Ngân hàng và doanh nghiệp chung tay tháo gỡ khó khăn
Lãi suất hiện không còn là vấn đề lớn mà điều đáng chú ý là lượng hàng tồn kho cao, thị trường khó khăn. Vì vậy, một mặt, các ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp, mặt khác, doanh nghiệp cần nhanh chóng giải quyết hàng tồn kho.
Lãi suất không còn là vấn đề lớn
Tại hội thảo Ngân hàng và doanh nghiệp - khơi thông nguồn vốn được tổ chức ở TP HCM mới đây, nhiều chuyên gia thống nhất với nhận định “đáy” của tăng trưởng rơi vào quý I/2012 với mức tăng trưởng là 4%, sang quý II nền kinh tế bắt đầu phục hồi với mức tăng 4,66%, dự báo GDP quý III sẽ là 5,6% và GDP cả năm vào khoảng 5,3%.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tín dụng, việc giảm mạnh lãi suất huy động và từng bước giảm lãi suất cho vay là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, giúp cho tín dụng tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, nền kinh tế cần một thời gian hấp thụ và phát huy nguồn vốn. Do vậy trong quý III nền kinh tế tuy vẫn còn khó khăn nhưng tín hiệu khởi sắc rõ rệt sẽ xuất hiện vào cuối năm.
TS. Trần Du Lịch cho biết, hiện nay, lãi suất không còn là vấn đề lớn mà là do hàng tồn kho cao, thị trường tiêu thụ khó khăn nên doanh nghiệp ngại vay. Để giải quyết vấn đề này các kênh đầu tư của Chính phủ với vai trò kích cầu, vai trò vốn mồi là rất quan trọng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lĩnh vực cho vay tiêu dùng hoặc cho vay mua nhà trả góp... để kích thích thị trường, qua đó giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, OCB đang thực hiện cam kết cho vay lãi suất cạnh tranh cho từng thời hạn vay, quy trình tín dụng đơn giản và mức lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện của ngân hàng và có kế hoạch kinh doanh tốt thì OCB sẵn sàng cho vay với mức lãi suất thấp dưới 15% năm.
Đặc biệt, OCB cũng đang xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho khách hàng là các nữ quản lý doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp nào có 51% thuộc sở hữu của nữ doanh nhân hoặc thành viên hội đồng quản trị có 30% là nữ thì OCB sẽ có các gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn từ 1 - 1,5%.
Tập trung giải quyết hàng tồn kho
Hiện tồn kho nhiều tập trung vào một số ngành như chế biến sản phẩm thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc, sản phẩm từ plastic, xi măng, sắt, thép, gang. Tuy nhiên, chỉ số này tuy có tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại đang trong xu hướng giảm qua từng tháng gần đây, điều đó cho thấy sức cầu đã tăng trở lại, các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng thì tình trạng hàng tồn kho cao là vấn đề bức bối của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, chỉ số này đang giảm dần, một số doanh nghiệp đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh do tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ từ ngân hàng. Dự báo 4 tháng cuối năm, việc giảm hàng tồn kho sẽ chuyển biến tích cực hơn so với 8 tháng đầu năm.
Tại hội thảo rất nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp cần nhanh chóng giải quyết hàng tồn kho theo các nghiệp vụ tài chính như bán giảm giá, khuyến mãi dưới nhiều hình thức, giảm giá cực mạnh cho khách hàng đối tác có khả năng trả bằng tiền mặt...Với các giải pháp trên, các doanh nghiệp có thể giải quyết khó khăn nguồn vốn ngắn hạn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quyết liệt cắt giảm các lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh kém hiệu quả để tập trung vốn cho lĩnh vực ưu thế; chủ động bán các tài sản có giá trị để tạo vốn, tăng sử dụng thuê ngoài; tập trung chi phí cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, cắt giảm các chi phí khác; rút ngắn và đồng bộ chu trình cung ứng nguyên liệu - sản xuất - bán hàng để giảm tồn kho nguyên liệu và thành phẩm ở mức thấp nhất, từ bỏ tư duy dự trữ nguyên liệu và đầu cơ hàng hoá…
Ông Đinh Trần Tâm, Giám đốc doanh nghiệp chuyên về hàng tiêu dùng cho biết, với sự hỗ trợ của Chính phủ về thuế, thị trường thời gian qua cùng với việc ngân hàng cho vay với mức lãi suất rẻ hơn nữa thì doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản suất kinh doanh cho những tháng cuối năm và đầu năm 2013.
Mạnh Hùng (Theo Chinhphu.vn)