.
.

NHCSXH 14 năm đồng hành với người nghèo

Thứ Hai, 13/03/2017|15:03

Chính thức đi vào hoạt động ngày 11/3/2003, qua 14 năm phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) với vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước, giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận được vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm…

Tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hàng triệu người nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hàng triệu người nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Trong 14 năm xây dựng và phát triển, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH đang thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi cùng nhiều chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt trên 157.000 tỷ đồng.
 
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay, NHCSXH luôn chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết định phù hợp, kịp thời về tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Cùng với đó, NHCSXH theo sát diễn biến thị trường tiền tệ, từ đó kịp thời kiến nghị và đề xuất Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi giúp người nghèo giảm chi phí vốn, đẩy nhanh thời gian thoát nghèo. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
 
Hiệu quả những nỗ lực ấy được minh chứng bằng việc số hộ vay vốn những năm đầu thành lập chỉ có hơn 3 triệu hộ thì đến nay là 6,7 triệu hộ còn dư nợ.
 
Bình quân dư nợ/hộ (trừ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã tăng từ 20 lên 29 triệu đồng/hộ và tiến dần lên 50 triệu đồng/hộ.
 
Tín dụng chính sách của Chính phủ đã đến với từng thôn, bản thông qua mạng lưới gần 190.000 tổ tiết kiệm và vay vốn và 11.000 điểm giao dịch xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 500.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...
 
Bên cạnh đó, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (2014-2017), việc triển khai tín dụng chính sách của NHCSXH có bước đột phá tích cực.
 
Cụ thể, các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ NHCSXH trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và chủ động chuyển ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay. Tính riêng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn từ khi có Chỉ thị đến nay là 2.891 tỷ đồng (tăng 74,3% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị; riêng trong năm 2016, tăng 1.888 tỷ đồng (tăng 35,8%) so với năm 2015, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay đạt 6.783 tỷ đồng.
 
Đặc biệt, để nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động tại cơ sở, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiện toàn lại Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện thông qua chủ trương đưa Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện NHCSXH cấp huyện. Việc này làm cho công tác thực thi, giám sát tín dụng chính sách đạt hiệu quả rõ rệt.
 
Bước sang giai đoạn 2016-2020, bám sát Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, NHCSXH sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao…
 
Hải Trang (Theo Chinhphu.vn)
.
.
.
.