mới. Hầu hết các hãng hàng không đều hướng tới tái cơ cấu để gọn gàng và hiệu quả hơn.
Theo những phân tích mới nhất của IATA, khoản lỗ vào năm 2021 của tất cả các hãng không trên thế giới lên tới 42 tỷ đô la, một con số khổng lồ, dù đã giảm so với con số ước tính trước đó là 52 tỷ đô la. Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không đều cho rằng thiệt hại toàn cầu sẽ được cắt giảm do việc kiểm soát tốt dịch bệnh và nới lỏng đi lại của các quốc gia trên thế giới. Lợi nhuận toàn ngành sẽ tăng lên vào năm 2023. Chính Tổng giám đốc IATA Willie Walsh đã thay mặt các hãng hàng không khẳng định với báo giới: “Chúng tôi đã chiến đấu kiên cường và chúng tôi đang phục hồi”.
Tuy nhiên, thông điệp tại Hội nghị năm nay Tổng giám đốc IATA ngoài nhận định về triển vọng tích cực về nhu cầu đi lại phục hồi thì Hội nghị cũng chia sẻ về môi trường kinh doanh đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể, lạm phát đạt mức 9,0% trong OECD vào tháng 4 và dự kiến kéo dài trong năm 2022. Triển vọng kỳ vọng GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay, sụt giảm so với các dự báo trước đó. Ngân hàng Thế giới dự kiến giá năng lượng sẽ tăng 50% so với năm 2021. Cuộc xung đột giữa Nga vào Ukraine đã gây mất ổn định cho toàn cầu hóa, đe dọa nguồn cung cấp lương thực của thế giới và tạo ra sự chia rẽ địa chính trị chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Các khoản nợ của các hãng lên tới 650 tỷ đô la sẽ là một thách thức lớn trong quá trình phục hồi và phát triển.
Lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo Hãng hàng không Hàn Quốc (Korean Air). |
Dù phải đối mặt với thực tế kinh tế và chính trị còn nhiều khó khăn. Nhưng những bài học về lịch sử gần đây ủng hộ sự lạc quan cho ngành hàng không, sau khi vượt qua những thời điểm đầy thách thức vì hàng không luôn bứt phát cực kỳ mạnh mẽ. Như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, mô hình du lịch đã thay đổi, nhưng số lượng hành khách vẫn tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng trưởng cực nhanh từ sau năm 2010, thập kỷ 2010 - 2020 đã mang lại hiệu quả tài chính mạnh nhất từ trước đến nay của ngành hàng không. Lịch sử đang lặp lại. Dự báo sau Covid nhu cầu sẽ tăng mạnh mẽ trong những năm tới.
VNA cùng IATA chung tay kiến tạo hòa bình và kết nối tự do
Nhằm cập nhật tình hình hàng không thế giới, trao đổi với các hãng hàng không thành viên và các đối tác khác, Đoàn công tác của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) do Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa làm Trưởng đoàn đã có những hoạt động quan trọng.
Tại sự kiện, Đoàn VNA đã tham dự các chương trình nghị sự của Hội nghị như: Cập nhật triển vọng kinh tế hàng không; dự các buổi thảo luận về các chủ đề nóng về hàng không trên toàn cầu: Chiến tranh ở Ukraine và những tác động của nó đối với thế giới toàn cầu hóa; những thách thức để đạt được phát triển bền vững: giảm lượng khí thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 và giảm việc sử dụng nhựa sử dụng một lần, và đảm bảo vận chuyển pin lithium an toàn,…
Bên cạnh đó, Đoàn đã trực tiếp làm việc với các hãng hàng không đối tác, trong đó có ANA, KE, AF-KLM, Kenya Airways, Turkish Airlines…v.v nhằm cập nhật tình hình mở cửa, tìm kiếm cơ hội hợp tác và chia sẻ các bài học về hoạt động trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao.
Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà và Tổng giám đốc Lê Hồng Hà cũng có những cuộc họp bên lề với các đối tác sản xuất và thuê mua tàu bay: Boeing, Airbus, Airlease, Pratt Whitney; về việc tiếp tục hỗ trợ VNA trong giảm giá thuê, giảm giá sửa chữa và các hỗ trợ kỹ thuật. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng công ty đã tham dự và bỏ phiếu một số nội dung quan trọng trong cuộc họp của liên minh SkyTeam như: Kế hoạch hoạt động và ngân sách trong giai đoạn tới; đề xuất điều chỉnh các quy định vận hành liên minh…
Tổng giám đốc VNA Lê Hồng Hà gặp gỡ lãnh đạo Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines). |
Đông Hưng