.
.

Chức năng nhiệm vụ



ĐẢNG ỦY KHỐI

DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

*

Số: 535- QĐ/ĐUK

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy

của Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam

 

- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa X);

- Căn cứ Quyết định số 99 - QĐ/TW ngày 22/10/2007 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương,

BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

 QUYẾT ĐỊNH

 

     Điều 1. Vị trí, chức năng của Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam

- Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam là cấp uỷ trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ­ương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và th­ường xuyên của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối; là cấp uỷ cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng trực thuộc Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam.

- Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam có chức năng lãnh đạo và kiểm tra, giám sát các mặt công tác của các tổ chức đảng trực thuộc; lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức, cán bộ và phối hợp với cấp ủy các địa phương lãnh đạo các mặt công tác đảng trong toàn hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam nhằm tổ chức, giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên và người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng chính quyền, các đoàn thể quần chúng, đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động toàn hệ thống vững mạnh; góp phần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; giữ vững vị trí then chốt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều 2. Nhiệm vụ của Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam

          1- Lãnh đạo việc chấp hành chủ tr­ương, đ­ường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nư­ớc

          - Quán triệt và chấp hành đúng  chủ trương, đ­ường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nư­ớc, các mục tiêu, định h­ướng chiến lược, chủ trương phát triển của Ngân hàng Công thương Việt Nam; cụ thể hoá thành chương trình hành động và kế hoạch thực hiện sát hợp với hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam.

          - Lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Công thương Việt Nam.

          - Lãnh đạo việc tổng kết thực tiễn, đề xuất với các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, v­ướng mắc để Ngân hàng Công thương Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập và phát triển an toàn, hiệu quả, đủ sức làm nòng cốt trong hệ thống ngân hàng thương mại.

2- Lãnh đạo việc đề ra và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Ngân hàng Công thương Việt Nam

- Ban hành nghị quyết về xây dựng và lãnh đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển chung và các lĩnh vực quan trọng của Ngân hàng Công thương Việt Nam; về định hướng hoạt động của Ngân hàng Công thương Việt Nam bảo đảm hiệu quả, bền vững; về các chủ trương quan trọng có quan hệ nhiều mặt ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn hệ thống để Hội đồng quản trị cụ thể hoá, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

          - Lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, định hướng hoạt động và các chủ trương quan trọng phát triển hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực; cải tiến tổ chức quản lý, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm xã hội; cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong toàn hệ thống.

          - Lãnh đạo các sở giao dịch, chi nhánh, công ty, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác được ủy quyền gắn liền với công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đóng góp xây dựng địa phương.

          - Lãnh đạo các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, gương mẫu, vận động thuyết phục quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị của sở giao dịch, chi nhánh, công ty, đơn vị.

          3- Lãnh đạo công tác tổ chức,  cán bộ

          - Đề ra chủ trương, phương hướng về kiện toàn bộ máy quản lý, tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng; chủ trương, định hướng về công tác tổ chức, cán bộ của toàn hệ thống, bảo đảm nguyên tắc Đảng uỷ thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.

          - Đề ra chủ trương, nghị quyết về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn hệ thống. Lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế, quy trình đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, kể cả cán bộ đại diện phần vốn của Ngân hàng Công thương Việt Nam ở các doanh nghiệp khác để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống theo phân cấp quản lý cán bộ và quy định của Trung ương.

          - Quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách công tác đảng; ban hành nghị quyết về cán bộ chủ chốt của các đoàn thể chính trị - xã hội thuộc thẩm quyền; chủ động phối hợp với cấp ủy các địa phương trong việc thành lập, kiện toàn tổ chức đảng, chuẩn bị nhân sự chức danh bí thư cấp ủy cơ sở trong các sở giao dịch, chi nhánh, công ty, đơn vị trong toàn hệ thống. Đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể.

          - Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và việc thực hiện chính sách cán bộ trong Ngân hàng Công thương Việt Nam; định kỳ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy trình sát hợp với thực tế.

4-  Lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao trình độ chuyên môn

          Lãnh đạo các tổ chức đảng trong Đảng bộ thường xuyên thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên và người lao động; xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Bồi dư­ỡng nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề; ý thức tổ chức kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên và người lao động trong hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam.

          5- Lãnh đạo công tác tổ chức xây dựng đảng bộ

- Đề ra chủ trương, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện tốt việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng các đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ thực hiện Điều lệ Đảng, bồi dư­ỡng cấp uỷ viên và cán bộ chuyên trách công tác đảng; thực hiện quản lý toàn diện tổ chức đảng và đảng viên, giữ mối liên hệ với cấp uỷ địa phương nơi cư trú, thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, làm tốt công tác phát triển đảng viên. Thực hiện đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên, công tác thi đua khen thưởng bảo đảm đúng thực chất, đúng quy định; kỷ luật trong Đảng nghiêm minh.

- Xây dựng tập thể các cấp uỷ trong Đảng bộ có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín và hoạt động có hiệu quả; là trung tâm đoàn kết nội bộ lãnh đạo, trong tổ chức đảng và doanh nghiệp, đơn vị.

          - Lãnh đạo các tổ chức quần chúng tích cực tham gia xây dựng tổ chức đảng và đảng viên.

          - Lãnh đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

          6- Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát

          - Lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chống suy thoái về tư­ tư­ởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả.

          - Chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm; xử lý nghiêm minh tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

          7- Lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội

          - Lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể quần chúng trong toàn hệ thống thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định và điều lệ của mỗi tổ chức đoàn thể; xây dựng tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, xây dựng đội ngũ công nhân viên chức hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

          - Lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ của người lao động; bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ngư­ời lao động và các nhà đầu tư. Đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác; xây dựng kỷ cương, tác phong công nghiệp; tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo.

Điều 3. Tổ chức bộ máy tham mưu giúp việc và điều kiện làm việc của Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam

          1. Về bộ máy tham mưu giúp việc

          - Các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam gồm: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và cơ quan Uỷ ban Kiểm tra. Mỗi cơ quan tham mưu gồm một số cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm theo quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam. Số lượng cán bộ chuyên trách thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương.

          - Cán bộ chuyên trách công tác đảng, chuyên trách công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được hưởng lương và các chế độ khác theo quy định chung đối với cán bộ, viên chức của Ngân hàng Công thương Việt Nam, do Ban Thường vụ Đảng ủy thống nhất với Lãnh đạo Ngân hàng Công thương Việt Nam quyết định.

          - Các ban xây dựng đảng của Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam  có con dấu riêng theo quy định; được huy động các đơn vị chuyên môn của Ngân hàng Công thương Việt Nam làm nhiệm vụ tham mưu theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng uỷ.

          2- Điều kiện làm việc của Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam

          Đảng uỷ được trang bị phương tiện làm việc theo chế độ chung của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Đảng bộ thực hiện theo quyết định của Trung ­ương về chế độ chi hoạt động công tác đảng.

     Điều 4. Các mối quan hệ của Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam

          1- Quan hệ của Đảng uỷ với Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong Ngân hàng Công thương Việt Nam

          - Là quan hệ lãnh đạo của cấp uỷ đối với hệ thống chính trị cùng cấp. Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam lãnh đạo bằng ban hành các nghị quyết, bằng tổ chức đảng và bằng chức trách, nhiệm vụ của từng đảng viên là viên chức lãnh đạo Ngân hàng Công thương Việt Nam, các đơn vị thành viên và các tổ chức chính trị - xã hội. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật, Điều lệ của mỗi tổ chức chính trị - xã hội.

          - Đảng uỷ định kỳ thông báo với Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc những ý kiến của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức về nhiệm vụ chính trị và các chế độ chính sách trong Ngân hàng Công thương Việt Nam. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc có trách nhiệm cung cấp thông tin hằng quý, 6 tháng, năm và khi cần thiết theo yêu cầu của Đảng ủy; bảo đảm các điều kiện hoạt động của Đảng bộ theo quy định của Trung ương. Định kỳ hằng quý (đột xuất khi cần) Ban Thường vụ Đảng uỷ và Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc tổ chức họp liên tịch để trao đổi, thống nhất những vấn đề lớn trong công tác lãnh đạo, quản lý. Ban Thường vụ (Thường trực) các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc báo cáo Đảng ủy theo định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm; Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam phối hợp với các cấp có liên quan trong việc xác định phương hướng nhiệm vụ và chuẩn bị nhân sự khi tiến hành đại hội của các tổ chức chính trị - xã hội.

- Thông qua hoạt động của các đồng chí đảng viên trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành, ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, của Tổng giám đốc và các phong trào CNVC được thực hiện theo đúng nghị quyết, định hướng của Đảng uỷ.

            2- Quan hệ phối hợp công tác với Ban cán sự đảng bộ, ngành Trung ương

          Là quan hệ phối hợp công tác, thực hiện theo quy định của Trung ư­ơng và Chính phủ.

3- Quan hệ phối hợp công tác với cấp uỷ địa phương

          Là quan hệ phối hợp nhằm giúp các sở giao dịch, chi nhánh, công ty, đơn vị trong hệ thống hoàn thành tốt nhiệm vụ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác; bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và thực hiện tốt công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn. Phối hợp với cấp ủy các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam trên địa bàn; thực hiện công tác cán bộ theo quy trình và phân cấp quản lý của Trung ương; quản lý đảng viên ở nơi cư trú.

Điều 5. Điều khoản thi hành

        - Căn cứ Quyết định này, Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam, các ban xây dựng đảng và các cấp uỷ trực thuộc xây dựng quy chế làm việc cụ thể, phù hợp với tình hình của sở giao dịch, chi nhánh, công ty, đơn vị và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy chế đề ra.

          - Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, được phổ biến đến các cấp uỷ và đảng viên trong Đảng bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam để thực hiện. Trong quá trình thực hiện Quyết định, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới, Đảng uỷ Ngân hàng Công thương Việt Nam đề xuất với Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các quyết định của cấp trên và thực tiễn.

   Nơi nhận:

- Ban Tổ chức TW, UB Kiểm tra TW,

- Đảng uỷ Ngân hàng Công thương VN,

- HĐQT, Tổng giám đốc NHCTVN,

- Các đồng chí Uỷ viên BCH Đảng bộ Khối,

- Các ban, đơn vị  ĐUK,

- Lưu: VP, TC ĐUK.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

BÍ THƯ

 Đã ký

Võ Đức Huy

 

.
.
.
.
.