.
.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Kết quả tích cực trong năm 2023 là nền tảng cho năm 2024

Thứ Sáu, 05/01/2024|11:06

Sáng 4/01, tại Hà Nội, Đảng bộ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2024.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Phong - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an); đại diện lãnh đạo các vụ, ban của Đảng uỷ Khối DNTW, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về phía VIMC có các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành và đại diện các chi, đảng bộ, đơn vị trực thuộc.

Nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả tích cực

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, trước diễn biến và bối cảnh thị trường khó khăn, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ, Hội đồng quản trị cùng Ban điều hành, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, VIMC đã quyết tâm, kiên trì triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Sản lượng vận tải biển toàn tổng công ty ước đạt 20,6 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn, mang lại doanh thu 17.964 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm 2023.

Đặc biệt, lợi nhuận của VIMC đạt 2.084 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 90% kế hoạch, nhưng vẫn đứng vị trí thứ 59 trong Top 100 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023, được tôn vinh là doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam do VietNam Report đánh giá.

Thị trường diễn biến khó khăn, VIMC đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mới, đặc biệt phát triển và nâng tầm mối quan hệ với các khách hàng, hãng tàu nhờ đó đã thu hút thêm được 12 tuyến dịch vụ về Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, SSIT, CMIT, VIMC Đình Vũ. Các đơn vị thành viên như Vosco, VLC, Vinaship đã nỗ lực triển khai thuê tàu ngoài vào khai thác, giúp tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Đáng chú ý, Vosco mạnh dạn mở rộng hoạt động thương mại nhằm tăng doanh thu, giành được quyền vận chuyển, bước đầu đem lại hiệu quả với doanh thu thương mại đạt 750 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Đức Phong trao huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho đảng viên Trần Văn Hạnh của Đảng bộ VIMC.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Đức Phong trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho đảng viên Trần Văn Hạnh của Đảng bộ VIMC.

Thực hiện chiến lược đã được phê duyệt, trong năm 2023, VIMC đã tập trung nguồn lực nhằm phát triển các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics nhằm kết nối chuỗi dịch vụ logistics của VIMC. Đồng thời, VIMC cũng đang tập trung thúc đẩy việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư của các dự án: Dự án cảng Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Ngoài ra, với chiến lược phát triển mở rộng các ICD để tạo thành chuỗi dịch vụ logistics, VIMC đã nghiên cứu phát triển một số ICD tại Ninh Giang (Hải Dương), Lạch Huyện (Hải Phòng), Tuy Phước (Bình Định)...

Tính đến cuối tháng 12/2023, hệ thống cảng của VIMC gồm 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882 m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước, công suất thiết kế hệ thống cảng của VIMC khoảng 60 triệu tấn hàng rời và hơn 6,5 triệu TEU hàng container.

Tổng công ty cũng sở hữu, quản lý đội tàu gồm 59 chiếc, trong đó có 4 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Tuổi tàu trung bình là 20 tuổi. Tổng trọng tải đội tàu khoảng 1,3 triệu DWT, trọng tải bình quân 23.019 DWT/tàu. Đội tàu của VIMC chiếm trọng tải tương đương khoảng 21% đội tàu của Việt Nam.

Năm 2024, tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường, thị phần khách hàng

"Dự báo năm 2024, cạnh tranh sẽ khốc liệt không khác gì một cuộc chiến khi sức mua của thị trường giảm, chính vì vậy, VIMC cần phải quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng như giữ trận địa. Để giữ được khách hàng, không những phải luôn đặt mình vào vị trí khách hàng mà còn phải đặt mình vào vị trí đối thủ, tức là luôn suy nghĩ và cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích cho khách hàng", đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, VIMC cũng sẽ ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư trọng điểm, như: Phát triển đội tàu vận tải thế hệ mới, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại đảm bảo đáp ứng với các quy định, tiêu chuẩn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững; Đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư đặc biệt: dự án đầu tư bến 3,4 cảng Lạch Huyện, dự án trọng điểm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ sản xuất kinh doanh, tài chính, tái cơ cấu đội tàu vận tải biển, triển khai mạnh mẽ chương trình quản lý chi phí hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thành viên. Mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - logistics của VIMC thông qua việc tham gia đầu tư dự án cơ sở hạ tầng logistics, ICD, kho bãi…

Năm 2024, VIMC vẫn kiên trì, quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng, tập trung phát triển cảng nước sâu, đội tàu container đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực. Với tinh thần đồng lòng và quyết tâm vượt khó, VIMC đặt ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng vận tải biển năm 2024 phấn đấu đạt 15,8 triệu tấn (đạt 76% ước thực hiện năm 2023, do thanh lý, giảm số lượng tàu); sản lượng khối cảng biển đạt 123,7 triệu tấn (đạt 109% ước thực hiện 2023); doanh thu 17.742 tỷ đồng (đạt 99% so với thực hiện 2023) và lợi nhuận 2.169 tỷ đồng (đạt 104%, cao hơn năm 2023 do thanh lý tàu già hết khấu hao).

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh trao Cờ thi đua Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022 của VIMC.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh trao Cờ thi đua Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022 của VIMC.

Đầu tư trọng điểm vào các cảng biển

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả mà VIMC đã đạt được trong năm 2023 khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tổng cầu suy giảm do nhiều yếu tố biến động chính sách tiền tệ, lạm phát, tỷ giá, xung đột địa chính trị,

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, trong bối cảnh khó khăn đó, VIMC vẫn duy trì đà tăng trưởng, là một trong số các doanh nghiệp thuộc Ủy ban sớm hoàn thành việc xây dựng và trình phê duyệt các Đề án: Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 05 năm giai đoạn 2021-2025; Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Tổng công ty đã chú trọng, tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm như: Dự án Bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng; Dự án Bến số 1 Cảng Quy Nhơn; Dự án Khu bãi sau cầu 4,5 Bến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng; Dự án Cảng Liên Chiểu; Dự án Cảng Cần Giờ…

Trước những thách thức và cơ hội năm 2024, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu VIMC cần tiếp tục phát huy tính linh hoạt, chủ động, trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, trọng tâm là: Giữ gìn, phát huy vai trò và giá trị truyền thống của ngành hàng hải đã có lịch sử phát triển từ thế kỷ XIX (Cảng Sài Gòn năm 1860, Cảng Hải Phòng năm 1874). Tăng cường quản lý sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực khác của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Bám sát các nhiệm vụ trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm; Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đề án Cơ cấu lại VIMC giai đoạn 2021 - 2025.

Phát triển kinh doanh trên 3 lĩnh vực gồm: Vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Phát triển dịch vụ chuỗi logistics tích hợp trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải. Trong đó, lĩnh vực cảng biển đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu; lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng. Đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm: Dự án Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng; Dự án Cảng Cần Giờ… Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi xanh cho vận tải biển và cảng biển. Bên cạnh đó, tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung Điều lệ hoạt động của Tổng công ty đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định, các vụ chuyên môn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đồng hành VIMC nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc cùng với doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Ủy ban sẽ đồng hành, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để VIMC phát triển hơn nữa trong năm 2024.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn cho biết trong năm 2024, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục bám sát xây dựng, thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các chỉ tiêu KPI trên cơ sở dự báo sát với diễn biến thị trường, đồng thời triển khai các giải pháp kinh doanh, quản trị, công nghệ... để hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Theo CMSC

.
.
.
.