Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo đúng lộ trình
Để khuyến khích dòng vốn ngoại, NHNN đang đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 30%. Đây là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú về tiến trình tái cấu trúc hoạt động ngân hàng. Theo ông Đào Minh Tú, NHNN đang tiến hành tái cơ cấu với đúng lộ trình. Tiến trình tái cơ cấu vẫn được triển khai đồng bộ ở tất cả các ngân hàng, kể cả với những ngân hàng không nằm trong diện phải tái cơ cấu, trong đó có cả hình thức M&A.
Hiện có rất nhiều ngân hàng cần tái cấu trúc vốn, tuy nhiên nguồn tiền trong nước có hạn. Mặt khác các ngân hàng yếu dù muốn nhanh chóng hợp nhất cũng cần phải tìm ra phương án khả thi nhất, không chỉ vì thời gian mà làm ẩu.
Đối với 9 ngân hàng yếu kém cần hợp nhất, sáp nhập, dù chưa đạt được kết quả cuối cùng nhưng các phương án mà những ngân hàng này đưa ra đều tích cực và khả quan. NHNN về nguyên tắc đã chấp thuận những phương án trên.
Theo ông Đào Minh Tú, đến nay đã có 8 ngân hàng có quyết định tái cơ cấu, việc thực hiện các phương án rất tích cực. Đã có phương án hợp lý của từng ngân hàng trên cơ sở minh bạch hóa toàn bộ số liệu.
Về vấn đề thu hút vốn ngoại trong hệ thống ngân hàng, theo ông Đào Minh Tú: Để khuyến khích dòng vốn ngoại, NHNN đang đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 30% thay vì chỉ có thể đầu tư tối đa 30% cổ phần một ngân hàng như trước đây. Theo đó, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ xuất hiện nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nội, ngoại trong việc đầu tư ngắn và dài hạn.
Việc tái cơ cấu các NHTM thông qua hình thức sáp nhập, hợp nhất có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác, tiết kiệm được chi phí, thời gian và nguồn nhân lực, đồng thời giảm bớt được số lượng các ngân hàng yếu kém, hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Chính vì vậy, đây là một trong những giải pháp tái cơ cấu được NHNN khuyến khích các TCTD triển khai thực hiện thông qua việc tạo điều kiện tìm kiếm, giới thiệu đối tác, cung cấp thông tin, hỗ trợ về kỹ thuật, pháp lý và thủ tục.
Theo đó NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại, sáp nhập, hợp nhất với TCTD yếu kém cần phải cơ cấu lại của Việt Nam. Đây chính là một lĩnh vực đầy triển vọng, một cơ hội tốt dành cho các nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng còn yếu kém của Việt Nam sớm tiếp cận được chuẩn mực quốc tế về chất lượng và an toàn hoạt động.
Tính đến nay, kết quả tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất khả quan với 13 ngân hàng thương mại có vốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Về một số quan điểm lo ngại về hiệu quả Công ty Quản lý tài sản (VAMC), Phó Thống đốc khẳng định Chính phủ đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VAMC, hiện Công ty đang triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch. NHNN sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để có thể lành mạnh hóa hoạt động của các ngân hàng.
Mới đây, tại hội thảo Giải pháp cho vấn đề nợ xấu ngày 8/8, ông John Sheehan - nguyên giám đốc điều hành Ngân hàng Lehman Brothers (người từng có kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại hơn 22 thị trường trên toàn thế giới) khẳng định đang có hàng tỷ USD muốn đổ vào Việt Nam. Còn theo ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng Giám đốc VAMC cũng cho biết một số nhà đầu tư lớn muốn mua nợ xấu của Việt Nam như: Tổ chức tài chính quốc tế IFC của WorldBank; TPG Growth LLC - một đơn vị thuộc công ty đầu tư tư nhân và Standard Chartered.
Anh Minh (Theo Chinhphu.vn)