.
.

Petrovietnam: Điểm sáng trong "khủng hoảng kép"

Thứ Tư, 28/10/2020|17:41

Với sự chủ động, linh hoạt trong việc ứng phó với “khủng hoảng kép”, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục có được kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan, đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước.

Trước những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cùng với giá dầu suy giảm, chưa có dấu hiệu ổn định; tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn cầu năm 2020 là -4,5%, trong đó: các nước EU -7,9%, Mỹ -3,8%, Nga -6,8%, Pháp -7,3%, Anh -10,1%, Ấn Độ -10,2%... Theo dự báo của các tổ chức năng lượng uy tín trên thế giới, tổng cầu dầu thô toàn cầu trong các tháng cuối năm 2020 và kéo dài đến cuối quý II/2021 đều giảm 0,5 - 1,0 triệu tấn so với thời điểm tháng 8 dự báo (trong báo cáo tháng 9, OPEC nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 9,46 triệu thùng/ngày trong năm nay thay vì 9,06 triệu thùng/ngày trong dự báo tháng trước). Từ ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, sự sụt giảm nhu cầu vàng đen trên toàn cầu và sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhiều “ông lớn” dầu khí thế giới đang lâm cảnh thua lỗ, buộc phải cắt giảm nhân sự, rao bán tài sản. Exxon Mobil thông báo sẽ cắt giảm 1.600 việc làm ở châu Âu từ nay đến cuối năm 2021; Royal Dutch Shell thông báo rằng họ dự định cắt giảm 7.000 - 9.000 việc làm, tức khoảng 10% biên chế vào năm 2022 để giảm chi phí; Tập đoàn dịch vụ dầu mỏ Schlumberger của Mỹ cũng đã cắt giảm việc làm, với kế hoạch cắt giảm 21.000 việc làm - một phần tư lực lượng lao động; vào tháng 6/2020, BP của Anh đã thông báo về việc mất 10.000 việc làm trên toàn thế giới, tương đương 15% lực lượng lao động.

Ở trong nước, chịu tác động của dịch Covid-19, thị trường đầu ra sản phẩm tiếp tục gặp khó khăn, nhu cầu vốn để đầu tư thấp, thị trường tài chính chưa khởi sắc, tăng trưởng tín dụng thấp, tâm lý tiêu dùng còn chưa ổn định... tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư, sản xuất và tiêu dùng dân cư.

Nhận định rõ những khó khăn đã, đang và sẽ phải đối mặt, trong tháng 9/2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị thành viên tiếp tục triển khai hiệu quả Gói giải pháp ứng phó “tác động kép”, tập trung tiết giảm chi phí, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, gia tăng trữ lượng dầu khí 9 tháng đạt 15 triệu tấn quy dầu (kế hoạch năm 2020 là 10 - 15 triệu tấn quy dầu). Tổng sản lượng khai thác 9 tháng đạt 15,71 triệu tấn quy dầu, vượt 4,0% so kế hoạch 9 tháng. Sản lượng khai thác dầu 9 tháng đạt 8,64 triệu tấn, vượt 9,4% kế hoạch 9 tháng; trong đó sản lượng khai thác dầu ở nước ngoài 9 tháng đạt 1,38 triệu tấn, vượt 5,2% kế hoạch 9 tháng. Sản xuất đạm đạt 1,34 triệu tấn, vượt 112 nghìn tấn (≈vượt 9,1%) kế hoạch 9 tháng.

Với việc duy trì ổn định, an toàn hoạt động sản xuất cũng như triển khai hiệu quả Gói giải pháp ứng phó và tiết giảm chi phí, các chỉ tiêu tài chính toàn Tập đoàn được duy trì tốt hơn so với các tháng trước, cụ thể: tổng doanh thu đạt 423,2 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 50,2 nghìn tỷ đồng. Mặc dù gặp nhiều ảnh hưởng từ giá dầu và dịch bệnh Covid-19 nhưng các đơn vị trong Tập đoàn đã đạt kết quả sản xuất kinh doanh tích cực, Tập đoàn vẫn cơ bản duy trì tình hình tài chính ở mức độ ổn định, tích cực.

Phát biểu kết luận buổi giao ban 9 tháng vừa diễn ra trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng biểu dương các đơn vị thành viên Tập đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của Gói giải pháp ứng phó với tác động kép cũng như thực hiện nghiêm túc chủ trương tối ưu hóa, tiết giảm chi phí; trong tháng 9/2020 toàn Tập đoàn đã tiết giảm 636 tỷ đồng, tính chung 9 tháng toàn Tập đoàn đã thực hiện tiết giảm 7.170 tỷ đồng. Một số đơn vị có thành tích nổi bật trong tháng 9/2020 như: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã đưa giàn BK21 vào hoạt động vượt tiến độ 1 tháng, đón dòng dầu đầu tiên ngày 2/10/2020; Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, chi phí. Hai đơn vị của Tập đoàn là Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã xuất khẩu được 320.000 tấn phân bón, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng cũng đặc biệt nhấn mạnh: “chính vì vậy, vừa qua, Fitch Ratings vẫn duy trì xếp hạng tín nhiệm độc lập của PVN tích cực ở mức BB+”; đồng thời khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung do “tác động kép”, Tập đoàn đã thực hiện tốt các chính sách bảo đảm quyền lợi, việc làm cho người lao động Dầu khí.

Trong những tháng cuối năm 2020, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, an toàn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra của năm 2020; tập trung triển khai đẩy mạnh chuỗi tiêu thụ nhằm giảm tồn kho, đặc biệt cho các mặt hàng xăng dầu; rà soát, xem xét tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai thực hiện các chuỗi giá trị dầu khí. Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2020, các đơn vị cần chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 để triển khai một cách hiệu quả nhất./.

P.V

.
.
.
.