.
.

Vietcombank đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi COVID-19

Thứ Ba, 31/03/2020|16:56

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và chung tay cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Vietcombank vừa tổ chức hội nghị cầu truyền hình trực tuyến toàn hệ thống để đánh giá việc triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng này đã giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị thiệt hại bảo đảm cân đối dòng tiền.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến Vietcombank ủng hộ 10 tỷ đồng cho công tác phòng, chống COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến Vietcombank ủng hộ 10 tỷ đồng cho công tác phòng, chống COVID-19.
Theo báo cáo tại Hội nghị, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp và người dân, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ việc giảm/ưu đãi lãi suất cho vay và giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5% - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng. Về phí dịch vụ, Vietcombank đã thực hiện giảm đồng loạt phí giao dịch ngân hàng điện tử 24/7 cho khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời thực hiện miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 và chống hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Song song với đó, từ ngày 23/1 đến nay, Vietcombank đã thực hiện giải ngân cho vay mới hơn  41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19  đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền.
Các chi nhánh trên toàn hệ thống Vietcombank tham gia Hội nghị qua các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Các chi nhánh trên toàn hệ thống Vietcombank tham gia Hội nghị qua các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Vietcombank cũng đồng hành cùng với khách hàng rà soát đánh giá các phương án sản xuất kinh doanh, cân đối tài chính, dòng tiền để có những tư vấn và hỗ trợ phù hợp cho khách hàng. Tổng dư nợ của các khách hàng có gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là  trên 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000  tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng  bởi dịch COVID-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
 
Ngoài ra, Vietcombank cũng là ngân hàng có một loạt các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội ý nghĩa trong thời gian qua được triển khai từ trụ sở chính đến các chi nhánh. Cụ thể, Vietcombank trao tặng 10 tỷ đồng cho công tác phòng, chống COVID-19 do Uỷ ban Trung ương  Việt Nam (TWMTTQ) phát động và hỗ trợ 2 tỷ đồng từ Quỹ phúc lợi cho 7 cơ sở quân đội thuộc Quân khu I và Quân khu II được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly người dân trở về từ vùng dịch.
 
Chi nhánh Hưng Yên thực hiện hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng cho Sở Y tế Hưng Yên mua 01 xe cứu thương và 02 máy siêu âm màu xách tay; Chi nhánh Hà Tĩnh hỗ trợ 500 triệu đồng cho Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Hương Sơn và hỗ trợ 500 triệu đồng cho Sở y tế tỉnh Hà Tĩnh để mua các dụng cụ y tế cần thiết như: Khẩu trang, nước rửa tay và các dụng cụ cần thiết khác. Và nhiều chi nhánh, tổ chức đoàn thể có mức hỗ trợ từ 50-100 triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm và thiết bị hữu ích khác cho các đơn vị làm công tác phòng chống dịch và cách li của các địa phương.
 
Những giải pháp thiết thực nêu trên đã đóng góp tích cực vào hiệu quả hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với hoạt động của doanh nghiệp và người dân cũng như ổn định kinh tế xã hội đất nước.
 
Vietcombank cam kết tiếp tục chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN vì mục tiêu chung ổn định tình hình kinh tế-chính trị-xã hội và chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch COVID-19 tại Việt Nam.
 
Được biết, Vietcombank là ngân hàng chủ động, tiên phong thực chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng nhà nước,  lập tức triển khai giải pháp chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
VCB News

 

.
.
.
.