Ngân hàng Nhà nước thanh tra 26 tổ chức tín dụng
Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tiến hành thanh tra 26 tổ chức tín dụng với mục đích làm lành mạnh hệ thống ngân hàng.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong số các tổ chức thuộc diện phải thanh tra, xử lý là rất xứng đáng và hoàn toàn phù hợp, khách quan |
Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tiến hành thanh tra 26 tổ chức tín dụng với mục đích làm lành mạnh hệ thống ngân hàng.Thông tin trên vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, diễn ra chiều 30/10.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện Chính phủ đã có Quyết định số 254/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015", trong đó từ nay đến 2015, Ngân hàng Nhà nước đã vạch rõ từng việc cần phải làm cho mỗi năm.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng lưu ý, trong đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì việc xử lý ngân hàng yếu kém, sáp nhập ngân hàng chỉ là một nội dung, ngoài ra còn có nhiệm vụ quan trọng khác là phải làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, bao gồm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, ban hành các văn bản quy phạm mới đáp ứng cho sự phát triển của hệ thống...
Liên quan đến tiến trình xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện Chính phủ đã lập một Ban chỉ đạo liên ngành gồm một Phó thủ tướng làm trưởng ban, Thống đốc làm phó ban, cùng đại diện của các bộ, ban, ngành khác. Do đó, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc xử lý ngân yếu kém không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của cơ quan này.
“Với từng ngân hàng thương mại cũng có ban chỉ đạo xử lý, do vậy quá trình xử lý các ngân hàng thương mại không chỉ có riêng ý kiến của Ngân hàng Nhà nước mà còn những đánh giá của các cơ quan khác, đảm bảo tính công khai, minh bạch”, Thống đốc nói.
Bên cạnh đó, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, quá trình xử lý ngân hàng yếu kém cũng nhạy cảm và có thể gây ra tranh chấp. Do đó, để có đủ cơ sở để xử lý thì Ngân hàng Nhà nước đã phải tiến hành đồng thời hai việc: một mặt tiến hành thanh tra tại chỗ, mặt khác cho mời kiểm toán độc lập quốc tế cùng vào cuộc.
Do vậy, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong số các tổ chức thuộc diện phải thanh tra, xử lý là rất xứng đáng và hoàn toàn phù hợp, khách quan. Hiện cơ quan này đã và đang tiến hành thanh tra 26 tổ chức tín dụng theo kế hoạch cho cả năm 2012.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng chia sẻ, trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng vừa qua thì một số đề án phải tôn trọng tính tự nguyện của các đối tượng tham gia và hiện nay đang trong giai đoạn cuối cùng để thống nhất với các đối tượng này về con số, sau khi thống nhất và có phương án xử lý cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiên thông tin đại chúng.
Liên quan đến đánh giá về số liệu nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện chưa có một bộ tiêu chí nào được coi là thống nhất để tính toán nợ xấu. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đều thống nhất rằng, con số do Ngân hàng Nhà nước đưa ra là “có cơ sở nhất”.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, diễn biến nợ xấu từ đầu năm 2012 đến nay khá thống nhất với diễn biến của nền kinh tế và sự giảm xuống của hàng tồn kho. Theo đó, nợ xấu tăng mạnh những tháng đầu năm, song kể từ tháng 6 thì tăng chậm lại.
Về trách nhiệm giải quyết nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu chỉ đơn thuần là nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp thì trách nhiệm đương nhiên thuộc về hai đối tượng này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong số tài sản thế chấp của doanh nghiệp có rất nhiều hàng tồn kho, tức là hàng đó đã được thế chấp để vay vốn.
“Hiện nợ đọng tiền xây dựng cơ bản ở các địa phương lên tới hơn 90.000 tỷ đồng, nợ đọng vốn bất động sản khác hiện cũng rất lớn. Do đó việc tiêu thụ hàng tồn kho cũng có đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nợ xấu, nên riêng Thống đốc cũng không thể hứa gì trước được về việc này”, Thống đốc Bình nói.
Trang Anh (Theo VET)