.
.

Kết quả kinh doanh ngân hàng quý 3: Bớt lãi, có bớt lo?

Thứ Bảy, 20/10/2012|14:30

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2012 của các ngân hàng thương mại trở nên quan trọng hơn thường lệ bởi những yếu tố đặc biệt và khác biệt. Nhiều khả năng họ sẽ bớt lãi, song có bớt được lo hay không?

Cả chất và lượng đều không ủng hộ cho những con số “khủng” về lợi nhuận ngân hàng quý 3/2012, khi tín dụng vẫn là nguồn chủ yếu - Ảnh: Thanh Niên
Cả chất và lượng đều không ủng hộ cho những con số “khủng” về lợi nhuận ngân hàng quý 3/2012, khi tín dụng vẫn là nguồn chủ yếu - Ảnh: Thanh Niên

Đến thời điểm này mới chỉ có duy nhất Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) chính thức công bố kết quả kinh doanh cơ bản sau 9 tháng đầu năm 2012. Có lẽ tuần tới mùa báo cáo mới chính thức bắt đầu.

Gọi là mùa báo cáo, nhưng thực tế nhiều năm qua chỉ có hơn chục thành viên, chủ yếu là đã niêm yết, chủ động công bố báo cáo tài chính quý ngay khoảng một tháng sau đó. Phần lớn sẽ còn phải chờ dài. Thế nên bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2012 của ngành ban đầu khó toàn diện.

Điểm chung là có nhiều tác động bất lợi đã diễn ra, khiến lợi nhuận của nhiều thành viên chắc chắn sẽ không đảm bảo được tiến độ như kế hoạch, thậm chí không lỗ đã là may.

Đầu tiên, ngay đầu quý và cũng là yếu tố đặc biệt trong kỳ là lát cắt lớn từ chỉ đạo điều hành. Ngày 15/7, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ được ráo riết thực hiện, tối đa áp 15%/năm.

Cập nhật đến 30/8/2012, mức lãi suất trên 15%/năm chỉ còn chiếm tỷ trọng 22,7% tổng dư nợ của nhóm chiếm 90% thị phần tín dụng. Theo đó, phần lợi nhuận bị “mất” đi là đáng kể, từ hàng chục đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng tại mỗi thành viên theo như nhiều trường hợp dự tính và công bố vừa qua.

Về chất, lát cắt về lãi suất cho vay là “bắt buộc”. Về lượng, tăng trưởng tín dụng vẫn gần như không đáng kể tại nhiều thành viên, quy mô tạo nguồn lãi chủ yếu theo đó cũng bị hạn chế. Cả chất và lượng đều không ủng hộ cho những con số “khủng” về lợi nhuận ngân hàng quý 3/2012, khi tín dụng vẫn là nguồn chủ yếu.

Thứ hai, ở một quy mô hẹp hơn, rủi ro và ảnh hưởng từ đợt leo thang của giá vàng trong tháng 8 và 9 có thể gây thiệt hại đáng chú ý đối với một số nhà băng.

Một ảnh hưởng theo suy tính thông thường là những trường hợp chuyển đổi vàng huy động sang VND đã không kịp trở tay trước diễn biến quá nhanh của giá vàng, dẫn đến khả năng lỗ lớn. Lỗ/lãi ở đây tùy thuộc vào nguyên tắc bảo hiểm giá, ở quy mô chuyển đổi và sự tuân thủ trong quy định chuyển đổi, hay bản thân nguồn vốn VND từ chuyển đổi cũng sinh lãi để bù đắp. Song, rủi ro là một điểm được lưu ý và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận trong quý vừa qua.

Ở một hướng khác, giá vàng tăng quá cao và quá nhanh dẫn tới rủi ro trong các nghiệp vụ phái sinh. Một tổ chức đầu tư mới đây cảnh báo mức lỗ liên quan có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng tại một thành viên điển hình (?). Tuy nhiên, khi tìm hiểu cụ thể, thành viên này từ chối giải thích và bình luận, nên thực tế sẽ phải chờ đợi sự kết chuyển và ghi nhận ở kết quả chung vào cuối năm, chứ không hẳn sẽ thể hiện ngay ở báo cáo quý 3.

Thêm nữa, với tác động từ thị trường vàng, chỉ riêng tình trạng người gửi vàng rút trước hạn để bán cũng đã là một tác động đáng kể đối với yêu cầu cân đối với để có thể tạo lợi nhuận ở một số nhà băng, hay gây chi phí “phát sinh” cho yêu cầu bảo vệ thanh khoản...

Thứ ba, lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại trong quý vừa rồi chắc chắn đã bị kém đi từ nguồn kinh doanh trên liên ngân hàng, nhất là với những trường hợp quen dựa nhiều vào kênh này và khó chuyển hướng được dòng vốn (riêng trường hợp ACB là gắn với cả tình huống cá biệt).

Tháng 8 và 9/2011, thị trường liên ngân hàng bắt đầu sôi sục, khởi đầu cho kỳ căng thẳng thanh khoản kéo dài cho đến đầu năm 2012. Thời điểm đó thị trường ghi nhận quy mô giao dịch lớn, những mức lãi suất ngất ngưởng và đương nhiên những con thoi trên đó có được nguồn lợi lớn. Nhưng cùng kỳ năm nay là sự xình xình vài ba phần trăm của lãi suất, quy mô đặc biệt sụt giảm mạnh trong tháng 9.

Một sự khác biệt và đáng chú ý tác động đến tài nguyên trên liên ngân hàng là chính sách mà Ngân hàng Nhà nước mới áp dụng. Thông tư 21 đã tạo những thay đổi căn bản, chuyển tiền gửi thành tiền vay (trừ tiền gửi thanh toán), kinh doanh chặt chẽ và khó khăn hơn, cùng với đó là yêu cầu trích lập dự phòng mà lợi nhuận buộc phải chia sẻ.

Thứ tư, như đã nổi bật trong hai quý đầu năm, nợ xấu và xu hướng của nó có thể sẽ tiếp tục gọt bớt lợi nhuận các ngân hàng trong quý 3/2012. Ngược lại, cũng có thể hy vọng về một khả năng cải thiện nào đó.

Như đề cập ở trên, lát cắt lãi suất theo chỉ đạo khiến các ngân hàng bớt lãi. Về mặt lý thuyết thì qua đó họ có thể bớt lo, bởi lãi suất cho vay bị buộc giảm mạnh sẽ góp phần giảm bớt áp lực gia tăng nợ xấu. Thêm nữa, quý 3/2012 là kỳ trọng tâm của hoạt động cơ cấu lại nợ, theo định hướng và cơ chế mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra; hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của các doanh nghiệp cũng có hơi hướng tốt hơn hai quý trước…

Song, nợ xấu đến quý 3/2012 vẫn là ẩn số. Nó vẫn phụ thuộc nhiều vào mức độ tuân thủ trong phân loại và trích lập dự phòng của mỗi thành viên. Nếu tuân thủ kém, nợ xấu về bản chất là thực, còn lợi nhuận công bố lại là ảo. Và nếu Ngân hàng Nhà nước không công bố đánh giá tổng thể, ẩn số đó sẽ phải chờ sang năm 2013 mới có thể lường định, bởi rất nhiều ngân hàng thương mại không có thói quen công bố báo cáo tài chính quý - một thực tế của sự chậm minh bạch.

Minh Đức (Theo VET)

.
.
.
.