.
.

BIDV giữ vững năng lực cạnh tranh

Thứ Hai, 13/06/2016|14:51

Trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và triển khai có hiệu quả chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 01, 02, 04/CT-NHNN, hoạt động kinh doanh của BIDV tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước, so với đầu năm và đạt kết quả tích cực so với kết quả chung của toàn ngành ngân hàng.

BIDV đã xác lập vị thế là Ngân hàng TMCP số 1 trên thị trường Việt Nam, thuộc TOP Global 2000 Công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.

Tổng tài sản tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu nhóm NHTMCP với quy mô 888 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước và 4% so với đầu năm.

Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 836 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đạt gần 657 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm, phù hợp với nhịp độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng, dự kiến đến hết quý II/2016, dư nợ tín dụng tăng trưởng 8-9% so với đầu năm.

Dòng vốn tín dụng tập trung vào các ngành/lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi sự doanh nghiệp, các dự án trọng điểm quốc gia, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, năng lượng… Chất lượng tín dụng được kiểm soát theo đúng mục tiêu với tỉ lệ nợ xấu <2%.

Nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt, bền vững, đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng vốn, bảo đảm an toàn hoạt động: Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 820 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động vốn từ tổ chức, dân cư đạt trên 705 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước và 7% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng, dự kiến đến hết quý II/2016, huy động vốn từ tổ chức, dân cư tăng trưởng khoảng 10% so với đầu năm. 

Hoạt động bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định sức mạnh của Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam hai năm liên tiếp 2015-2016 do Tạp chí The Asian Banker bình chọn và Ngân hàng bán lẻ châu Á có hoạt động Mạng xã hội được đánh giá cao do Tạp chí Retail Banker International trao tặng. Với gần 24.000 điểm kết nối ATM/POS, phục vụ gần 8 triệu khách hàng cá nhân, BIDV không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân tốt nhất, cạnh tranh nhất cho khách hàng và các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, tiện ích, hiện đại.

Hiệu quả kinh doanh của BIDV tăng trưởng ổn định với lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trích lập đủ dự phòng rủi ro, các tỷ lệ an toàn hoạt động đáp ứng theo quy định. Hoạt động kinh doanh khối Công ty con ổn định, tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 110 tỷ đồng, bám sát lộ trình thực hiện mục tiêu năm đề ra.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh đạt kết quả tích cực, vượt trội, BIDV đã chủ động xây dựng Đề án Hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu trở thành “Ngân hàng đạt chuẩn ASEAN” (QAB) theo các tiêu chí: năng lực tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh ổn định, năng lực quản trị tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hoạt động theo chuẩn mực quốc tế; Chú trọng đổi mới và phát triển toàn diện các mặt hoạt động mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với yêu cầu hướng đến khách hàng; Chủ động triển khai, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và công nghệ, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Hoạt động của BIDV tại hải ngoại tiếp tục ghi nhận dấu ấn với việc khai trương Văn phòng đại diện tại CHLB Nga vào tháng 5/2016, nâng tổng số văn phòng đại diện của BIDV tại hải ngoại lên 6 quốc gia/vùng lãnh thổ (Myanmar, Lào, Campuchia, Đài Loan, Czech, Nga). Đồng thời, BIDV đã được Chính phủ Myanmar chấp thuận chủ trương và NHNN Việt Nam phê duyệt hoạt động chi nhánh tại Myanmar. Hiện nay, BIDV đang xúc tiến các thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Với kết quả đó, BIDV đã thiết lập quan hệ với trên 1.700 định chế tài chính lớn tại 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt được những kết quả khích lệ trong quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga... Khởi xướng, đồng tổ chức 13 chương trình hợp tác kinh tế quốc tế để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia các hiệp định FTA, mở cửa cộng đồng ASEAN, kết nối thị trường EU, đặt dấu ấn tại thị trường Đông Bắc Á.

Huy Thắng (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.