.
.

PVN có đóng góp và vai trò quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế

Thứ Năm, 18/10/2018|18:34

Ngày 17/10/2018, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng dẫn đầu đã có buổi làm việc với  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Tham gia cùng đoàn còn có các đồng chí: Bùi Nhật Quang - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các cán bộ, giảng viên của Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; Phạm Xuân Cảnh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV Tập đoàn; Nguyễn Xuân Hoà - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cùng đại diện lãnh đạo các Ban/văn phòng Tập đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ của Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương là tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, trọng tâm là tổng kết việc thực hiện Cương lĩnh sửa đổi bổ sung 2011. Thời điểm 2018 là năm giữa kỳ của nhiệm kỳ Đại hội 12, Hội đồng Lý luận Trung ương mong muốn được nghe từ chính thực tiễn của PVN, trụ cột quan trọng, có đóng góp và vai trò rất lớn trong nền kinh tế, cũng là thời điểm thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu trong đó có tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tinh thần mới.

Trong gần 45 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành dầu khí Việt Nam, PVN đã trở thành đầu tầu, trụ cột của nền kinh tế đất nước, tạo môi trường cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Hàng năm, PVN đều nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương; Đóng góp cho GDP cả nước trung bình là 10-13%/ năm. PVN cũng có tổng tài sản đến 30/06/2018 là: 805 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn chủ hữu là 446 nghìn tỷ đồng. Góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế đất nước, tạo nguồn ngoại tệ và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; Tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và khẳng định chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường. PVN cũng là lực lượng chủ lực cùng Chính phủ và xã hội thực hiện các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng.

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Với Chiến lược phát triển dựa trên mối liên kết hữu cơ gồm 3 lĩnh vực Thăm dò Khai thác Dầu khí - Công nghiệp Khí - Chế biến Dầu khí (lĩnh vực Điện thực hiện theo lộ trình cổ phần hóa và xã hội hóa lĩnh vực Dịch vụ Dầu khí), PVN đang phấn đấu xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, đảm bảo tiếp tục giữ vị thế quan trọng đối với nền kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn chung của công nghiệp Dầu khí toàn cầu và khó khăn riêng của ngành Dầu khí Việt Nam; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển.

Trong năm 2018, Tập đoàn đã từng bước nỗ lực vượt qua bối cảnh khó khăn, tập thể lãnh đạo đoàn kết, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và người lao động; không ngừng phấn đấu  hoàn thành tốt các nhiệm trọng tâm công tác năm 2018 trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tài cơ cấu, công tác xây dựng đảng và công tác cán bộ; các khó khăn vướng mắc từng bước được tháo gỡ.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 9 tháng đạt 449,1 nghìn tỷ đồng, vượt 20,1% so với kế hoạch 9 tháng và bằng 84,6% kế hoạch năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn 9 tháng đạt 81,4 nghìn tỷ đồng, vượt 52,1% so với kế hoạch 9 tháng và vượt 10,4 % kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017.

Với các chỉ tiêu sản xuất đạt được như trên và dự báo giá dầu trung bình cả năm đạt 75-75,5 USD/thùng thì các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn năm 2018 như sau: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến cả năm đạt 633 nghìn tỷ đồng, vượt 102 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm; Nộp Ngân sách Nhà nước dự kiến đạt 115 nghìn tỷ đồng, vượt 41 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm.

Trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo chủ trương Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/07/2015; nhiều khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn đã được Chính phủ và các Bộ/ngành liên quan tập trung tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời trong thẩm quyền để Tập đoàn tiếp tục phát triển và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, trong thời gian quan, Tập đoàn đã tái cơ cấu toàn diện, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện tại Tập đoàn còn một số khó khăn lớn xin trân trọng kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ Tập đoàn trong thời gian tới về các nội dung: đề xuất sửa đổi pháp luật về dầu khí hiện hành để đáp ứng được các yêu cầu của tình hình mới; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí; hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, nhất là tại những vùng nước sâu, xa bờ. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Thuế,… xem xét xây dựng cơ chế đặc thù với lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đề nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành Nghị định về Quy chế tài chính Công ty mẹ - PVN; sớm phê duyệt đề án cơ cấu lại toàn diện PVN và các đơn vị thành viên; chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan hỗ trợ Tập đoàn tiếp tục cải cách, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp; xây dựng giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính; chủ động thoái vốn, chuyển nhượng vốn tại các dự án yếu kém, các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối; xử lý hậu quả tài chính trước đây; tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, ưu tiên vốn cho dự án cấp bách; quyết liệt xử lý dự án yếu kém.

Nhân dịp này, PVN đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hỗ trợ Tập đoàn trong việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực chuyên môn, năng lực quản trị, lý luận chính trị,… để đáp ứng yêu cầu ngành Dầu khí trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo về quá trình hình thành phát triển, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác bồi dưỡng cán bộ của PVN, khó khăn vướng mắc cùng các kiến nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và người lao động Dầu khí đã vượt qua tất cả các khó khăn nội tại, quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng chí nhấn mạnh, PVN luôn khẳng định vị trí quan trọng đặc biệt, trụ cột về kinh tế, an ninh năng lượng, về chủ quyền biển đảo. Chuyến công tác đã giúp đồng chí thấu hiểu những gian nan, nhọc nhằn, với trí tuệ, năng lực sáng tạo của người lao động dầu khí, với quyết tâm cao và đồng thuận lớn trong toàn Tập đoàn để có những kết quả như ngày hôm nay. Tiếp thu và ghi nhận các kiến nghị, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu về PVN, tổng kết thực tiễn, sẽ có những ý kiến, đề xuất ở nhiều cấp độ khác nhau, trên các diễn đàn - hội nghị, kể cả trên cương vị cá nhân đồng hành cùng PVN, đồng thời tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí Thư có giải pháp tháo gỡ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Đảng ủy và Ban lãnh đạo Tập đoàn quán triệt Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Quyết định 69 của Ban Bí thư, Chiến lược về phát triển kinh tế biển bền vững trong đó có dầu khí và năng lượng; tiếp tục đề cao trách nhiệm, phát triển truyền thống người lao động Dầu khí, năng động và chủ động trong những nhiệm vụ và Chiến lược đã đề ra; đảm bảo vị thế của ngành trong phát triển bền vững kinh tế biển, chủ quyền quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh yêu cầu đề nghị truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về vai trò và những cống hiến của ngành Dầu khí, để dư luận xã hội cùng đồng hành, chia sẻ với PVN; trở lại với đúng vai trò, trị trí của mình, với niềm tin của Đảng và nhân dân dành cho ngành dầu khí.

P.V

.
.
.
.