Nhiều đổi thay ở huyện biên giới
Nhiều người dân ở huyện biên giới Bến Cầu (Tây Ninh) đến nay vẫn chưa tin nổi sự đổi đời của họ chỉ từ đồng vốn nhỏ của NHCSXH Việt Nam (VBSP). Chỉ vài năm trước thôi họ vẫn còn bươn chải kiếm ăn từng ngày bằng nghề "cõng" hàng lậu qua biên giới, nay nhiều thứ đã đổi thay...
|
||
Theo ông Hồ Văn Khanh - Giám đốc VBSP huyện Bến Cầu, dư nợ cho vay hiện nay của đơn vị đạt khoảng trên 103 tỷ đồng, nguồn vốn của VBSP đã đóng góp một phần trong công cuộc XĐGN của địa phương, điển hình như xã Tiên Thuận, một trong hai xã được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện. Nói xong ông Khanh đã mời chúng tôi lên chiếc xe "đồng phục" là thương hiệu của VBSP đi mục sở thị về sự thay đổi này. Qua giới thiệu của bà Lê Thị Tuyền - Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận chúng tôi được biết, Tiên Thuận là xã vùng biên giới, có đường biên giới giáp với nước láng giềng Campuchia 3,5 km. Xã hiện có hơn 3 nghìn hộ, với gần 13 nghìn nhân khẩu, phân bố trên diện tích tự nhiên 3.675ha, trong đó có 3.244ha đất nông nghiệp. Hơn 90% dân số của xã sống bằng nghề nông, mà chủ yếu là trồng trọt, với các loại cây trồng chính là lúa, ngô... nên nhiều người dân đã phải mưu sinh bằng nghề "cõng" hàng lậu qua biên giới. Những năm gần đây, nhờ có đồng vốn của VBSP, cộng với tình hình sản xuất nông nghiệp nhìn chung thuận lợi, nên đại bộ phận nông dân xã Tiên Thuận có cuộc sống ổn định, tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng giảm đáng kể, hiện chỉ còn 15%. Bà Tuyền cho biết, Đảng ủy và chính quyền xã rất quan tâm tới nguồn vốn chính sách. Để đảm bảo đồng vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV đã bình bầu công khai, dân chủ. VBSP huyện Bến Cầu đã giải ngân vốn vay tận xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn ưu đãi. Đơn cử như gia đình ông Võ Văn Nhân ở ấp A, xã Tiên Thuận. Nhà có 2 vợ chồng và 3 đứa con, vài năm trước vợ chồng ông Nhân quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" nay trồng lúa, mai trồng rau, rồi vào lúc nông nhàn lại đi làm thuê... xoay trần cả năm, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Từ năm 2010, ông đã được tiếp cận với nguồn vốn VBSP. Cầm trên tay 10 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo mà ông xúc động không nói thành lời. "Gia đình tôi luôn cảm ơn VBSP vì từ đồng vốn này, gia đình tôi đã tìm được hướng thoát nghèo" - ông Nhân tâm sự. Hiện nay, không chỉ trồng lúa, gia đình ông Nhân còn nuôi lợn, nuôi gà nên thu nhập đã khá hơn trước. Ông Nhân cho biết: "Trồng lúa sẽ đủ lương thực ăn hàng năm, còn chăn nuôi sẽ có thêm thu nhập cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa". Không chỉ được vay vốn hộ nghèo, gia đình ông Nhân còn được vay 8 triệu đồng chương trình cho vay NS&VSMTNT và 8 triệu đồng chương trình cho vay làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở của Thủ tướng Chính phủ... Từ chỗ ăn đong từng bữa, gia đình ông Nhân đã có của "để dành" lo cho tương lai con cái. Bà Lê Thị Tuyền cho biết, đến nay dư nợ cho vay tại xã Tiên Thuận đã đạt khoảng 22 tỷ đồng, ngoài tín dụng hộ nghèo, HSSV, cho vay làm nhà ở theo Quyết định 167 cũng đang tạo được sự đồng thuận của người dân. Là một trong những hộ được hỗ trợ xây nhà mới theo Quyết định 167, bà Phan Thị Nghe - ấp Tân Lập cho biết, trước kia bà và cậu con trai ở trong ngôi nhà tranh, nứa. "Đến nay đã 62 tuổi, giấc mơ được ở trong ngôi nhà xây mới đến nay mới trở thành hiện thực. Cũng phải nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, nguồn vốn của VBSP hỗ trợ đấy các anh ạ" - bà Nghe xúc động nói. Theo báo cáo của UBND xã Tiên Thuận, trong 2 năm (2010 và 2011) xã đã xây dựng được gần 200 căn nhà theo Quyết định 167, góp phần quan trọng vào việc xóa nhà dột nát của địa phương. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để chương trình thí điểm xây dựng NTM của xã sớm đạt các chỉ tiêu. Bà Lê Thị Tuyền cho biết, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 28 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước và được 8 triệu đồng của VBSP. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng cao như hiện nay cần phải nâng thêm mức cho vay để chính sách xây dựng nhà của Đảng, Nhà nước được hiệu quả. Chí Kiên |