Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ nắm giữ khoảng 65% cổ phần tại các công ty cao su
Đề án tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang được các bộ ngành phê duyệt để trình Thủ tướng Chính phủ thông qua vào đầu tháng 7/2012. Trong đề án, công tác cổ phần hóa là một trong những nội dung quan trọng được đề cập. Theo đó, để bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước, các công ty cổ phần hóa VRG sẽ nắm giữ khoảng 65% cổ phần.
Chờ tổng kết của Bộ NN&PTNT về thí điểm cổ phần hóa nông lâm trường
Đối với các công ty TNHH MTV cao su, đối lượng chính là các công ty cao su, thuộc diện nông lâm trường, việc cổ phần hóa vườn cây gắn với cơ sở chế biến trong thời gian qua đã được VRG triển khai thực hiện thí điểm. Trong quá trình thực hiện, Nhà nước và Tập đoàn nhận thấy cần có đánh giá tổng thể để có quyết định phù hợp. Thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang tiến hành tổng kết, sau khi có tổng kết và phê duyệt của Chính phủ, VRG sẽ thực hiện theo lộ trình.
Dự kiến nếu việc tổng kết hoàn thành sớm và chủ trương cổ phần hóa các công ty cao su tiếp tục thực hiện, VRG sẽ thực hiện theo lộ trình như sau: Đến 2015 sẽ cổ phần hóa khoảng 12 công ty, mỗi năm khoảng 2-3 công ty với diện tích khoảng 40.000-50.000 ha cao su để phù hợp với khả năng tiếp nhận của thị trường. Các công ty còn lại ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung hiệu quả chưa cao sẽ tiếp tục thực hiện đến 2020. Để bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước, các công ty cổ phần hóa VRG sẽ nắm giữ khoảng 65% cổ phần.
Riêng đối với Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su VN, đặc điểm các dự án cao su là thời gian đầu tư dài, với mức vay trên 50% như trước đây, thời gian vay vốn phù hợp phải trên 12 năm, thời hạn này rất ít ngân hàng chấp thuận tài trợ. Do vậy Công ty Tài chính TNHH MTV CSVN được thành lập và hiện hoạt động như một công cụ tài chính của VRG, chủ yếu hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án của VRG bị khó khăn về nguồn vốn. Với mục tiêu như trên nên hiệu quả kinh doanh của Công ty Tài chính Cao su TNHH MTV không cao và hiện tại lĩnh vực tài chính không hấp dẫn nhà đầu tư nên dự kiến sẽ tiến hành cổ phần hóa vào năm 2015-2016.
Bán cổ phần ra công chúng các công ty có tỷ lệ cổ phần VRG nắm giữ lớn
Nguyên tắc là VRG sẽ bán cổ phần ra công chúng (IPO) các công ty thuộc ngành chính hiện nay chỉ có cổ đông sáng lập và tỷ lệ vốn VRG nắm giữ lớn, dự kiến tiến độ và cách thực hiện như sau :
Các công ty cao su: Thực hiện theo nguyên tắc tương tự như cổ phần hóa các công ty cao su. Phần lớn vừa thành lập sau năm 2005 để thực hiện các dự án phát triển cao su ở các vùng đất mới nên từ nay đển 2015 chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đầu tư dự án, chưa có sản phẩm hoặc hiệu quả thấp nên chủ yếu sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 khi các công ty này hoạt động ổn định.
Các công ty công nghiệp cao su: Là lĩnh vực chưa phát triển, hiệu quả còn thấp nên chưa thực hiện IPO trong giai đoạn này.
Các công ty gỗ: Công ty MDF Quảng Trị hoạt động khá ổn định sẽ IPO giai đoạn 2013-2014 để thu hút vốn đầu tư mở rộng nhà máy và Tập đoàn thu hồi một phần vốn đầu tư các dự án khác, Công ty MDF DongWha sẽ thực hiện IPO sau năm 2015 khi nhà máy hoạt động ổn định. Đối với công ty Gỗ khi IPO Tập đoàn sẽ giữ cổ phần chi phối theo quy định của Nhà nước.
Các công ty khu công nghiệp: Việc IPO sẽ tiến hành đồng thời với việc tổ chức sắp xếp lại, ngoài 4 công ty đã là công ty đại chúng sẽ đăng ký giao dịch trên sàn GDCK khi đủ điều kiện, các công ty còn lại theo quy hoạch và đặc điểm từng khu vực, sẽ tiến hành IPO khi cho thuê được 50% quỹ đất, dự kiến trong giai đoạn đến 2015 sẽ IPO 3 khu và sau 2015 sẽ IPO 4 khu. Do mối liên hệ chặt chẽ về đất đai, các công ty Khu công nghiệp sau IPO Tập đoàn dự kiến vẫn giữ cổ phần chi phối.
Nguyên Khánh