.
.

Agribank tiên phong tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho ĐBSCL

Thứ Hai, 25/09/2023|16:17

Xác định ĐBSCL là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, trong những năm vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp nói chung, đặc biệt trong ngành thủy sản và lúa gạo phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực phát triển kinh tế xã hội địa phương. So với các khu vực khác, ĐBSCL hiện đang là khu vực có mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hệ thống Agribank.

Lãnh đạo Agribank phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Lãnh đạo Agribank phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dư nợ cho vay của khu vực ĐBSCL cao hơn mặt bằng chung

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa qua, đồng chí Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Đến nay, Agribank có hơn 3 triệu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, với tổng dư nợ gần 1 triệu tỷ đồng. Agribank xác định khu vực ĐBSCL là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thống kê đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 34 nghìn tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay của khu vực ĐBSCL đạt 232 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ của Agribank, tăng 12 nghìn tỷ đồng (+5,5%) so với năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn quốc (toàn hệ thống Agribank tăng trưởng 2,4%). So với các khu vực khác, ĐBSCL đang là khu vực có mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất của Agribank với doanh số cho vay 8 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 238 nghìn tỷ đồng, cao hơn 22 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Tại khu vực ĐBSCL, Agribank có dư nợ cho vay DN đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 14% tổng dư nợ cho vay khu vực, chiếm tỉ trọng 8% dư nợ cho vay pháp nhân của Agribank; tăng 852 tỷ đồng (+2,7%) so với năm 2022.

Dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản, lúa gạo tại khu vực ĐBSCL của Agribank chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay toàn khu vực. So với các ngành, lĩnh vực khác, tín dụng đối với ngành lúa gạo và thủy sản khu vực ĐBSCL trong 8 tháng đầu năm 2023 đã có sự tăng trưởng cao so với mặt bằng chung tăng trưởng tín dụng toàn ngành, tỉ lệ tăng trưởng lần lượt là 9,7% và 7,1%.

Riêng lĩnh vực lúa gạo, đến 31/8/2023, tổng dư nợ lĩnh vực lúa gạo của Agribank là 58 nghìn tỷ đồng, tăng 2 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 (tỷ lệ tăng trường 3%). Tại khu vực ĐBSCL, dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng với gần 33.000 khách hàng (32.500 KHCN; 500 KHPN), là khu vực cho vay ngành lúa, gạo lớn nhất cả nước với tỉ trọng 48%, tăng 2,5 nghìn tỷ đồng (+9,7%) so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay trồng lúa 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2022; cho vay sản xuất, chế biến: 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 4,2% so với năm 2022; cho vay thu mua, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu: 22 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.

Tháng 5/2023 Agribank đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ NN&PTNT quản lý, chủ trì, triển khai thực hiện trong đó có chương trình Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Về lĩnh vực thủy sản, đến 31/8/2023, tổng dư nợ của Agribank lĩnh vực thủy sản là 67 nghìn tỷ đồng, tăng 3 nghìn tỷ so với đầu năm (tỉ lệ tăng trưởng 4,4%). Tại khu vực ĐBSCL, dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng với gần 77.000 khách hàng (76.700 khách cá nhân; 300 khách pháp nhân), tăng 2,1 nghìn tỷ đồng, tỉ lệ tăng 7,06% so với đầu năm, là khu vực cho vay lĩnh vực thủy sản lớn nhất cả nước với tỉ trọng 48,3%. Trong đó, cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản là 24 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022; cho vay chế biến, kinh doanh thủy sản là 8,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.

Giải pháp đồng bộ tăng khả năng hấp thụ vốn DN

Lãnh đạo Agribank nêu một số giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, cụ thể: Thứ nhất là giảm lãi suất cho vay và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi.

Trong 8 tháng đầu năm, Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực SXKD, 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản…

Triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường; 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ cho vay trung hạn hiện hữu khoảng 425.000 tỷ đồng với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 640 tỷ đồng, dự kiến tổng số tiền lãi giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính Phủ (tính đến hết tháng 8/2023, doanh số cho vay của chương trình là 12.500 tỷ đồng, tổng số lãi hỗ trợ đạt 71 tỷ đồng).

Trong các chương trình tín dụng ưu đãi, Agribank triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô 3.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi xuất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đến nay, doanh số giải ngân đối với lĩnh vực thủy sản đã đạt hơn 900 tỷ đồng của 693 khách hàng.

Thứ hai là cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư số 02. Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, kết quả thực hiện cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư 02 của Agribank đến 31/8/2023. Tổng dư nợ cơ cấu (gốc và lãi) theo Thông tư 02 là 30.237 tỷ đồng (gốc 28.005 tỷ đồng, lãi 2.232 tỷ đồng) với 3.502 khách hàng. Trong đó, dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02 tại khu vực Tây Nam Bộ là 1.252 tỷ đồng với 1.143 khách hàng. Dư nợ cơ cấu theo Nghị định 55 là 17.377 tỷ đồng với 29.612 khách hàng. Trong đó, dư nợ cơ cấu theo Nghị định 55 tại khu vực Tây Nam Bộ là 6.087 tỷ đồng với 17.246 khách hàng.

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai là: Khó khăn trong kiểm soát hồ sơ giải ngân vốn vay, do phong tục tập quán địa phương việc mua sản phẩm của người dân không có hóa đơn, chứng từ và phần lớn sử dụng thanh toán tiền mặt. Về tài sản bảo đảm, phần lớn là tín chấp vì tài sản là đất nông nghiệp giá trị thấp, thế chấp hàng hóa tồn kho (khó kiểm soát); đối với hàng hóa trong kho đông lạnh khó thực hiện việc kiểm đếm; trang thiết bị đầu tư nuôi tôm công nghệ cao giá trị lớn không được ghi nhận quyền sở hữu;…

Mặc dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp như đã nêu trên nhưng Phó Tổng Giám đốc Phùng Thị Bình cho rằng, tín dụng của Agribank vẫn tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, chủ yếu do DN còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất.

Với vai trò là một NHTM dẫn đầu trong cho vay nông nghiệp, nông thôn, giữ vai trò chủ lực cung ứng vốn cho nên kinh tế, Agribank cam kết tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, NHNN; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Để có thể làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của Agribank cũng như các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các Bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư như hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, PCCC, môi trường…, đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính DN để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý.

Về phía các DN, cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, minh bạch tình hình tài chính; chủ động tiếp cận, đề xuất để ngân hàng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.

"Đề nghị các Sở, ban, ngành, các Hiệp hội DN địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Agribank trong việc kết nối ngân hàng - DN, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng được kịp thời. Agribank mong muốn được triển khai cấp tín dụng theo chuỗi giá trị khép kín từ nuôi trồng - thu mua - chế biến xuất khẩu để đảm bảo nguồn vốn đầu tư chủ động cho từng khâu, kiểm soát được dòng tiền, minh bạch tài chính", đại diện Agribank đề xuất.

Agribank

.
.
.
.