.
.

Chuẩn bị cho vận hành lại toàn bộ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Thứ Ba, 24/07/2018|16:38

Tính đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị để vận hành toàn bộ Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ đã hoàn tất. Đây sẽ là sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn đối với ngành sản xuất xơ sợi tổng hợp của Việt Nam.

Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai vận hành trở lại NMXS Đình Vũ theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ (Ban Chỉ đạo Chính phủ).

Từ giữa năm 2017, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại trong quá trình xử lý các dự án yếu kém thuộc Tập đoàn. Riêng đối với NMXS Đình Vũ, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) và lãnh đạo PVN đã có những cuộc làm việc quan trọng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Viện Dệt may Việt Nam để tìm rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong sản xuất kinh doanh của PVTEX như: tình hình thị trường, chu kỳ phát triển của ngành hóa dầu, dệt may… Từ đó đưa các phương án, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm căn cứ đánh giá kỹ, thực tế để báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ. Cụ thể, PVN đã đệ trình đầy đủ các phương án xử lý đối với NMXS Đình Vũ từ hợp tác sản xuất kinh doanh đến phương án phá sản.

Sau khi thẩm tra, đánh giá tình hình thực tế về hiệu quả cũng như vai trò của NMXS Đình Vũ trong chuỗi giá trị ngành Dệt may Việt Nam, Ban Chỉ đạo Chính phủ đã yêu cầu PVN và PVTEX đánh giá lại toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất, tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm, tiềm lực để hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả NMXS Đình Vũ.

Toàn bộ thiết bị, máy móc của NMXS Đình Vũ liên tục được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ
Toàn bộ thiết bị, máy móc của NMXS Đình Vũ liên tục được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ

Với sự vào cuộc rất tích cực của nhiều doanh nghiệp từ đơn vị cung cấp thiết bị bản quyền công nghệ sản xuất xơ sợi Tập đoàn Thyssenkrupp - Nhà cung cấp bản quyền Uhde Vivekanand Gundavarupa, đơn vị cung cấp máy móc thiết bị sản xuất xơ, sợi Tập đoàn OERLICON (Neumarg & Barmarg), các nhà khoa học đến từ Viện Dệt may, các hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội Sợi Việt Nam đến các doanh nghiệp dệt may… toàn bộ hệ thống thiết bị, sản phẩm của NMXS Đình Vũ đều được mục sở thị, kiểm tra, đánh giá với đầy đủ bằng chứng khoa học nhất.

Các đối tác cung cấp thiết bị và bản quyền công nghệ cho các dây chuyền sản xuất như Neumag - Barmag (CHLB Đức) và Nhà cung cấp bản quyền công nghệ Uhde Vivekanand Gundavarupa sau khi khảo sát thực tế tại NMXS Đình Vũ đều cam kết chất lượng máy móc thiết bị đã lắp đặt tại nhà máy.

Tiếp đến, PVTEX đã thực hiện công tác mời chào các nhà đầu tư hợp tác có đủ tiềm năng gửi hồ sơ tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh (SXKD). Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, đánh giá năng lực thực tế, PVTEX đã tiến hành ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác sản xuất kinh doanh với Liên danh Tập đoàn An Phát (APH) và các đối tác nước ngoài.

Mặt khác, trong khi đàm phán chi tiết về hợp đồng hợp tác vận hành lại toàn bộ nhà máy, các cổ đông chính của NMXS Đình Vũ đã sớm đưa 3 dây chuyền kéo sợi Filament của Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ vào sản xuất. Đây không chỉ là một bước thử quan trọng để tháo gỡ khó khăn, là bước đệm quan trọng đưa NMXS Đình Vũ vận hành trở lại một cách ổn định, hiệu quả mà còn thể hiện tính chủ động, thận trọng của lãnh đạo PVTEX trong công tác chuẩn bị vận hành một công trình lớn đầy phức tạp về công nghệ và có giá trị đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.

Theo đó, từ ngày 20/4/2018, PVTEX đã tiến hành khởi động, đi vào vận hành chính thức 3 dây chuyền của Phân xưởng Filament (sản xuất DTY). Kết quả vận hành ban đầu cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, được khách hàng đánh giá cao. Đồng thời, để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các phân xưởng kéo sợi, PVTEX đã ký Thỏa thuận khung tiêu thụ sản phẩm sợi DTY với 2 công ty tiêu thụ sản phẩm DTY chính là Công ty Tín Thành và Công ty Vân Nam. Đến nay, một số khách hàng lớn khác cũng đã quan tâm và đặt hàng, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra sẽ được tiêu thụ hết.

Tính đến hết tháng 6/2018, chỉ riêng 3 dây chuyền DTY đã sản xuất được hơn 500 tấn các sản phẩm sợi DTY 75/36 và 75/72. Các dây chuyền khác đang được bảo dưỡng, sẵn sàng đưa vào hoạt động theo kế hoạch sắp được ký kết với Liên doanh APH - Tập đoàn Reliance Industry Ltd và Công ty Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd với mục tiêu qúy IV năm nay sẽ vận hành toàn bộ 29 dây chuyền sản xuất sợi DTY.

Việc hợp tác sản xuất kinh doanh NMXS Đình Vũ với liên danh APH và các đối tác sẽ có thời hạn ban đầu khoảng 5 năm. Trước hết, PVTEX sẽ khởi động từng phần phân xưởng Filament sản xuất sợi DTY, tiếp đến là khởi động Tháp phản ứng và phân xưởng sản xuất xơ ngắn PSF và cuối cùng là triển khai vận hành sản xuất toàn nhà máy. Thời gian cụ thể để vận hành toàn bộ NMXS Đình Vũ sẽ được quyết định bởi một số yếu tố như nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy, nhu cầu của thị trường và yếu tố nguồn nhân lực. Bởi vậy, trong thời gian tới PVTEX và các đối tác đang tập trung mọi nguồn lực từ tài chính, nguyên liệu, thị trường đến chuyên gia vận hành để tiến tới vận hành ổn định và hiệu quả NMXS Đình Vũ.

Sự hợp tác toàn diện giữa PVTEX và Tập đoàn An Phát cùng các đối tác trong và ngoài nước sẽ mở ra một trang mới cho NMXS Đình Vũ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm xơ sợi polyester, tạo nên một nguồn cung xơ sợi ổn định, chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của ngành dệt may Việt Nam.

P.V

.
.
.
.