.
.

Hướng đến phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam

Chủ Nhật, 10/03/2013|17:04

Trong khuôn khố các hoạt động nhân dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013, từ 9h sáng nay, 10/3, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Hướng đến phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam”.

Qua chủ đề này, các khách mời của chương trình là các nhà quản lý, là các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, phát triển ngành cà phê Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về cây cà phê Việt Nam, về ngành cà phê Việt Nam trong những năm gần đây, những thành công đáng ghi nhận cùng những tồn tại, khó khăn, thách thức mà ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt, cùng với đó là những định hướng, chiến lược phát triển ngành cà phê Việt Nam trong những năm tới vừa là nhằm giữ vững 1 trong 2 vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, vừa là nhằm nâng cao hơn nữa giá trị ngành hàng này trong nền kinh tế quốc dân.

Tham dự chương trình, xin trân trọng giới thiệu:

 - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dhăm Ênuôl

- Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng

- Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Nguyễn Viết Vinh,

- Chủ tịch HĐQT - TGĐ Cty Cổ phần Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ, phát sóng trực tiếp trên kênh 9 VTV Đà Nẵng vào 9h sáng Chủ nhật, 10/3. Chương trình cũng được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình MyTV, kênh truyền hình kỹ thuật số VTC1, Invest TV- VCTV 15 Truyền hình cáp Việt Nam.

 

Ông Y Dhăm Ênuôl - Ảnh VGP/Minh Hùng

BTV: Thưa ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, đứng ở góc độ là nhà quản lý chính quyền, ông có thể lý giải những thành công mà ngành cà phê Việt Nam nói chung, ngành cà phê của tỉnh Đăk Lắk nói riêng đạt được trong năm 2012?

Ông Y Dhăm Ênuôl: Thưa quý vị, có thể khẳng định 2012 là năm thành công của ngành cà phê nếu tính theo niên vụ 1/9/2011 đến 30/9/2012, theo số liệu của Bộ NNPTNT, cả nước ước xuất khẩu 1,7 triệu tấn, trị giá hơn 3,4 tỷ USD, đứng đầu về lượng xuất khẩu.

Có được thành tích, sản lượng, chất lượng như vậy là do 4 nguyên nhân. Thứ nhất là diện tích cà phê ổn địnhh, cả nước có khoảng 500 ngàn ha, Đắk Lắk là 190 ngàn ha. Thứ hai là trình độ, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt là chế biến ngày càng phát triển. Thứ ba, thị trường thu mua cà phê khác các năm trước, nay nông dân là chủ nhân quyết định sản phẩm của mình, bán lúc nào, giá thế nào, còn trước kia nông dân thụ động. Việc tạm trữ cà phê trước đây do doanh nghiệp quyết định, nay do nông hộ quyết định, sự phối hợp giữa nông dân với nhau, với các doanh nghiệp cũng rõ nét hơn. Các doanh nghiệp nay giao cà phê thời gian ngắn hơn ít rủi ro. Sự cạnh tranh lành mạnh hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước gần đây cũng khiến các doanh nghiệp trong nước phải tính toán lại, nâng sức cạnh tranh. Thứ tư, mối liên kết giữa 4 nhà ngày càng chặt chẽ, từ đó bắt đầu xuất hiện cánh đồng mẫu lớn với cà phê.

BTV: Có thể thấy rằng năm 2012 là năm xuất khẩu cà phê thành công của Việt Nam. Thưa ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, đâu là lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu của cà phê Việt Nam?

Ông Nguyễn Viết Vinh: Lợi thế của ngành cà phê ngoài yếu tố về đất đai, khí hậu, năng suất, có thể nói là cao nhất trong khu vực thì người nông dân của chúng ta rất cần cù, chịu khó, có kinh nghiệm trồng cà phê trên đất đỏ bazan. Ngoài những yếu tố thuận lợi như vậy, lợi thế so sánh của cà phê Việt Nam có chất lượng cao,  cà phê Robusta của chúng ta tạo được hương vị rất tự nhiên, chính đó cũng là lợi thế của cà phê Việt Nam.

Về giá cả, dù chúng ta bán giá thấp hơn một số nước nhưng trong 3 năm nay có sự ổn định, tạo vị thế thị trường cho các nhà rang xay, nhập khẩu.

Thứ ba, nhu cầu cà phê, theo dự báo hiện nay, đối với cà phê Robusta, dùng pha trộn và chế biến cà phê hoà tan nếu so với tỷ lệ cà phê Arabica thì trước đây là 30% - 70%, nay là 40%-60%. Đây cũng là thuận lợi cho ngành cà phê Việt Nam tiếp tục phát triển.

BTV: Thưa ông Trương Hồng, chất lượng cà phê Việt Nam đã có sự chuyển biến như thế nào?

Ông Trương Hồng: Có thể nói rằng, trong vài năm trở lại đây, chất lượng cà phê Việt Nam gần đây đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, nếu chúng ta quản lý tốt hơn, nỗ lực của doanh nghiệp và hiệp hội, đặc biệt là liên kết bốn nhà thì chất lượng cà phê sẽ tốt hơn.

Trong thời gian tới, để cà phê Việt Nam phát triển bền vững thì vấn đề là chúng ta làm thế nào để nâng cao chất lượng cà phê. Muốn vậy, ngay từ bây giờ với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị để giúp bà con nông dân về chuyển giao kỹ thuật, giống, phân bón, nước tưới, đặc biệt là vấn đề thu mua theo chất lượng sản phẩm để khuyến khích người dân làm tốt hơn.

BTV: Bên cạnh những yếu tố về giá cả thì phải kể đến việc các doanh nghiệp trong ngành cà phê không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Thưa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Cty Cổ phần Trung Nguyên, những nỗ lực này từ phía các doanh nghiệp theo ông đã ghi dấu ấn như thế nào cho thành công chung của ngành cà phê Việt Nam trong năm 2012 vừa qua ?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chúng tôi tự đặt cho mình 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, cùng các nhà quản lý của tỉnh, Hiệp hội và lãnh đạo Trung ương đề xuất chiến lược cà phê quốc gia. Những thành tựu của ngành cà phê là đáng ghi nhận, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế nếu tư duy lại, định vị lại vị trí của ngành cà phê VN. Trong chiến lược này, thứ nhất, kêu gọi sự quyết tâm của chính chúng ta, có muốn làm, có hoài bão với ngành cà phê hay không. Thứ hai, vấn đề “tam nông cà phê” phải được xác lập, xem xét cẩn trọng, Về nông nghiệp cà phê, cần tăng đầu tư, tăng chất lượng, sản lượng và trị giá, dù hiện nay năng suất cao nhất thế giới nhưng còn có thể cao hơn nữa. Về nông dân trồng cà phê, chúng ta phải xử lý thế nào để họ gia tăng thu nhập. Về nông thôn cà phê, phải làm sao để thịnh vượng hơn, để có bản sắc riêng, lối sống riêng.

 

Ông Trương Hồng - Ảnh VGP/Minh Hùng

Thứ hai, phát triển chiến lược ngành cà phê quốc gia, ví dụ như người Malaysia có một chiến lược hẳn hoi với cây cọ dầu, cả với những vấn đề liên quan cây cọ dầu.

Thứ ba, quy hoạch lại công tác giao thương, tạo sự công bằng, tránh sự thao túng của các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ tư, phải xây dựng doanh nghiệp hạt nhân để vươn ra toàn cầu.

Chúng ta có thể xem xét thêm vấn đề tiến tới một quốc gia cà phê. Lãnh đạo tỉnh rất ưu tư vấn đề này, rất mong Chính phủ lắng nghe.

Với doanh nghiệp, nhiệm vụ chính yếu là vươn ra thế giới như thế nào, chúng tôi sẽ cố gắng toàn cầu hóa thương hiệu của mình.

Nếu sống trên một bệ phóng là chiến lược phát triển cà phê quốc gia như vậy, doanh nghiệp cà phê Việt Nam sẽ tạo ra giá trị và hình ảnh lớn hơn.

BTV: Cũng theo thống kê trong năm 2012, cà phê Việt Nam chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch toàn cầu, nhưng giá trị kim ngạch mới chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị thương mại 35 tỷ USD của cà phê thế giới. Thưa ông Nguyễn Viết Vinh, vì sao có sự chênh lệch về khối lượng và giá trị như vậy ?

Ông Nguyễn Viết Vinh: Nếu nói về góc độ thương mại thuần tuý thì chỉ chênh lệch giữa khối lượng cà phê giao dịch và giá trị cà phê Việt Nam chỉ khoảng 3% và nếu chúng ta đẩy mạnh việc nâng giá trị cà phê thông qua chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất, và chế biến sâu thì chắc chắc tỷ lệ sẽ khác.

Tôi nghĩ quan trọng là chuỗi giá trị gia tăng với hai công đoạn từ sản xuất, thu mua, bảo quản và công đoạn chế biến sâu với đặc thù của cà phê Việt Nam chủ yếu Robusta để pha trộn và là cà phê hoà tan. Nói vậy chúng ta phải có thị trường, nhiều người chỉ nói về thị trường ngoài nước nhưng theo tôi thị trường trong nước cũng rất quan trọng, nhất là khi giới trẻ hiện nay có xu hướng sử dụng loại đồ uống này ngày một nhiều. Vì vậy, nếu chúng ta tăng được thị phần tiêu thụ cà phê trong nước này thì giá trị của ngành cà phê Việt Nam sẽ tăng lên.

BTV: Về nội địa, chủ trương phát triển cà phê bền vững của Đắk Lắk như thế nào?

Ông Y Dhăm Ênuôl: Cà phê có vai trò quan trọng tới Đắk Lắk, đóng góp 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, thậm chí nếu cà phê mất mùa ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh quốc phòng.

 

Ông Nguyễn Viết Vinh
- Ảnh VGP/Minh Hùng

Do vậy, năm 2005, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về phát triển cà phê bền vững, tiếp đó, HĐND, UBND đã cụ thể hóa chủ trương này. Tỉnh đã thành lập tổ chuyên viên theo dõi, giúp việc cho lãnh đạo tỉnh về phát triển cà phê bền vững.

Mục tiêu đến năm 2015, Đắk Lắk phát triển 140 – 150 nghìn ha cà phê. Nhưng hiện nay, diện tích cà phê của Đắk Lắk đã lên tới 200 nghìn ha, như vậy là không bền vững.

Hiện Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển cà phê bền vững ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, để phát triển cà phê bền vững rất cần các khoản đầu tư lớn. Trong khi đó, Đắk Lắk chưa cân đối được thu chi nên rất cần hỗ trợ của Bộ, ngành để phát triển cà phê bền vững.

Như ông Vũ đã nói là trước tiên chúng ta cần có tầm nhìn, chiến lược quốc gia về phát triển cà phê bền vững. Đắk Lắk có chủ trương xã hội hóa trong phát triển cà phê bền vững với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, để đạt mục tiêu vào năm 2015.

Điều này rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Tỉnh Đắk Lắk quyết tâm đi vào phát triển cà phê bền vững với diện tích 140 -150 nghìn ha, để đảm bảo sản lượng và chất lượng. Số diện tích còn lại sẽ có cách xử lý phù hợp. Hiện chi phí sản xuất cà phê đang gia tăng, đặc biệt ở các vùng không phù hợp cho cây cà phê. Do đó, người dân sẽ phải điều chỉnh và chuyển đổi canh tác.

BTV: Một khán giả hỏi Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk: Mặc dù tỉnh đã có quy hoạch cà phê tới 2015 nhưng nhiều nơi người dân vẫn ồ ạt trồng, dẫn đến thiếu nguồn nước?

Ông Y Dhăm Ênuôl: Chúng tôi đã lường trước vấn đề này, vì theo quy luật, giá trị là yếu tố quyết định, nếu giá cà phê cao thì chắc chắn người dân sẽ tiếp tục phát triển cà phê ào ạt. Hiện tại Đắk Lắk, diện tích cà phê của các công ty nhà nước chỉ chiếm 15 -17%, còn lại phụ thuộc vào nông hộ, cây nào giá trị là họ trồng, nên dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá. Tỉnh quy hoạch diện tích 140 đến 150 nghìn ha, bảo đảm nguồn nước, sản lượng, chất lượng. Chúng tôi khuyến cáo nông dân tính toán kỹ vì suất đầu tư cho cây cà phê rất lớn. Khán giả nói việc phát triển cà phê gây thiếu nước, nhưng đây cũng là vấn đề diễn biến khí hậu toàn cầu, trong khi cà phê yêu cầu nguồn nước tưới rất lớn, một gốc cây cần ít nhất 200 lít một đợt tưới. Đắk Lắk kiên quyết giữ diện tích 140 đến 150 ngàn ha, để chất lượng cà phê bền vững.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi xin bổ sung. Thứ nhất, nhu cầu cà phê hiện nay theo các dự báo của Đức, Mỹ nói sẽ có khủng hoảng nguồn cung, tính bình quân, mỗi người ở các nước phát triển đang dùng tới 5kg cà phê một năm. Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên khống chế diện tích cà phê ở 500 ngàn ha hay không.

Thứ hai, việc canh tác tiểu thủ công cần nguồn nước khổng lồ, nếu sử dụng công nghệ mới, như công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, thì rất tiết kiệm nước, đây là điều vô cùng quan trọng để kiểm soát nguồn nước. Chúng tôi đang thử nghiệm và nếu hiệu quả thì có thể nhân rộng.

Thứ ba, thị trường cà phê thế giới trị giá trên 100 tỷ USD, chúng ta mới có 3%, còn 97% là do một số ông lớn thao túng. Đây là vấn đề cần xem xét.

 

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
- Ảnh VGP/Minh Hùng

BTV: Có thể thấy rõ rằng thách thức ở mục tiêu giữ ổn định diện tích cà phê không chỉ là vấn đề của riêng tỉnh Đắk Lắk.  Thưa ông Trương Hồng, việc mở rộng diện tích trồng cà phê như hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng, sản lượng cà phê và cả môi trường sống, và ông có khuyến cáo gì để người dân có thể chuyển đổi trong việc trồng cà phê ở những khu vực không phù hợp?

Ông Trương Hồng: Theo quy hoạch mới nhất của Bộ NNPTNT (ban hành năm 2012), diện tích cà phê Việt Nam đến năm 2020 giữ mức 500.000 ha, năm 2030 là 479.000 ha. Trong khi đó, sản xuất cà phê ở nước ta chủ yếu là quy mô nông hộ, bị chi phối yếu tố giá trị, giá càng tăng bà con trồng càng nhiều. Theo khảo sát của chúng tôi, năm 2012 diện tích cà phê của cả nước là 614.000 ha, tăng 20% so với quy hoạch, những diện tích tăng chủ yếu ở Tây Nguyên. Điều tra của chúng tôi với diện tích cà phê hiện nay, đa phần rơi vào điều kiện đất đai, nguồn nước không phù hợp, yếu tố đầu vào cao hơn, hiệu quả thu nhập hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển ngành cà phê bền vững.

Để hướng người nông dân trồng cà phê đạt hiệu quả cao thì phải có sự tham gia của nhà nước trong vấn đề quy hoạch. Theo tôi nghĩ, diện tích cà phê 500.000 ha là đủ, vấn đề là áp dụng công nghệ cao, để nâng cao năng suất, hiện năng suất cà phê trung bình của cả nước là 2,2 tấn/ha có thể nâng lên 3 tấn/ha. Thứ hai phải quản lý tốt quy hoạch, trong đó chúng ta cần làm rõ để người dân có thể nắm được trong điều kiện nào, với điều kiện đất đai, nguồn nước ra sao thì có thể trồng cà phê, còn không thì không nên trồng. Về lâu dài Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên sẽ áp dụng những kỹ thuật mới canh tác mới hơn, nghiên cứu thêm các giống chịu hạn, kỹ thuật mới nâng cao năng suất cà phê.

Đối với cây cà phê rõ ràng chúng ta phải quy hoạch nhiều vấn đề, trong đó có quy hoạch, giống, nguồn nước.

BTV: Một vấn đề lớn đối với cà phê Việt Nam hiện nay là diện tích già cỗi đang tăng, đặt ra sự cần thiết tái canh để đảm bảo sự phát triển bền vững?

Ông Trương Hồng: Đây là thực tế mà ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt, cần tái canh. Tuy nhiên để tái canh thành công, chúng ta không thể nóng vội.

Thời gian qua, chúng ta phát triển cà phê theo phương thức thâm canh cao độ để gia tăng sản lượng nên hậu quả là làm giảm chu kỳ của cây cà phê, làm tăng các loại vi sinh vật có hại, làm giảm chất lượng đất.

Do vậy, chúng ta cần phải luân canh để cải thiện môi trường trước khi tái canh. Nếu nóng vội tái canh sẽ thất bại, đặc biệt là cần tuân thủ quy trình tái canh của Bộ NN&PTNT.

Độc giả ở Đắk Nông hỏi: Gia đình tôi có 3ha cà phê từ năm 1990, tôi muốn tái canh, vậy nên tiến hành như thế nào?

Ông Trương Hồng: Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, trước khi tái canh, bà con nên lấy mẫu đất gửi tới Viện phân tích để xem xét mật độ tuyến trùng trong đất, từ đó quyết định thời gian luân canh cây trồng khác, tối thiểu phải luân canh 1 năm cây họ đậu cải tạo đất trước khi đưa vào tái canh cây cà phê. Đối với những vùng đất có mật độ tuyến trùng cao phải luân canh từ 3 đến 4 năm, sau đó mới tái canh cây cà phê. Chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tái canh, từ chọn giống, bón phân, tưới nước…

Người dân có thể liên hệ trực tiếp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tại số 53 đường Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Mê Thuột để được tư vấn.

BTV:  Một bạn đọc hỏi là thời gian qua doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Tây nguyên gặp nhiều khó khăn do lãi suất cao, sự cạnh tranh của doanh nghiệp FDI, vậy Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam có biện pháp gì để bảo vệ cho doanh nghiệp thành viên?

Ông Nguyễn Viết Vinh: Tổng kết niên vụ 2011-2012 thì tỷ lệ về tổng lượng cà phê xuất khẩu giữa doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp trong nước, cho đến 3 tháng đầu niên vụ này, nếu trước đây là 70-30 thì hiện 50-50, do cách thức mua bán đã thay đổi. Theo tôi, doanh nghiệp FDI cũng là doanh nghiệp tham gia đóng góp quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu, hiện Hiệp hội đề xuất các doanh nghiệp trong nước có thể cùng phối hợp với doanh nghiệp FDI thông qua liên kết qua chuỗi giá trị, tôi cho đây là bước chuyển mới trong hợp tác doanh nghiệp, ổn định vấn đề thu mua cho người dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp mạnh như Trung Nguyên, Vinacafe thậm chí các doanh nghiệp tư nhân.

Theo kinh nghiệm của một số nước như Indonesia họ có rất nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác với nhau về tài chính, trao đổi thông tin, nắm tình hình thị trường, điều tiết thị trường… Hiện ở Việt Nam, doanh nghiệp tham gia ngành hàng cà phê cũng rất đa dạng, có nhiều loại doanh nghiệp  vừa sản xuất, chế biến, xuất khẩu hoặc chỉ tập trung vào 1 khâu, vì vậy cần phải có sự hợp tác để tăng chuỗi giá trị cho cà phê. Và tôi cho rằng mô hình của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đối với gạo là rất đáng chú ý, liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp phát triển ở mức cao hơn thông qua liên doanh liên kết và thông qua đó tăng chuỗi giá trị.

Ông Y Dhăm Ênuôl: Những năm gần đây rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đứng chân ở địa bàn Đắk Lắk và khi gặp mặt doanh nghiệp thì rất nhiều nhà doanh nghiệp nước ngoài muốn chia sẻ với ý kiến của vị khán giả. Chúng ta có thể khẳng định 90% doanh nghiệp ngành hàng cà phê là nhỏ và vừa, hoàn toàn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, với mức lãi suất hiện khoảng 11 - 12%, doanh nghiệp nước ngoài chỉ 3%.

Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nên chăng chúng ta đã có chính sách mua tạm trữ cà phê lâu dài như đối với gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long được không. Mấu chốt của vấn đề làm làm sao có cơ chế thích đáng đối với cây cà phê để giúp doanh nghiệp chúng ta trụ vững, phát triển, nếu không một lúc nào đó doanh nghiệp FDI sẽ chiếm thị phần toàn bộ.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đứng dưới góc độ chiến lược nếu doanh nghiệp của chúng ta chỉ ở quy mô  nhỏ và vừa mà “đánh” với những doanh nghiệp đa quốc gia, hùng mạnh, với đầu vào tài chính như vậy, thì làm sao chúng ta thắng được nếu chúng ta không thiết kế được cuộc chơi của mình (đương nhiên chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định của WTO) những có rất nhiều đoạn chúng ta làm được.  Trong cuộc chơi của cà phê Việt Nam không  thể không có những doanh nghiệp nước ngoài nhưng nếu chúng ta không hợp tác mà dần dần để họ kiểm soát được thì từ phần gốc đến phần ngọn thì trong tương lai họ sẽ kiểm soát  toàn bộ cuộc chơi. Vì vậy, vấn đề là chúng ta thiết kế chơi trong đoạn nào, ở đâu, và với một ngành cà phê mang lại nhiều tỷ USD thì người Việt mình, doanh nghiệp Việt được hưởng lợi bao nhiêu.

BTV: Để tạo động lực cho phát triển cà phê bền vững cần có mô hình mẫu, vậy vấn đề này đã được Trung Nguyên triển khai như thế nào?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chúng tôi đã lựa chọn vùng cà phê 5.000 ha hiện đang do Vinacafe quản lý để làm mô hình mẫu cho phát triển cà phê bền vững, áp dụng công nghệ của Israel. Với mô hình phát triển này, chi phí sản xuất sẽ giảm, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá thu mua sản phẩm sẽ cao hơn, đồng thời tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Việc phát triển mô hình mẫu nói trên hiện đang vướng thủ tục pháp lý. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã vào làm việc tại địa phương để xử lý vướng mắc này.

Ngoài ra, hiện chúng tôi đang liên kết với nông dân phát triển hàng nghìn ha cà phê theo chứng chỉ Utz. Thay đổi cách thức phát triển cà phê theo hướng bền vững cần có mô hình mẫu để xoay chuyển tình hình.

Một vị khán giả ở Đà Nẵng hỏi: Với doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không đàng hoàng, cần xử lý thế nào?

Một khán giả ở Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk hỏi: Giá và sản lượng cà phê còn thấp, Nhà nước hỗ trợ nông dân thế nào?

Ông Y Dhăm Ênuôl: Trong năm 2012, tỉnh đã rất quan tâm tới vấn đề mà bạn đọc gọi là doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, như tranh mua, tranh bán, trốn thuế, hay cạnh tranh không lành mạnh…, tỉnh đã chỉ đạo xuyên suốt các cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, trước tình trạng này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tự nhìn lại mình, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp khác để vượt qua khó khăn.

Còn về trồng cà phê, quan điểm 10 năm nay của tỉnh là không khuyến khích mở rộng diện tích. Với diện tích cà phê già cỗi thì phải tái canh, nhiều người dân gặp khó về vốn, chúng tôi triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

BTV: Khán giả Lê Văn Cánh, Xã Phú Xuân, huyện Kroong Năng, Đăk Lăk hỏi gần đây Đăk Lăk có chương trình bảo hiểm hạn hán cho người trồng cà phê, tuy nhiên, mức phí bảo hiểm còn cao, diện áp dụng chưa rộng  cả nên người dân chưa tham gia được, vậy tỉnh có chính sách nào hỗ trợ cho người dân?

Ông Y Dhăm Ênuôl: Hiện tỉnh Đăk Lăk chưa có chủ trương này, chắc hộ dân có liên kết với một tổ chức khác để mua bảo hiểm rủi ro hạn hán cho cà phê. Về phía nhà nước chúng tôi đã có kiến nghị nên chăng có quỹ này, ở cấp địa phương, hiệp hội, khi đó, người trồng cà phê gặp bất kỳ gặp rủi ro đều được hỗ trợ khắc phục rủi ro để họ tiếp tục đứng vững và phát triển cà phê

Ông Nguyễn Viết Vinh: Hiệp hội đã đề xuất với Chính phủ để đưa ngành hàng cà phê vào quỹ bảo hiểm như lúa gạo. Nhưng quan trọng hơn là đề xuất của Hiệp hội về quỹ phát triển ngành hàng cà phê để thay thế cho quỹ bảo hiểm xuất khẩu cà phê, vốn chủ yếu là bù lỗ cho các doanh nghiệp chứ không hỗ trợ phát triển ngành hàng cà phê. Hiệp hội đã chuyển đề án, tờ trình lên Bộ NNPTNT, theo đó quỹ này không chỉ có bảo hiểm xuất khẩu cà phê mà gắn với cả sản xuất, tỷ lệ 40 - 50% trong quỹ phục vụ cung cấp giống cho tái canh, hiện rất cấp bách hiện là 30% (diện tích cà phê cần tái canh) nhưng nếu không xử lý sẽ lên đến 40 - 50%, sẽ ảnh hưởng sản lượng rất lớn. Tiếp đó là nâng cao chất lượng cà phê. Thứ ba là phục vụ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, hợp tác thị trường.

Nguồn vốn cho quỹ là một phần hỗ trợ từ Chính phủ, một phần doanh nghiệp, một phần từ địa phương, và quan trọng nhất là phải là từ những doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Brazil niên vụ vừa qua đã sử dụng tới 8 tỷ USD từ quỹ này để tạm trữ cà phê. Còn tại Việt Nam, theo dự báo sản lượng của chúng ta có thể lên đến 2 triệu bao thì rất thiết thực nếu đưa ngành cà phê vào quỹ bảo hiểm sản xuất, còn quỹ bảo hiểm của ngành hàng cà phê phục vụ chủ yếu cho nội dung tôi vừa nêu.

BTV: Thưa quý vị, qua trao đổi với các vị khách mời, chúng ta thấy rằng để phát triển cà phê bền vững thì việc sắp xếp, tổ chức lại quy trình sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà nước là thật sự cấp thiết. Một khi có sự liên kết chặt chẽ thì bài toán về sự phát triển bền vững cà phê mới thực sự được giải quyết. Chương trình Tọa đàm: “Hướng đến phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam” xin kết thúc tại đây. Cảm ơn sự tham gia của các vị khác mời. Cảm ơn sự theo dõi của quý độc giả.

Cổng TTĐT Chính phủ

.
.
.
.