Agribank hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do hiện tượng thủy, hải sản chết bất thường và hạn hán, xâm nhập mặn
Vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã quyết định một loạt các chính sách hỗ trợ khách hàng, nhất là ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp chịu thiệt hại về hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt thời gian qua tại 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, đồng thời hỗ trợ các tỉnh bị hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với người dân nơi đây.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, Agribank đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế triển khai các biện pháp hỗ trợ, cụ thể như sau: Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp (có thủy, hải sản chết), Agribank thực hiện miễn toàn bộ lãi vay chưa trả đối với dư nợ bị thiệt hại; đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp (nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, bảo quản, tạm trữ và dịch vụ liên quan khác…), Agribank miễn 01 tháng lãi tiền vay của dư nợ bị ảnh hưởng; dừng thu lãi 03 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Agribank thực hiện ưu tiên về vốn, lãi suất vay đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp, ảnh hưởng gián tiếp có phương án sản xuất kinh doanh mới, cụ thể: Lãi suất cho vay ngắn hạn là 6%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn là 8%/năm. Agribank có kế hoạch dành nguồn vốn 500 tỷ đồng với thời gian triển khai trong 03 tháng kể từ ngày 04/5/2016.
Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 10/2015/TT-NHNN là 56.781 triệu đồng, trong đó: Hà Tĩnh là 37.616 triệu đồng, Quảng Bình là 16.967 triệu đồng, Quảng Trị là 2.198 triệu đồng, dư nợ cơ cấu thông thường là 5.194 triệu đồng. Dư nợ được miễn giảm lãi là 12 triệu đồng.
Tổng dư nợ cho vay mới để khắc phục hậu quả của 4 tỉnh và cho vay tạm trữ thủy hải sản là 82.640 triệu đồng trong đó: Quảng Bình 52.800 triệu đồng, Thừa Thiên Huế 5.050 triệu đồng và Quảng Trị 24.790 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Agribank cũng chỉ đạo các chi nhánh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung như: miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, cho vay mới, thực hiện các công tác an sinh xã hội tại một số địa phương bị thiệt hại nặng nề.
Cụ thể, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ là 351.311 triệu đồng, trong đó: Đồng bằng sông Cửu Long 155.514 triệu đồng, Tây Nguyên 177.514 triệu đồng, Duyên hải miền Trung 17.968 triệu đồng. Dư nợ được miễn giảm lãi là 29 triệu đồng của chi nhánh Cà Mau.
Tổng dư nợ cho vay mới để khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung của Agribank là 142.439 triệu đồng, trong đó: Bình Thuận 250 triệu đồng, Cà Mau 135.937 triệu đồng, Bạc Liêu 6.252 triệu đồng.
Với một loạt các chính sách hỗ trợ nêu trên, Agribank mong muốn cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với người dân, giúp khách hàng sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
P.V