.
.

Bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền và tham gia có hiệu quả tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Thứ Tư, 26/02/2020|16:52

Bám sát định hướng, mục tiêu nhiệm vụ của ngành ngân hàng, trong năm 2020, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định nhóm các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền; đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng.

Triển khai hiệu quả nghiệp vụ BHTG, củng cố niềm tin người gửi tiền
Theo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), tổ chức này đang bảo vệ cho khoảng 5,4 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 Ngân hàng Hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 04 tổ chức tài chính vi mô.
 
Công tác cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Trong năm 2019, BHTGVN thực hiện cấp mới 01 chứng nhận, cấp lại 03 chứng nhận và cấp 576 bản sao chứng nhận tham gia BHTG, thu hồi 01 chứng nhận tham gia BHTG theo đề nghị của các tổ chức tham gia BHTG.
 
BHTGVN cũng thực hiện tốt công tác quản lý thu phí BHTG, tích cực đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc về việc tính và nộp phí BHTG; thực hiện miễn nộp phí BHTG theo quy định đối với một số tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt (KSĐB).
 
Công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của BHTGVN đạt hơn 59.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể, giúp BHTGVN sẵn sàng chi trả khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dung (TCTD) thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
 
Trong năm, BHTGVN thực hiện giám sát 100% các tổ chức tham gia BHTG, trong đó BHTGVN tập trung giám sát chuyên sâu để theo dõi xử lý đối với các QTDND có vấn đề, kiến nghị kịp thời với NHNN các vấn đề phát sinh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. BHTGVN cũng chủ động tăng cường vai trò trong việc giám sát, kiểm tra QTDND, đặc biệt là tham gia hỗ trợ xử lý các QTDND yếu kém được đặt vào tình trạng KSĐB theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD; triển khai có hiệu quả Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND...
 
Trong năm 2019, BHTGVN không phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, BHTGVN đã chủ động hoàn thiện các phương án chuẩn bị chi trả tiền bảo hiểm trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả để luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
 
Hoạt động thông tin truyền thông được BHTGVN đẩy mạnh theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, mở rộng các kênh truyền thông với mục tiêu hướng truyền thông về sự bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng; triển khai có hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của người dân, đặc biệt là người gửi tiền tại QTDND.
 
Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN cũng triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG như xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; dự thảo Đề án Phí BHTG phân biệt; tổng kết 5 năm thi hành Luật BHTG và đề xuất các nội dung liên quan để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD; ban hành Quy chế về phí BHTG.
 
Đồng thời, đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo chuyên nghiệp; triển khai tích cực và có hiệu quả hoạt động hỗ trợ, trong đó nghiên cứu ứng dụng, hợp tác quốc tế được tăng cường nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hệ thống BHTG tại Việt Nam.
 
Tích cực góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ ngành ngân hàng
 
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN và trên cơ sở mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế và ngành ngân hàng năm 2020, BHTGVN đề ra một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.
 
Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục của NHNN để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1173 của Thống đốc NHNN về chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
 
Phối hợp với NHNN và các bộ, ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, các quy định có liên quan để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
 
Tiếp tục hoàn thiện Đề án Phí BHTG phân biệt theo chỉ đạo của NHNN
 
Tham gia tái cơ cấu TCTD theo chỉ đạo của NHNN. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình KSĐB nhằm bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là các QTDND có vấn đề.
 
Triển khai có hiệu quả Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm. Thực hiện giám sát 100% tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động, rủi ro gây mất an toàn hệ thống ngân hàng.
 
Tăng cường kiểm tra các TCTD có vấn đề trên cơ sở kết quả giám sát; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, tập trung kiểm tra về tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia BHTG; thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN khi có yêu cầu.
 
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Ngân hàng Hợp tác xã xây dựng và triển khai phương án xử lý các QTDND yếu kém theo chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng phương án và chuẩn bị chi trả tiền bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
 
Nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định. Đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn.
 
Nâng cao hiệu quả công tác chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền thông qua việc xây dựng sẵn sàng phương án, kế hoạch dự phòng, đa dạng hóa các hình thức chi trả.
 
Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông, mở rộng các kênh thông tin và cải tiến các sản phẩm tuyên truyền nhằm phổ biến chính sách BHTG đến công chúng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.
 
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị điều hành nhằm đáp ứng đầy đủ, toàn diện và kịp thời làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động của BHTGVN phù hợp với quy định của pháp luật.
 
Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn nội bộ; tập trung đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ để thực hiện các nghiệp vụ mới liên quan đến Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các TCTD.
 
Quốc Thanh (Theo Chinhphu.vn)
.
.
.
.