.
.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế cổ phần hoá DNNN và hoạt động của SCIC

Thứ Năm, 23/08/2012|22:14

Đó là nội dung đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách về thực hiện Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (CPHDNNN) và chức năng nhiệm vụ cơ chế hoạt động nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ thể chế đối với Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) .

SCIC
SCIC

 

Theo đánh giá của Cục Tài chính Doanh nghiệp tại buổi Toạ đàm do Cục  tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng mới đây, Việt Nam đã tiến hành sắp xếp đổi mới hoạt động của DNNN từ hơn hai mươi năm qua. Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN Chính phủ đã nghiên cứu hoàn thiện các chính sách  thực hiện CPH DNNN. Gần đây nhất về chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, chính sách xử lý nợ và lao động dôi dư v.v.. Trong đó, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP nhằm cung cấp các hướng dẫn đối với việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Qua một năm thực hiện Nghị định 59, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Quyết định 929/NQ-CP phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các Tập đoàn, TCT,  đây là thời điểm thích hợp để đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 59/2011/NĐ-CP thời gian qua, trao đổi các khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của các DNNN.

Đồng thời, Chính phủ đã thành lập SCIC và ban hành các quy định về chuyển giao, tiếp nhận và thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn ở các công ty cổ phần, TNHH được chuyển đổi từ các DNNN thuộc các Bộ, UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Với vai trò quan trọng của SCIC, việc này là rất cần thiết; Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định và rất cần thiết thu thập các ý kiến tham gia để xây dựng Thông tư hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ thể chế đối với SCIC .

Tính đến nay, báo cáo tổng hợp đã có 3.952 doanh nghiệp doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá; trong đó có 58% số doanh nghiệp thuộc địa phương, 30% doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành và 12% tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty 91, với tổng số vốn nhà nước vốn nhà nước đánh giá lại lên tới 161 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được duyệt của các doanh nghiệp cổ phần hoá vào khoảng 189 nghìn tỷ đồng, trong đó: vốn nhà nước chiếm 69%; người lao động chiếm 10%; còn lại là các nhà đầu tư khác chiếm 21%. Hầu hết DNNN sau khi cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả hơn với các chỉ tiêu về tài chính, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, vốn điều lệ đều tăng trưởng. Qua tổng hợp số liệu của 2.442 doanh nghiệp có thời gian hoạt động sau cổ phần hóa từ 01 năm trở lên cho thấy: doanh thu bình quân tăng 1,9 lần; lợi nhuận bình quân tăng 3,2 lần; nộp ngân sách nhà nước bình quân tăng 2,5 lần; vốn điều lệ tăng 1,56 lần so với thời điểm đăng ký kinh doanh lần đầu.

Tính đến tháng 6/2012, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 940 DN với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 7.527 tỷ đồng; trong đó có 29 công ty TNHH một thành viên và 911 công ty cổ phần. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ công ích trên địa bàn, SCIC đã thực hiện chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của 26 doanh nghiệp đã tiếp nhận với số vốn nhà nước là 1.092 tỷ đồng.

Cũng theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, cơ chế cổ phần hoá và hoạt động của SCIC được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011-2015. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP với những nội dung đổi mới cơ bản, khắc phục những bất cập trong công tác cổ phần hoá như: (i) mở rộng phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tham gia tái cơ cấu lại doanh nghiệp (đã điều chỉnh mở rộng thêm cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước cuộc đấu giá công khai, giá bán là giá thoả thuận hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau không thấp hơn giá khởi điểm; trường hợp bán cho các nhà đầu tư chiến lược sau khi bán đấu giá công khai ra công chúng đã điều chỉnh giá bán là giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai); (ii) hướng dẫn cụ thể việc xác định giá đất trong giá trị doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai (đối với diện tích đất doanh nghiệp được giao tiếp tục sử dụng phù hợp với quy hoạch của địa phương thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp với giá đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; đối với diện tích đất doanh nghiệp được thuê tiếp tục sử dụng phải trả tiền thuê đất theo quy định của chính sách phát luật về đất đai. Không tính tiền thuê đất và giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp); (iii) bổ sung chế độ ưu đãi cho người lao động, để tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và doanh nghiệp, đồng thời có chính sách thu hút được lao động giỏi gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (ngoài chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động hiện hành người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất là 03 năm sẽ được mua thêm cổ phần ưu đãi với mức 200 cổ phần/01 năm cam kết làm việc tiếp hoặc 500cổ phần/01 năm cam kết làm việc tiếp đối với các chuyên giao, lao động giỏi, giá bán là giá đấu thành công thấp nhất hoặc bằng giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược; (iv) bổ sung một số quy định tăng cường giám sát, chống thất thoát vốn và tài sản nhà nước (áp dụng kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán lại kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp đối với 04 nhóm đối tượng: Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù và các doanh nghiệp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; quy định rõ các tài sản không được phép loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp; quy định yêu cầu đối chiếu toàn bộ công nợ tại thời điểm định giá).

Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC với những nội dung đổi mới cơ bản về đối tượng tiếp nhận, công tác tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp sau tiếp nhận, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu của SCIC tại các doanh nghiệp tiếp nhận, cơ chế bán vốn đặc thù đối với các doanh nghiệp đã tiếp nhận, cơ chế tài chính khác so với các TĐ, TCT khác...

Theo Bộ Tài chính, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015”, với nhiệm vụ tổ chức thực hiện các phương án sắp xếp đã được Thủ tướng phê duyệt trong giai đoạn 2011-2015 (với 1.309 DN 100% vốn nhà nước sẽ phải cổ phần hoá 573 DN, trong đó: các công ty mẹ của 01 tập đoàn, 05 tổng công ty 91, 51 tổng công ty 90, 01 ngân hàng thương mại, 187 công ty con, 89 doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ và 239 doanh nghiệp độc lập thuộc địa phương), riêng năm 2012 theo báo cáo sẽ phải cổ phần hoá 93 doanh nghiệp, trong bối cảnh chịu tác động từ việc nền kinh tế thế giới chậm phục hồi ảnh hưởng đến thị trường tài chính và thị trường chứng khoán trong nước đòi hỏi cần tiếp tục phải nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế cổ phần hoá và vai trò của SCIC trong quá trình tiếp nhận, tái cơ cấu DNNN cho phù hợp. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện các cơ chế chính sách về Cổ phần hoá  và cơ chế hoạt động nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ thể chế đối với SCIC trong thời gian tới.

Theo http://www.mof.gov.vn

.
.
.
.