BÀI 2:
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Chiến lược phát triển bền vững
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được thành lập theo Quyết định 249/QĐ-TTg, ngày 30-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VRG vừa hoàn chỉnh đề án tái cấu trúc doanh nghiệp. Tại buổi lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho ngành cao su Việt Nam, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn đã công bố nội dung chính trong đề án tái cấu trúc tập đoàn. Ông Thuận cũng khẳng định: VRG quyết tâm thực hiện đề án tái cấu trúc bằng một chiến lược phát triển dài hạn để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế đất nước.
BÀI 2: CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
GIẢM ĐẦU MỐI ĐỂ TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC QUẢN LÝ VÀ CHUYÊN MÔN HÓA
Thực hiện đề án tái cấu trúc tập đoàn, VRG đã xác định việc sắp xếp mô hình tổ chức để giảm số đầu mối quản lý trực tiếp của công ty mẹ và các công ty thành viên là khâu đột phá. Từ đó, VRG xây dựng các công ty mẹ quản lý theo từng khu vực và nhóm ngành để tăng tính chuyên môn hóa. Các công ty mẹ được hình thành trên cơ sở lựa chọn công ty mạnh nhất trong nhóm ngành, khu vực, giới hạn việc thành lập mới công ty mẹ chỉ thực hiện thuần công tác quản lý.
VRG quyết tâm thực hiện tái cấu trúc bằng một chiến lược phát triển dài hạn - Ảnh: H.N |
Thực hiện chủ trương trên, VRG sẽ sắp xếp lại mô hình hoạt động như sau: Đối với các công ty thuộc lĩnh vực trồng và chế biến cao su sẽ tiến hành cổ phần hóa và bán bớt cổ phần theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình bán bớt cổ phần, đối với các công ty có nhiều công ty thành viên và tập đoàn là cổ đông sáng lập thì sẽ sắp xếp để mỗi công ty chỉ giữ lại 2 cổ đông gồm công ty mẹ là tập đoàn và công ty chịu trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nhân sự. Sau khi tái cấu trúc, công ty mẹ là tập đoàn sẽ quản lý 40 đầu mối là công ty cao su, giảm 8 đầu mối so với hiện nay.
Riêng ngành công nghiệp cao su, ngoài 2 công ty hiện có, VRG sẽ thực hiện mua thêm cổ phần để giữ quyền chi phối công ty sản xuất băng tải, đầu tư thêm vào các công ty sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu cao su, như: găng tay, chỉ thun và săm, lốp xe các loại. Trong các công ty này, VRG sẽ hình thành một công ty mẹ quản lý chuyên sâu về lĩnh vực công nghiệp cao su.
Đối với ngành gỗ, VRG hình thành 1 công ty mẹ quản lý tất cả các công ty sản xuất gỗ gia dụng. Công ty mẹ sẽ quản lý một nhà máy tinh chế có công suất lớn, thực hiện công tác xây dựng thương hiệu, thị trường, thiết kế sản phẩm... điều tiết, phân công đơn hàng và các khâu sản xuất cho các công ty khác. Đồng thời, VRG sẽ đầu tư thêm 2-3 nhà máy sản xuất gỗ MDF do tập đoàn trực tiếp quản lý.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu công nghiệp, VRG sẽ hình thành 2 đầu mối: Tổng Công ty Cao su Đồng Nai là một đầu mối quản lý các dự án trên đất của công ty. Các khu công nghiệp còn lại sẽ tập trung vào một đầu mối và đầu mối này sẽ quản lý với tư cách công ty mẹ của 7 công ty con.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ TÁI CẤU TRÚC NGÀNH NGHỀ
Đề án tái cấu trúc VRG được xây dựng trên nguyên tắc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Hoạch định lại ngành nghề sản xuất; cổ phần hóa, bán bớt vốn nhà nước theo lộ trình do Chính phủ phê duyệt; thoái vốn ngoài ngành chính, sắp xếp lại các mối quan hệ quản lý và sở hữu trong toàn tập đoàn; hoàn chỉnh về quản trị nội bộ, trong đó khai thác tối đa công nghệ thông tin để bảo đảm thông tin minh bạch, kịp thời, đáp ứng nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, việc thực hiện tái cấu trúc ngành nghề là khâu cốt lõi.
Theo kế hoạch, sau khi tái cấu trúc ngành nghề, số đầu mối quản lý của VRG so với hiện nay, từ 168 công ty sẽ giảm xuống 116 công ty. Riêng công ty mẹ là tập đoàn có số đầu mối quản lý trực tiếp từ 83 công ty hiện nay xuống còn 57 công ty (trong đó riêng cao su 40 công ty), giảm 26 công ty. Đồng thời hình thành một số công ty mẹ (tổng công ty) để tăng cường tính chuyên môn hóa, tăng cường hiệu lực quản lý cho một số nhóm ngành nghề, khu vực. Tiêu chí hình thành các công ty theo ngành nghề, theo quy mô và theo khu vực.
Theo đề án tái cấu trúc ngành nghề của tập đoàn, ngoài 3 ngành nghề chính từ trước đến nay là trồng, khai thác cao su, công nghiệp cao su và chế biến gỗ, VRG đã bổ sung thêm ngành đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp là ngành chính. Về lĩnh vực trồng, khai thác cao su, quy hoạch diện tích cao su của VRG đến năm 2015 là 500.000 ha. Điểm mới đáng lưu ý trong đề án tái cấu trúc của VRG là thực hiện liên kết với người dân trồng cao su theo phương án người dân góp đất, ăn chia sản phẩm hoặc trở thành cổ đông, hưởng cổ tức.
Đối với ngành công nghiệp cao su, mục tiêu mà VRG xây dựng là phấn đấu đến năm 2015 sẽ mua cổ phần của một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su trong nước và tiếp tục liên doanh sản xuất chỉ thun bên cạnh sản phẩm bóng thể thao đang thực hiện. Sau năm 2015, VRG sẽ liên doanh sản xuất vỏ ruột xe. Mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp cao su của VRG là toàn bộ cao su nguyên liệu trong cả nước được tinh chế trước khi xuất khẩu, bao gồm cả sản phẩm cao su của các doanh nghiệp khác.
Đối với ngành chế biến gỗ, VRG đề ra mục tiêu là phải xác định được tổng công suất chế biến từ nay đến năm 2015 và định hướng sau năm 2015. Riêng ngành phát triển khu công nghiệp, VRG chỉ định hướng phát triển đến mức độ hợp lý theo khả năng. Đối với các ngành khác thì VRG sẽ triệt để thoái vốn, đặc biệt lĩnh vực tài chính ngân hàng thoái vốn 100% ngay trong giai đoạn 2012-2013. Đối với các dự án đang đầu tư dở dang thì VRG sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh xong rồi thoái vốn, đồng thời sẽ thoái vốn ở mức độ một số ngành như tư vấn đầu tư, xây dựng, đường giao thông BOT...
TÁI CẤU TRÚC CÁC ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN
Trong đề án tái cấu trúc tập đoàn, VRG đã xác định việc tái cấu trúc các công ty thành viên là cơ sở để thực hiện tái cấu trúc tập đoàn. Vì thế, VRG đã yêu cầu các đơn vị thành viên phải xác định lại ngành nghề kinh doanh, theo hướng ngành sản xuất - kinh doanh chính của VRG hiện nay. Căn cứ vào tình hình sản xuất, năng lực bộ máy quản lý, tiềm năng về tài nguyên và ngành nghề chính của mình để từng đơn vị xác định ngành nghề chính, ngành nghề cốt lõi, các ngành nghề liên quan phải theo hướng hỗ trợ nhau, không duy trì quá nhiều ngành nghề kinh doanh làm phân tán nguồn lực.
Đồng thời, VRG còn yêu cầu các đơn vị thành viên phải sắp xếp, hệ thống lại danh mục đầu tư, đánh giá hiệu quả của các dự án, danh mục đầu tư, xác định phương án thoái vốn, lộ trình thoái vốn, trong đó lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư phải thoái vốn ngay trong giai đoạn 2012-2013. Cách thoái vốn để thu hồi vốn đầu tư ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ngoài ngành để tập trung phát triển những ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính.
Trong việc sắp xếp lại bộ máy, VRG yêu cầu những đơn vị phải rà soát lại nông trường, xí nghiệp, phân xưởng... theo ngành nghề, lĩnh vực để phát huy cao nhất hiệu quả của các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, xem xét sáp nhập các đơn vị có quy mô quá nhỏ, không hiệu quả, thu hẹp đầu mối để đảm bảo quy mô các đơn vị phù hợp và hiệu quả. Đối với các đơn vị nào hoạt động không có hiệu quả và không còn phù hợp với nhiệm vụ, chức năng thì xem xét thực hiện cổ phần hóa, bán, cho thuê, sáp nhập...
Từ cơ sở trên cho thấy, đề án tái cấu trúc VRG được xây dựng chặt chẽ, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển của ngành; đồng thời với những giải pháp đồng bộ, cụ thể, chắc chắn đề án này sẽ tạo cho VRG có những bước tiến mới và bền vững trong tương lai.
Thanh Hải
Theo Báo Bình Phước