Tổng Giám đốc Vietinbank: "Mình ngân hàng không thể tạo tăng trưởng tín dụng"
Tăng trưởng tín dụng chưa đi được một phần ba chặng đường, ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Vietinbank tin vẫn đạt chỉ tiêu cả năm, nhưng đòi hỏi nỗ lực và giải pháp đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành chứ không riêng hệ thống ngân hàng.
Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Vietinbank |
Ông Lê Đức Thọ trao đổi với báo chí sau khi Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, trong đó các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nợ xấu và lợi nhuận đều kém lạc quan so với trước.
- Vietinbank chiếm thị phần lớn về kinh doanh tín dụng, nhưng tăng trưởng cho vay khách hàng 6 tháng đầu năm mới đạt 0,45%, thấp hơn nhiều ngân hàng khác. Với kết quả này, ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện kế hoạch tăng trưởng 12% cho cả năm?
- Theo các quy định hiện hành, tín dụng là lượng vốn cung cấp cho nền kinh tế thông qua 3 kênh: cho vay khách hàng (kể cả cho thuê tài chính), cấp bảo lãnh và đầu tư, mua trái phiếu. Nếu tính đúng, tính đủ như vậy, tăng trưởng tín dụng 6 tháng của Vietinbank là 2,8% và đến hết tháng 7 đạt gần 3,8%. Kết quả đó không cao, nhưng có những tín hiệu tích cực cần ghi nhận. Nếu như 6 tháng, Vietinbank tăng trưởng thấp hơn bình quân cả hệ thống (3,52%) thì sau 7 tháng đã cao hơn chỉ số chung toàn ngành (3,68%). Mặt khác, 7 tháng đầu năm ngoái, chúng tôi chỉ tăng trưởng 0,2%.
Cùng với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và giải pháp của riêng mình, Vietinbank có cơ sở để tin cả năm nay đạt tốc độ 12%. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành cũng có khả năng đạt chỉ tiêu đã đề ra. Thực tế nhu cầu vay vốn những tháng cuối năm thường cao hơn.
Cũng cần nhìn nhận một mình các ngân hàng thương mại không thể tạo ra tăng trưởng tín dụng, mà đòi hỏi cả hệ thống phải vào cuộc để thúc đẩy doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh. Phải có giải pháp đồng bộ, từ chính sách tài khóa, tiền tệ, để làm sao khơi thông sức cầu nội địa, kể cả cầu tiêu dùng của dân cư và chi tiêu, đầu tư công, từ đó kéo sức cầu trong sản xuất. Khi sản xuất mạnh lên, nhu cầu vốn đầu tư tốt hơn, các doanh nghiệp tích cực làm ăn kinh doanh, sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho, qua đó tác động tích cực đến công tác thu hồi nợ và xử lý nợ xấu của ngân hàng.
- Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 là 2,53%, tiếp tục tăng mạnh so với quý I (1,8%) và đầu năm (1%). Ông giải thích thế nào về chỉ số này?
- Nợ xấu tăng một mặt phản ánh thực trạng của nền kinh tế cũng như hoạt động của các doanh nghiệp, doanh nghiệp nói riêng và người vay vốn nói chung chưa có khả năng trả nợ đúng hạn. Mặt khác, nợ xấu gia tăng cũng cho thấy việc phân loại nợ đã tiệm cận thông lệ quốc tế và tuân thủ quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư 02 và các quy định bổ sung đến 1/6 mới có hiệu lực, nhưng ngay cuối kỳ báo cáo tài chính quý II, ngân hàng đã phải phân loại và phản ánh đầy đủ chất lượng nợ theo quy định.
Từ nay đến cuối năm, nếu tình hình kinh tế tích cực, tỷ lệ nợ xấu có thể khả quan hơn. Nếu kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ này sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên trong mọi trường hợp và bằng mọi biện pháp khác nhau, Vietinbank sẽ kiểm soát ở mức an toàn, dưới 3% như chỉ tiêu đã được thông qua. Chúng tôi đang tích cực tự xử lý nợ, tăng trích lập dự phòng để xử lý các khoản nợ đó, chặt chẽ trong kinh doanh, quản lý chi phí, đảm bảo chất lượng các khoản vay để có dư địa lợi nhuận mà xử lý nợ xấu. Mặt khác, cũng sẽ tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC. Chúng tôi vừa bán được 500 tỷ đồng nợ xấu cho công ty này và sẽ tăng cường trong thời gian tới.
- Tình hình kinh doanh vẫn khó khăn, lại phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và xử lý nợ xấu, Vietinbank có định điều chỉnh các chỉ tiêu của năm nay?
- Chúng tôi chưa đặt vấn đề điều chỉnh, mà bằng mọi cách cố gắng đạt chỉ tiêu đại hội cổ đông đã biểu quyết thông qua.
- Tăng trưởng tín dụng đang ở mức 3,8%, ngân hàng sẽ làm thế nào để đến cuối năm đạt chỉ tiêu 12%?
- Như tôi đã nói, theo thông lệ nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào cuối năm. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành cũng đã có nhiều giải pháp kích thích nhu cầu tiêu dùng, sản xuất… Vì vậy, có cơ sở cho thấy cuối năm sẽ cải thiện tích cực hơn.
Bản thân Vietinbank, chúng tôi vẫn phải giữ ổn định tương đối ở cả ba khu vực khách hàng. Một mặt giữ vững thị phần ở nhóm khách hàng lớn, có quan hệ truyền thống và là những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế. Hai khu vực còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân, sẽ phải đầu tư nguồn lực nhiều hơn để đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, ít nhất là phải cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của cả ngân hàng, bởi đây là khu vực sức cầu tốt.
- Khách hàng lớn và khách hàng tốt đang là mục tiêu săn đón của nhiều ngân hàng. Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của Vietinbank để giữ chân những khách hàng như vậy?
- Cạnh tranh là điều không thể tránh trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành. Vì vậy chúng tôi cũng phải đối mặt thôi. Nhưng cạnh tranh vẫn cần hợp tác chặt chẽ, để đảm bảo mang đến cho khách hàng, cho nền kinh tế những sản phẩm dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý hơn.
Trước thực tế đó, Vietinbank không thể chủ quan. Gần đây, chúng tôi đã có những điều chỉnh quan trọng trong mô hình hoạt động, hình thành các khối chuyên nghiệp phục vụ từng đối tượng khách hàng. Chúng tôi cũng phải thay đổi cách thức phục vụ, bán hàng, duy trì mối quan hệ, thoả mãn các nhu cầu khách hàng. Hy vọng với các định hướng đó, hoạt động tín dụng sẽ tiến triển rõ nét hơn, đi vào những khu vực thị trường thực sự có nhu cầu. Tất nhiên, kích thích tăng trưởng không có nghĩa hạ điều kiện cho vay. Chúng tôi chỉ cho vay với những khách hàng có nhu cầu thực sự về vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, chứng minh được tính khả thi, hiệu quả dự án và khả năng trả nợ.
- Những ngành nghề nào Vietinbank cho là tiềm năng và cần chú trọng cho vay, đầu tư hiện nay?
- Ngành nông nghiệp rất tiềm năng, nhưng cũng cần các bên vào cuộc để tổ chức lại sản xuất một cách căn cơ, đặc biệt ở các vùng sản xuất hàng hóa lớn như Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên hay duyên hải miền Trung. Sản lượng đánh bắt ở khu vực duyên hải miền Trung rất lớn nhưng lâu nay bà con vẫn tự một mình xoay xở, tự liên kết với nhau đánh bắt rồi tự tiêu thụ, mà chưa có bàn tay hỗ trợ, tổ chức bài bản của Nhà nước. Nhà nước và doanh nghiệp cần tham gia giúp họ tổ chức lại sản xuất, liên kết các khâu hậu cần sản xuất, đánh bắt, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Các ngân hàng có thể tham gia ở khâu hậu cần (kể cả hậu cần trên biển) và khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân yên tâm đánh bắt trên biển.
- Trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống, một số ngân hàng lớn đã được gợi ý hoặc chủ động hỗ trợ, hợp sức vực các ngân hàng yếu. Kế hoạch tham gia của Vietinbank thế nào?
- Vietinbank vẫn đang tham gia với tư cách ngân hàng tạo lập thị trường và cùng Ngân hàng Nhà nước bình ổn, giúp thị trường vận hành hiệu quả hơn. Liên quan tới hoạt động sáp nhập, hợp nhất ngân hàng, tùy từng điều kiện cụ thể, Vietinbank sẽ xem xét một cách thận trọng và đầy đủ để tham gia cùng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng lớn tái cấu trúc thị trường ngân hàng Việt Nam lành mạnh hơn.
Một số chỉ tiêu cơ bản của Vietinbank
Chỉ tiêu |
2013 |
Kế hoạch 2014 |
6 tháng 2014 |
||
Tổng tài sản |
576.368 |
640.000 |
11,0% |
597.636 |
- |
Vốn huy động |
511.670 |
573.000 |
12,0% |
377.690 |
3,6% |
Dư nợ cho vay và đầu tư |
536.460 |
600.000 |
11,8% |
- |
2,8% |
Lợi nhuận trước thuế |
7.751 |
7.280 |
-6,0% |
3.872 |
- |
Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng |
0,82% |
<3% |
- |
2,53% |
- |
Song Linh (Theo VnExpress)