.
.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Thứ Bảy, 25/04/2020|18:34

Ngày 25/4/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 178 điểm cầu trong toàn hệ thống, nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Phạm Hoàng Đức - Thành viên phụ trách HĐTV; Tiết Văn Thành - Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc; các đồng chí Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, lãnh đạo các đơn vị thành viên Trụ sở chính, Văn phòng đại diện các khu vực, Chi nhánh loại I, loại II.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Hoàng Đức cho biết, trong thời gian qua, bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng chi tiết các kịch bản ứng phó, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt, chưa có đơn vị nào phải dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã triển khai kịp thời, đồng bộ, thực chất các giải pháp cơ cấu lại khoản vay, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới với chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất tới 2,5%/năm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Agribank luôn tiên phong, tích cực trong công tác an sinh xã hội thông qua các hoạt động tiêu biểu như: Ủng hộ 10 tỷ đồng do UBTW MTTQ Việt Nam phát động; trao 5 tỷ đồng kinh phí trang bị kit xét nghiệm và các trang thiết bị y tế phục vụ phòng dịch; trao 800 triệu đồng hỗ trợ nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; các chi nhánh trong toàn hệ thống ủng hộ kinh phí phòng chống dịch tại địa phương; vận động cán bộ, người lao động trích 1 ngày lương ủng hộ phòng chống dịch; sử dụng nhà khách làm khu cách ly; giải cứu nông sản, các chương trình “hạt gạo nghĩa tình” phát miễn phí dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,… qua đó lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng được Ngân hàng Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Đến thời điểm 22/4/2020, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 là 22.008 tỷ đồng với 3.530 khách hàng; dư nợ được miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ là 2.952 tỷ đồng với 258 khách hàng. Bên cạnh đó, doanh số cho vay của Agribank tính từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 300.000 tỷ đồng, trong đó cho vay mới đối với 6.776 khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các chi nhánh báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh, kết quả triển khai thực tế, những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai như: khó khăn về tăng trưởng tín dụng do yêu cầu về giãn cách xã hội, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm dừng; khó khăn trong làm việc với khách hàng để xác định mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch, nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, đầu ra của ngành lâm thủy sản bị hạn chế; khó khăn trong việc thẩm định và hoàn thiện các hồ sơ để thực hiện hỗ trợ,… và đề xuất với các cấp có thẩm quyền đưa ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ khó khăn cho khách hàng.

Xác định tình hình dịch bệnh còn diễn biến kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, tác động tiêu cực nền kinh tế trong nước, Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành Agribank quán triệt các đơn vị, chi nhánh trong toàn hệ thống tiếp tục triển khai nghiêm túc các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với phương châm “Khẩn trương - Chặt chẽ - Đúng đối tượng”; chủ động xây dựng phương án ứng phó trước kịch bản tác động của dịch bệnh, đảm bảo hoạt động thông suốt, đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu về vốn và các dịch vụ ngân hàng tới người dân, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Song song việc triển khai có hiệu quả các biện pháp mở rộng tín dụng nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế khôi phục sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn, các chi nhánh trong toàn hệ thống cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng dẫn đến phát sinh về nợ xấu, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách, gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Ghi nhận những kết quả bước đầu triển khai thời gian qua, Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành đề nghị các chi nhánh trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm chi phí hoạt động, tiếp tục vận động cán bộ, người lao động phát huy truyền thống của “ngân hàng vì cộng đồng”, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội để tập trung ưu tiên hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; có các biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố tình gây chậm trễ, trục lợi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, thông tin đầy đủ các chương trình, chính sách hỗ trợ; công bố rộng rãi đường dây nóng, kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc, trả lời thỏa đáng cho khách hàng.

Thanh Ngọc

.
.
.
.