.
.

Bài học từ triển khai thành công Hệ thống CSDLQG: Chỉ đạo và hành động quyết liệt

Thứ Sáu, 26/03/2021|16:06

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giữ vai trò chủ trì thiết kế và xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ trong khoảng thời gian thần tốc. Tập đoàn huy động mọi nguồn lực của mình, đồng hành cùng Bộ Công An để đưa Hệ thống “có 1 không 2” này chính thức đi vào hoạt động ngay những ngày đầu tiên sau Tết Tân Sửu 2021 vừa qua.

Tập đoàn VNPT được tin chọn

Việc số hóa dữ liệu cư dân là một nhiệm vụ quan trọng Chính phủ đã sớm giao cho Bộ Công An từ gần 10 năm trước. Trải qua nhiều lựa chọn phương án với các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) khác mà chưa khả thi, đến đầu năm 2020, “hồ sơ năng lực” của VNPT như vụt sáng sau hàng loạt các dự án CNTT lớn mà Tập đoàn triển khai thành công cho Chính phủ và chính quyền các tỉnh/thành, và sự lựa chọn của Bộ Công an với một Tập đoàn hàng đầu về công nghệ như VNPT để gửi gắm niềm tin đã bắt đầu.

Sau các thủ tục đúng pháp luật được tiến hành hết sức khẩn trương, ngày 14/5/2020, Bộ Công an đã trao hợp đồng xây dựng Hệ thống CSDLQG về dân cư cho liên danh nhà thầu do VNPT chủ trì, phối hợp cùng 2 đơn vị khác là HADIC và GTEL ICT. Trong đó, Tập đoàn nhận nhiệm vụ triển khai toàn bộ phần mềm liên quan đến dự án, một phần trung tâm dữ liệu chính, toàn bộ đường truyền và các thiết bị ở địa phương. Ngay sau khi nhận được hợp đồng, Tập đoàn đã cùng liên danh nhà thầu triển khai ngay các hạng mục công việc. VNPT đã huy động nguồn lực cán bộ CNTT ở Hà Nội và Tp.HCM, cùng với mạng lưới CNTT ở các VNPT 63 tỉnh/thành để triển khai 2 trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và Tp. HCM; đảm bảo về thiết bị truyền dẫn và đầu cuối ở 63 địa phương, kéo đến 11.000 xã và 700 huyện - tạo thành mạng lưới đảm bảo cung cấp dịch vụ về dữ liệu dân cư trên khắp cả nước.

Trong quá trình thiết kế và triển khai, VNPT đã cùng liên danh nhà thầu sát cánh cùng Bộ Công an để đề ra những đường hướng phát triển Hệ thống này trong tương lai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là CSDL nền tảng, liên quan đến rất nhiều bộ ngành, VNPT cam kết sẵn sàng cùng Bộ Công an tạo ra liên thông về cả mặt dữ liệu mặt dịch vụ công cho các bộ ngành, địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện liên thông với CSDL nội bộ của ngành Công an để đảm bảo các công tác nghiệp vụ đặc thù sẽ được khai thác và số hóa một cách cao nhất, quản lý một cách dễ dàng, minh bạch và chính xác.

Quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm trong hành động

Xác định đây là thách thức đối với Tập đoàn nên trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống của VNPT đã nỗ lực hết sức có thể, từ lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn đến những người công nhân, cán bộ tại các địa bàn đã sát cánh cùng chủ đầu tư và công an địa phương, đặc biệt là lực lượng công an trật tự xã hội và tổ chức hành chính để hoàn thành và sớm đưa dự án vào hoạt động một cách hiệu quả chất lượng, theo đúng kế hoạch đề ra.

Đáp ứng yêu cầu khắt khe của Bộ Công an về chất lượng, quy mô triển khai và đặc biệt về thời gian, VNPT đã phải vận dụng tối đa nguồn lực của mình. Về phát triển phần mềm, Tập đoàn huy động lực lượng chính là các bộ phận phát triển phần mềm từ VNPT IT, đồng thời huy động các nhân lực có chất lượng cao nhất từ các VNPT tỉnh/thành về Hà Nội để tập trung phát triển 13 module phần mềm. Về kênh truyền, Tập đoàn ngay lập tức tiến hành triển khai khảo sát hơn 11.000 kênh truyền đến các địa điểm lắp đặt thiết bị địa phương và đảm bảo trong tháng 2 đã có thể cung cấp toàn bộ dịch vụ từ địa phương lên đến các Trung tâm dữ liệu. Để triển khai các thiết bị về địa phương, Tập đoàn đã đẩy nhanh tiến độ mua sắm, hợp lý hóa trong khâu giao nhận, bàn giao và cấu hình thiết bị ở địa phương. Bên cạnh đó, ngay từ đầu tháng 12 đến trước Tết, Tập đoàn đã tổ chức đào tạo 550 lớp cho hơn 12.000 cán bộ cảnh sát quản lý hành chính trên cả nước, đào tạo để sử dụng phần mềm cho hơn 23.000 chiến sỹ công an địa phương.

Để triển khai thành công dự án, Tập đoàn đã rất quyết liệt trong chỉ đạo và quyết tâm trong hành động. Trước khi triển khai dự án, VNPT đã thiết lập một hệ thống quản lý dự án xuyên suốt từ Tập đoàn xuống địa phương. Một Ban chỉ đạo thực hiện dự án đã được thành lập, với nhiệm vụ lập kế hoạch và theo dõi, giám sát việc triển khai - từ khâu sản xuất phần mềm đến triển khai thiết bị tại 2 Trung tâm dữ liệu và đến các nấc triển khai công việc tại địa phương. Với yêu cầu chất lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất và trong điều kiện nghiêm ngặt, khắt khe của Bộ Công an về an toàn, an ninh và bảo mật thông tin.

Đội ngũ làm dự án của VNPT đã triển khai công tác với tinh thần và thái độ làm việc nghiêm túc nhất. Tập đoàn đã quan tâm tới tất cả CBCNV tham gia vào làm dự án trong trạng thái sẵn sàng và được khích lệ, đảm bảo các anh chị em làm việc cả ngày Thứ 7, Chủ nhật từ tháng 5/2020 cho đến khi dự án hoàn thành. Đặc biệt, Tết nguyên đán vừa qua, toàn bộ đội ngũ phát triển dự án đã làm xuyên Tết, cả ngày và đêm, có những anh em ở xa tận Cà Mau cũng ở lại Hà Nội góp sức để thực hiện dự án kịp tiến độ. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng rất quan tâm và có khen thưởng, động viên kịp thời cho anh chị em “trực chiến” tại các hiện trường các Trung tâm dữ liệu và ở các địa phương. Có những vùng sâu vùng xa mà các thiết bị chuyển lên đó không chuyển được bằng ô tô, xe máy - mà phải chuyển bằng xe thô sơ, đều được lãnh đạo Tập đoàn và các cấp của VNPT quan tâm, đảm bảo cho các lực lượng toàn tâm toàn ý cho việc triển khai dự án thành công.

Đường rộng mở phía trước

Ngày 25/02/2021, tại trụ sở Bộ Công an đã diễn ra lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo. Lễ khai trương được truyền hình trực tuyến tương tác giữa 8 điểm cầu khác ở các địa phương và trụ sở của Công an 63 tỉnh/thành, đồng thời được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình VTV và ANTV.

Khi đi vào hoạt động, 2 hệ thống sẽ là đầu mối cung cấp thống tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Việc khai thác, tra cứu dữ liệu sẽ giúp giảm bớt rất nhiều chi phí cũng như thời gian xác minh, đi lại cho công dân; đồng thời giúp giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ. Ước tính tổng chi phí tiết kiệm được khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt hơn nữa, khi 2 hệ thống chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an, cùng với sự phối hợp tích cực từ các bộ, ban, ngành và địa phương, cũng như sự đồng hành hiệu quả của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như VNPT; đồng thời khẳng định đây mới chỉ là bước đầu, Bộ Công an cần tiếp tục hoàn thiện các hệ thống, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện kết nối để xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số cũng như tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.

Tập đoàn cũng đã kịp thời hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện dự án cũng như phát triển các dự án mới trong tương lai. Tập đoàn cũng đã ghi nhận khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có đóng góp tích cực cho thành công của dự án Hệ thống CSDLQG về dân cư; đồng thời đánh giá cao các đơn vị được phân công nhiệm vụ đã nỗ lực hết sức cao độ để hoàn thành dự án đúng tiến độ bàn giao. Như chia sẻ của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Phạm Đức Long về tầm quan trọng của dự án này, thực sự đó là "chưa có tiền lệ" đối với cả Bộ Công an cũng như với VNPT. Thực tế cho thấy, các dự án CNTT mang tầm quốc gia đều do VNPT thực hiện song đây là dự án quy mô nhất, tầm cỡ nhất, rộng nhất, làm khó nhất, và được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Khẳng định thành công của dự án thực sự là niềm tự hào của cả Tập đoàn, Chủ tịch Phạm Đức Long cũng đã bày tỏ niềm tin tưởng toàn thể đội ngũ sẽ tiếp tục sát cánh để VNPT càng ngày càng lớn mạnh. "Cả một bầu trời đang chờ chúng ta phía trước", nếu chúng ta có thể tham gia vào chuyển đổi số nền kinh tế thì cơ hội còn rất lớn. Với nguồn lực trẻ, VNPT sẽ tiếp tục thành công hơn nữa, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt, triển khai Chuyển đổi số quốc gia. Qua những dự án thực tế như thế này, mỗi anh chị em sẽ trưởng thành lên, tiếp tục là hạt nhân để đưa VNPT tiến sâu vào phát triển kinh tế số. Mỗi người sẽ đóng góp thêm sức mình để làm cho công việc của VNPT chúng ta quan trọng hơn, vĩ đại hơn, để VNPT chúng ta lớn mạnh mà không ai ngăn cản được.

Một dự án mang tầm vóc lịch sử "chưa có tiền lệ", dự án công nghệ lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, một chiến dịch "Quyết liệt - Thần tốc - Hiệu quả"… là những cụm từ nhiều báo đài nhắc vẫn nhắc đến khi nói về Hệ thống CSDLQG về dân cư. Những ngày này, cán bộ chiến sỹ Công an trên cả nước đang hết sức khẩn trương làm đêm, làm ngày để tiếp tục cập nhật và hoàn thiên thông tin cho CSDL cũng như làm căn cước điện tử gắn Chip – tới tháng 7/2021 ít nhất cho 50 triệu cư dân. Lực lượng làm CNTT của Tập đoàn vẫn đang đồng hành cùng công tác quan trọng này của Bộ Công an, đồng thời sẵn sàng bước vào các dự án mới, các chiến dịch khác cho công cuộc Chuyển đổi số của đất nước với một nguồn năng lượng mới, tràn đầy niềm tin quyết thắng./.

Quang Thuấn

.
.
.
.