Kinh nghiệm ký thỏa ước lao động tập thể của Công đoàn Cao su Việt Nam
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Cao su do Công đoàn Cao su Việt Nam ký với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã trải qua 3 lần ký kết, có nhiều điểm có lợi hơn cho người lao động (NLĐ) so với quy định của pháp luật, được 53 đơn vị trong VRG cam kết thực hiện, được Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đánh giá cao.
Công nhân cao su. |
Chỉ thương lượng những điều khoản có lợi hơn luật quy định
Chẳng hạn như: Trong công tác tuyển dụng, ưu tiên NLĐ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, con, em cán bộ CNVCLĐ đang làm việc trong công ty hoặc đã nghỉ hưu; NLĐ được tham quan nghỉ mát trong năm ít nhất là 3 ngày; lao động nữ được nghỉ ngày 8/3 hưởng nguyên lương, ngày 20/10 được tính vào thời gian nghỉ phép năm; đảm bảo mức tiền lương thấp nhất cao hơn 10% tiền lương tối thiểu vùng khi hoàn thành nhiệm vụ được giao; NLĐ khi nghỉ hưu được hỗ trợ 1 tháng tiền lương theo HĐLĐ…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật - Quan hệ Lao động, Công đoàn Cao su Việt Nam, để TƯLĐTT đạt loại A theo tiêu chí của Tổng LĐLĐ Việt Nam, phải thực hiện tốt cả 3 giai đoạn, đó là: giai đoạn thương lượng, giai đoạn ký kết và giai đoạn tổ chức thực hiện thỏa ước. Trong đó, giai đoạn thương lượng cần nắm chắc những quy định của pháp luật về quan hệ lao động và Luật Công đoàn; nội quy, quy chế của đơn vị đang thực hiện.
Đồng thời, hiểu được tình hình doanh nghiệp; tình hình CNVCLĐ trong doanh nghiệp, nắm chắc được yêu cầu, nguyện vọng của NLĐ. Việc lấy ý kiến của NLĐ phải được công khai, thông báo cho NLĐ được biết. Việc thương lượng phải đảm bảo theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai, minh bạch, chỉ thương lượng những nội dung trong quan hệ lao động mà luật không quy định và là những điều khoản có lợi hơn luật quy định.
Vai trò trách nhiệm của BCH phải được nâng cao
Theo đồng chí Nguyễn Văn Khánh, việc tổ chức lễ ký TƯLĐTT có thể tổ chức riêng hoặc kết hợp với hội nghị NLĐ. Việc ký kết cần đảm bảo trang trọng, nghiêm túc và có biên bản ghi chép lại nội dung buổi lễ ký kết. Sau khi ký kết, tiến hành đăng ký với cơ quan quản lý lao động, báo cáo với cơ quan chủ quản, công đoàn cấp trên trực tiếp.
Giai đoạn thực hiện cho thấy TƯLĐTT có hiệu lực, hiệu quả đi vào thực tiễn hay không. Chính vì vậy, vai trò trách nhiệm của BCH phải được nâng cao, thông qua việc giám sát việc thực hiện TƯLĐTT. Việc giám sát, nhắc nhở NSDLĐ phải tuân thủ thỏa ước lao động tập thể là việc làm thường xuyên, liên tục. Ban chấp hành Công đoàn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thỏa ước đến với NLĐ, nhất là NLĐ mới được tuyển dụng; chủ động nghiên cứu lại các nội quy, quy chế, quy định của công ty có trái với bản thỏa ước không để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
“TƯLĐTT được xem là một bộ luật thu nhỏ của đơn vị, thể hiện được sự chuẩn mực, nghiêm túc trong quan hệ lao động, là một trong những cơ sở để giải quyết tranh chấp lao động. TƯLĐTT thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với NLĐ, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của BCH công đoàn đối với đoàn viên, NLĐ”, đồng chí Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.
TƯLĐTT ngành Cao su sau hơn 9 năm thực hiện đã tác động lớn đến tình hình thực hiện chế độ chính sách và quan hệ lao động tại các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Theo thống kê, đến nay đã có 100% đơn vị có TƯLĐTT, đã có 28 đơn vị áp dụng hoàn toàn vào đơn vị mình, có 30 đơn vị đã áp dụng một phần. Thỏa ước đạt loại A: 58%; loại B: 31% và loại C: 11 %, không có thỏa ước loại D. Việc thực hiện thỏa ước được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. |
Theo Lao động