.
.

Ngân hàng Chính sách Xã hội TP. Cần Thơ tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng tín dụng

Thứ Hai, 13/08/2012|08:12

 

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, hạn chế tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng gia tăng, NHCSXH TP. Cần Thơ vừa xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động đến năm 2014. Bước đầu đã tạo ra được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về việc trả nợ ngân hàng.

 

Theo báo cáo, tổng nợ xấu (bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh) trên địa bàn thành phố hiện nay gần 35 tỷ đồng, chiếm 3,59% trên tổng dư nợ, cao gấp 2,2 lần so bình quân chung cả nước. Nợ xấu tín dụng chính sách tăng cao do nhiều nguyên nhân như: Một bộ phận người dân địa phương còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; không tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư, nghề nghiệp không ổn định... nên sử dụng vốn vay không hiệu quả. Hay các trường hợp vay vốn đi XKLĐ đã về nước nhưng gặp khó khăn chưa trả được nợ, cũng có trường hợp đủ khả năng trả nợ nhưng chây ỳ không trả. Ngoài ra, các Tổ TK&VV hoạt động kém hiệu quả, không tổ chức sinh hoạt thường xuyên, không tích cực đôn đốc tổ viên trả nợ vay ngân hàng...

Từ thực tế đó, NHCSXH TP. Cần Thơ đã xây dựng Đề án với mục tiêu, phấn đấu đến năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn toàn thành phố dưới 2%, các khoản nợ xấu khác giảm từ 15 - 30% hằng năm... Hiện nay, NHCSXH thành phố đang phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ TK&VV tổ chức phân tích, đánh giá từng khoản nợ xấu để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, có kế hoạch chấn chỉnh, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ TK&VV yếu kém. Đó là: Thực hiện đúng quy trình thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Hộ có nhu cầu vay vốn phải có phương án quản lý, sử dụng vốn vay cụ thể, rõ ràng và phải ý thức được việc có vay, có trả và đóng lãi hàng tháng, theo quy định của ngân hàng. Hội, đoàn thể cấp xã, phường và trưởng ấp, khu vực trực tiếp tham gia giám sát, từ khâu bình xét cho vay đến kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc, xử lý thu hồi nợ.

Quận Thốt Nốt là một trong các đơn vị có nợ xấu cao nhất toàn thành phố (4,8 tỷ đồng, tỷ lệ 4,29%), được chọn là điểm chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện Đề án của thành phố. NHCSXH đã phối hợp với chính quyền và các hội, đoàn thể ở quận Thốt Nốt để gặp gỡ người dân; tuyên truyền, giải thích, động viên và cùng bàn bạc tìm cách giải quyết khó khăn đối với từng hộ vay vốn. Nhờ đó, người dân hiểu rõ hơn các chính sách cho vay của NHCSXH, đa số họ đã đồng ý trả nợ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, nói: "Trước đây, tôi vay 2 triệu đồng để mua bán, có đóng lãi cho Tổ trưởng hàng tháng. Sau đó, Tổ trưởng bỏ đi khỏi địa phương, tôi cũng không biết trả nợ theo cách nào, nên để nợ kéo dài nhiều năm nay. Lần này, nhờ cán bộ ngân hàng giải thích, tôi đã hiểu và trả hết nợ cũ. Tôi còn được xét cho vay vốn lại để tiếp tục mua bán, cải thiện cuộc sống". Ông Phạm Chí Dũng, Trưởng khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng nói: "Cán bộ ngân hàng xuống làm việc, thuyết phục bà con trả nợ hiệu quả hơn, vì đây là dịp để bà con hiểu vấn đề và bày tỏ nguyện vọng của mình. Hiện nay, ở khu vực có 45 hộ nợ quá hạn, ngân hàng xuống tận nơi làm việc và tuyên truyền, các hộ đã làm cam kết trả nợ, đây là tín hiệu rất đáng vui mừng cho địa phương". Còn ông Đặng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội ND quận Thốt Nốt, cho biết: "Việc triển khai thực hiện Đề án lần này đã thật sự có tác dụng sâu rộng, thay đổi nhận thức của người dân. Trước đây, địa phương có tuyên truyền vận động nhưng chưa thật sự hiệu quả, vì người dân chưa thông hiểu cách trả nợ, nên các khoản nợ vẫn kéo dài".

Ông Hồ Phước Tân, Phó giám đốc NHCSXH TP. Cần Thơ cho biết: "Từ đầu tháng 7/2012 đến nay, chúng tôi phối hợp với UBND, hội, đoàn thể, các Trưởng khu vực và các Tổ TK&VV ở 2 phường Trung Kiên và Thuận Hưng (quận Thốt Nốt), đã trực tiếp làm việc với 217 hộ có nợ tồn đọng. Qua đó, có 215 hộ đồng ý trả hết nợ và nhiều hộ có nhu cầu vay vốn lại để làm ăn, còn lại 2 hộ không có ý thức trả nợ, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan để tiếp tục động viên, giáo dục, nếu cố tình chây ỳ thì sẽ kiên quyết xử lý theo pháp luật”.

Tuy Đề án mới được triển khai thực hiện, nhưng ghi nhận kết quả bước đầu khá khả quan, giúp NHCSXH và hộ vay vốn có dịp gặp gỡ, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhiều năm qua. Qua đó, có thể khẳng định, với sự hợp tác của người dân, sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương với NHCSXH, số nợ xấu sẽ được thu hồi và nguồn vốn của Nhà nước tiếp tục được bảo tồn và phát huy, để giúp người nghèo có cơ hội làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh Hải Yến

 

.
.
.
.