.
.

Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank: Ký ức về nghèo khó là sức mạnh để vươn lên

Chủ Nhật, 18/12/2011|18:38

Khi gặp TS Phạm Huy Hùng, tôi rất bất ngờ thấy ông nói chuyện giản dị, có cái gì còn hơi… thật thà quá. Khi nhắc đến thời gian khó và những lận đận thương trường, TS Hùng đã bật khóc, nghẹn lời. 

TS Phạm Huy Hùng - SN 1954, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Uỷ viên BCH Đảng uỷ khối doanh nghiệp T.Ư; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.
TS Phạm Huy Hùng - SN 1954, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Uỷ viên BCH Đảng uỷ khối doanh nghiệp T.Ư; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.
Là nhân vật sáng giá của chương trình “Vinh quang Việt Nam”, TS Phạm Huy Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) - đơn vị đứng đầu hệ thống các ngân hàng thương mại ở Việt Nam… dễ khiến người gặp lần đầu không khỏi bất ngờ.
 
Vietinbank - theo báo cáo chính thức - năm 2010 có tổng tài sản lên tới 366 nghìn tỉ đồng, chi nhánh ở khắp 63 tỉnh, thành và nhiều quốc gia. Nhưng khi gặp Chủ tịch Hội đồng Quản trị, tôi rất bất ngờ thấy ông  nói chuyện giản dị, có cái gì còn hơi… thật thà quá. Khi nhắc đến thời gian khó và những lận đận thương trường, TS Hùng đã bật khóc, nghẹn lời. Ông bảo, trải nghiệm trường đời làm ông thấm thía, rằng cần phải trong sạch, minh bạch; làm việc, cống hiến tâm huyết để trả nợ cuộc đời. Trong rất nhiều thành tích của doanh nghiệp, tôi ấn tượng bởi con số 1.500 tỉ đồng mà họ đóng góp cho công tác xã hội, cứu giúp đồng bào nghèo khó và gặp rủi ro, sang sửa và nâng cấp các "địa chỉ đỏ" cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng trao tài trợ Cà Mau 30 tỷ đồng..jpg Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng trao biển tài trợ cho tỉnh Gia Lai.
Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng với nhiều hoạt động từ thiện tại các địa phương

Dành 1.500 tỉ đồng làm việc nghĩa!

 
Ông Hùng bảo: Ông và nhiều cộng sự luôn thấm nhuần lợi dạy của Đức Phật, làm ơn đừng đem khoe, cũng đừng cầu vào cái việc người ta trả ơn cho mình. Cán bộ, nhân viên Vietinbank thường bảo nhau: Làm công tác xã hội, từ thiện là trách nhiệm của mình, ngoài việc phát triển kinh tế, cần chung tay với Chính phủ và mỗi người dân giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Trong đó, đói nghèo là vấn đề rất đáng nói. Họ xây nhà cho người nghèo, xây cả những xóm làng hồi sinh từ vùng đất chết sau thảm hoạ thiên nhiên như siêu bão Chanchu ở Đà Nẵng, bỏ tiền tài trợ cho các cháu bị bệnh tim bẩm sinh có một “cuộc đời mới”. Họ cũng đi vùng sâu, vùng xa, đem ánh sáng và niềm vui đến cho đồng bào. Họ làm những việc đó như một phần lý tưởng sống và đức kinh doanh của mình...
Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) - trao tiền của cán bộ, nhân viên Vietinbank hỗ trợ cho ngư dân miền Trung bị thiệt hại trong bão Chanchu. Ảnh: N.T.H
Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) - trao tiền của cán bộ, nhân viên Vietinbank hỗ trợ cho ngư dân miền Trung bị thiệt hại trong bão Chanchu. Ảnh: N.T.H
Họ làm việc đó - từ năm 2002 - ngay cả khi còn chồng chất khó khăn, đang tái cơ cấu vươn lên xác lập vị thế. TS Phạm Huy Hùng xót xa nói: “Nhiều cháu bị bệnh tim bẩm sinh, cứ lắc lư lay lắt sống đến 5-7 tuổi, cứ nằm chờ chết mà không có tiền để mổ tim. Chỉ một tuần nữa là các cháu có thể chết; trong khi bố mẹ cháu không tìm đâu ra lấy một triệu đồng ở trong ruộng vườn và căn nhà rách nát. Với trách nhiệm xã hội của mình, chúng tôi bỏ ra 50 - 70 triệu đồng để mỗi cháu được phẫu thuật tim. 50 triệu cứu được sinh mạng con người, để cho họ sống bình thường như những người khác, như thế là quá rẻ. Chúng tôi vẫn bảo nhau, phải làm sao giúp được cho nhiều người, càng nhiều càng tốt. Muốn thế thì phải cố gắng lên, kinh doanh tốt, an toàn, hiệu quả, bền vững rồi mới có điều kiện để mà đi làm từ thiện. Đó là tâm nguyện của tất cả chúng tôi. Con số 1.500 tỉ đồng làm công tác xã hội của chúng tôi trong thời gian vừa qua, trước hết nó là con số của tấm lòng...”.
Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng phát biểu tại buổi lễ Khai trương Toà nhà VietinBank 126 Đội Cấn
Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng phát biểu tại buổi lễ Khai trương Toà nhà VietinBank 126 Đội Cấn
Những chuyến đi khắp hơn 60 tỉnh, thành phố để dựng nhà cửa, sửa sang các nghĩa trang, đúc chuông nguyện hồn các liệt sĩ, thăm hỏi tặng quà giúp ổn định cuộc sống cho đồng bào vùng xa xôi, biên giới hải đảo luôn là động lực để anh chị em trong hệ thống Ngân hàng Vietinbank phấn đấu. Họ cảm thấy thanh thản sau những đóng góp ấy. Đặc biệt là những chuyến về nguồn như trùng tu cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) trị giá 15 tỉ đồng (năm 2010); xây dựng nhà văn hoá trị giá 60 tỉ đồng ở đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa thiêng liêng (năm 2011); 20 tỉ đồng tu sửa chỉnh trang nghĩa trang ở Quảng Nam...
 
Nhiều người xem truyền hình đã rất ấn tượng với tấm bảng hiệu ghi số tiền khổng lồ mà Vietinbank giơ lên đầu tiên, xúc động ủng hộ thảm cảnh của bà con ngư dân ở Đà Nẵng sau khi bị siêu bão Chanchu tàn phá. 96 căn nhà khang trang đã được xây dựng để tái thiết làng chài và giúp đỡ những phận người trắng tay ngẩng mặt lên sau trận bão khủng khiếp tàn phá khắp nhiều quốc gia Châu Á đó. Ký ức của ông Hùng về sự kiện này vẫn sống động như mới hôm qua: “Bão Chanchu ập vào Đà Nẵng, cả làng ven biển làm nghề cá mà tôi xuống tận nơi đó, họ quá nghèo và thiệt hại về người cùng tài sản quá lớn.
 
Họ sống chen chúc nhau, nhà không ra nhà, không có gì gọi là tài sản trên cái sàn nhà cả. Phía trên là mái tôn mỏng mảnh, chỉ có 7 - 8m2... cũng gọi là nhà. Con cháu nằm la liệt dưới đất, chồng đi đánh cá vướng phải bão Chanchu đã vĩnh viễn không trở về. Làng goá bụa là từ mà báo chí đã gọi rất đúng. Tôi bàn với địa phương, bố trí một khu đất và quy hoạch lại nhà cửa, cuộc sống cho bà con sau thảm hoạ. Chúng tôi bỏ tiền xây mới bốn dãy nhà rất khang trang cho 96 căn hộ. Tôi nhớ là tôi trực tiếp vào, trao chìa khoá cho ngư dân trước Tết Nguyên đán. Rồi mua tặng mỗi nhà 30kg gạo kèm theo chăn màn đồ dùng trong gia đình, bà con hết sức cảm động”.
 
Ký ức về nghèo khó là sức mạnh để vươn lên
 
Sinh năm 1954 tại Hà Nội, 26 năm tuổi Đảng, 34 năm công tác; chặng đường để có được những thành công danh tiếng ngày hôm nay của TS Phạm Huy Hùng đúng là chứa chất không ít gian lao. Sinh ra khi cuộc kháng Pháp vừa thành công, cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ còn nhiều lao khổ, cũng như nhiều người khác: “Nhà chỉ có 40m2, gia đình cả bố mẹ và 9 anh chị em sống chung, chật chội đến không tưởng tượng nổi. Thời kỳ bao cấp từ năm còn ăn bo bo, cầm sổ đi xếp hàng cả ngày mua được ít bột mì, bột khoai.

 

Ông Phạm Huy Hùng đã nêu hai lý do để chứng minh việc giới hạn phạm vi bảo hiểm tiền gửi chỉ có tiền gửi VND chưa phù hợ.jpg
Đại biểu Quốc ho Phạm Huy Hùng  tại Hội trường Quốc hội " đã nêu hai lý do để chứng minh việc giới hạn phạm vi bảo hiểm tiền gửi chỉ có tiền gửi VND chưa phù hợp"
Lúc nào “sang trọng” lắm thì ra chợ Cửa Nam xếp hàng mua đậu phụ theo tiêu chuẩn tem phiếu về cải thiện. Đậu phụ cứng quèo. Cá biển bé bằng ngón tay. Tiền thì chỉ đủ mua thịt mỡ về rán, lấy mỡ xào nấu, có tóp mỡ mà ăn là sướng lắm. Bột mì đem về, lau cái bàn qua quýt, ngả bột ra nhào rồi lấy cái chai đựng nước loại một lít cứ thế cán cho cục bột dẹt đi. Dùng dao cắt thành sợi, đem phơi nắng ăn dần. Trước khi ăn, cứ đun nước sôi mà chần cho mềm ra, độ nào rủng rỉnh kiếm được ít cua về giã làm nước riêu để chan mì mậu dịch là lịch sự lắm. Cơm chia nhau từng bát” - ông Hùng kể.
 
“...Thiếu ăn, ăn khổ ăn sở. Ngày nào cũng cặm cụi gia công đồ hộp kiếm thêm, làm cả đêm. Cứ 6h sáng ra đường, ra chợ búa buôn bán nhì nhằng, đúng là mua đầu chợ bán cuối chợ đấy. Có khi kéo xe bò đầu phố cuối phố. Có khi mua củi trên nhà máy xay, từ xí nghiệp gỗ đầu cầu Đuống về bán. Chiều, đun bếp bằng mùn cưa, cứ gõ gõ tải trấu cho nó tuôn dần vào bếp mà nấu cơm. Đến khi làm sinh viên, Nhà nước nuôi 18 đồng một tháng; chả đủ tiền ăn, lại mất hai đồng mua kem đánh răng. Thế là cứ nhảy tàu đi lậu. Nhân viên đường sắt kiểm soát cuối tàu và đầu tàu rất chặt nên có khi vọt lên ở khúc giữa tàu, nhảy từ cửa sổ mà lên... Nhiều ngày chúng tôi nằm trên nóc tàu “thừa sống thiếu chết”, trời rét căm căm đi từ Hà Nội lên Phúc Yên. Đầu những năm 1970, Hà Nội rét lắm chứ không ấm kiểu “biến đổi khí hậu” như bây giờ. Tôi học ĐH Tài chính trên Phúc Yên, có hôm, thứ bảy về đến Hà Nội, ra xếp hàng dài thượt ngoài chỗ rạp Tháng Tám mua được bát mì “không người lái” giá một hào rưỡi, đói quá, húp roạt một hơi hết sạch”.
 
“...Năm 1982 tôi cưới vợ, vẫn mua giường phân phối đầu trên đầu dưới đan bằng nan, cứ thế dùng hàng chục năm sau. Khi ấy anh em ở riêng, tôi là út nên ở với các cụ. Nhưng, cưới hôm trước hôm sau các cụ cho ra ở riêng ngay, tức là ngăn riêng cho một góc nhà. Cứ ngăn cái phòng ở chung vốn bé tẹo ra, chia cho chúng tôi 10m2, giữa kê một cái tủ cũ mọt làm “bờ tường”, thế là xong. Tất nhiên, chúng tôi phải thu xếp để các cụ ở phần lớn hơn, bởi còn ban thờ ông bà tổ tiên, anh chị con cháu đi về thăm hỏi chăm sóc các cụ nữa chứ. Chúng tôi ở trên sàn ximăng tróc lở. Vợ chồng bắt đầu đi sắm từ những cái mâm nhôm cũ, cái bát sứ méo mó của Bát Tràng. Bấy giờ làm gì có bát tròn. Liễn thực phẩm dự trữ thì chỉ mua mấy lạng mỡ đổ vào - là xong. Nồi nhôm cũng méo mó”.
 
Dường như muốn kết thúc câu chuyện với cả núi công việc đang chờ mình, TS Hùng cố ngắt mình khỏi dòng hồi tưởng: “Vì thế, tôi quá hiểu cái đói và cái khổ. Lúc thiếu thốn, cứ ních hai - ba cái quần vào cho ấm thì thôi. Tôi cao 1,75m, nhưng bấy giờ thiếu ăn chỉ nặng có 50kg. Tôi biết ơn sự vất vả đó, bởi kinh qua những điều ấy, mình rèn luyện để có kinh nghiệm cuộc sống và trưởng thành. Tôi không phải “con ông cháu cha” để dựa dẫm”. 
 
Ai ngờ, nói xong, ông Hùng khóc thật, lúc đầu còn cố giấu giếm, sau rồi ông cứ tự nhiên lau nước mắt. Sự gian khó đó trở thành động lực để anh cán bộ ngân hàng sau này xắn quần, lội qua bì bõm nước cống bẩn thỉu ngập đến đầu gối, vượt những góc phố tối tăm của Hà Nội để đi gặp gỡ khách hàng. Thấy người ta vui sử dụng dịch vụ của ngân hàng mình, dù chi nhánh mình ở xa công ty họ hơn nhiều so với ngân hàng khác, thế là ông Hùng vui như mở cờ trong bụng. Được điều về làm giám đốc những chi nhánh “xương” nhất với nợ nần và đơn kiện chồng chất, ông vẫn vui vẻ, vẫn chỉ có một tâm tư: Say mê công việc, không tư túi, nói là làm, hết lòng với nhân viên và khách hàng.
 
“Năm 1996, lúc còn làm Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Công thương Ba Đình, chúng tôi hiểu để cạnh tranh trong thương trường, khách hàng phải là số 1. Ngay từ thời ấy, đến mấy nhà vệ sinh ở phòng giao dịch cũng đều được trang bị hiện đại, lắp điều hòa nhiệt độ mát rượi, 5 phút lại lau sàn sảnh tiếp khách một lần, chúng tôi muốn phục vụ khách hàng một cách chi tiết, chân thành nhất” - ông Hùng kết thúc câu chuyện, với những chi tiết giản dị và chân thành đến sững sờ. Dường như sự chân thành ấy, luôn là bí quyết của những người chiến thắng.
Thương hiệu Quốc gia đoạt giải vàng chất lượng Quốc tế tại NewYork.jpg
Thương hiệu Quốc gia đoạt giải vàng chất lượng Quốc tế tại NewYork
TS Phạm Huy Hùng - SN 1954, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Uỷ viên BCH Đảng uỷ khối doanh nghiệp T.Ư; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.
 
 Theo TBKTSG

 

.
.
.
.