.
.

Phụ nữ trong trong lĩnh vực tài chính: Hành trình 40 năm

Chủ Nhật, 10/03/2013|17:54

Nhà nhân loại học Melissa Fisher đã trải qua hơn 1 thập kỷ thu thập ký ức của những người phụ nữ đầu tiên thâm nhập vào làng Tài chính.

 Phụ nữ trong trong lĩnh vực tài chính: Hành trình 40 năm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong đề thi đầu vào cho chương trình thực tập tại Merrill Lynch năm 1972 có câu hỏi : “Khi gặp một người phụ nữ, điều bạn quan tâm nhất ở cô ấy là gì? Câu trả lời đúng là sắc đẹp. Câu trả lời là trí thông minh sẽ bị chấm điểm thấp hơn. Hơn nữa, chẳng có câu hỏi bạn quan tâm đến điều gì nhất khi gặp một người đàn ông. 
 
Khi Helen O’Bannon tham gia kỳ thi này và sau đó bị đánh trượt, cô nộp đơn kiện Merrill Lynch phân biệt đối xử nam nữ và giành chiến thắng. Sau đó, O’Bannon trở thành giám đốc tài chính của Đại học Pennsylvania. Tuy nhiên, huyền thoại thực sự về cô là ở trên phố Wall – nơi sau đó đã tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn.  
 
Hơn 40 năm sau, đã có một số lượng nhất định những người phụ nữ quyết đoán và giỏi giang thành công và đạt được những vị trí cao ở phố Wall. Trong cuốn sách “Wall Street Women” (Tạm dịch: Phụ nữ phố Wall), tác giả Melissa Fisher - nhà nhân chủng học đến từ Đại học New York – đã tường thuật lại và phân tích các câu chuyện của những người phụ nữ ấy. 
 
Fisher phỏng vấn những nhân vật làm việc trong ngành Tài chính từ giữa những năm 1990 cho đến những người đã đi qua khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuốn sách khắc họa nên bức tranh thuyết phục về việc người phụ nữ đã đi được bao xa cũng như chặng đường mà họ phải vượt qua phía trước. 
 
Người viết bài này cũng đã phỏng vấn nhiều người phụ nữ đang làm việc trong ngành Tài chính ở London. Hầu hết trong số họ đều dưới 35 tuổi và thậm chí chưa được sinh ra khi những người tham gia vào cuốn sách của Fisher bắt đầu sự nghiệp của họ. Do đó, có thể tạm gọi đây là 2 thế hệ và hãy so sánh xem phụ nữ trong ngành Tài chính đã thay đổi ra sao. 
 
Những nhân viên ngân hàng đầu tư trẻ tuổi của ngày nay đã được săn đón và thiết đãi bởi các ngân hàng và công ty tài chính lớn ngay ngày đầu tiên họ bước chân vào các trường đại học danh tiếng. Trong khi đó, không có ai trong số những nhân vật của Fisher đến từ những ngôi trường này (các trường thuộc Ivy League thậm chí còn không nhận sinh viên nữ cho đến cuối những năm 1960). 
 
Họ cũng không được tuyển dụng từ trường đại học. Những nữ nhân viên ngân hàng và nữ môi giới chứng khoán đầu tiên tìm được việc làm qua thông tin từ bạn bè hoặc quảng cáo trên báo. Khi đã được tuyển, họ theo học các lớp ở trường kinh doanh vào buổi tối và lại gặp gỡ các “chị em” khác. Đây là mạng lưới hỗ trợ khá hiệu quả, giúp họ biết được phải ăn mặc như thế nào khi tham dự 1 cuộc họp hay phải đối phó ra sao với những ông sếp quá hà khắc hoặc coi thường nữ giới. 
 
Cách đây 40 năm, một việc làm trong ngành Tài chính cũng không hào nhoáng, đem lại thu nhập khổng lồ hay gây nhiều tranh cãi như hiện nay. Thay vào đó, các ngân hàng bị coi là nhàm chán – những sinh viên mới tốt nghiệp với tham vọng lớn ưa chuộng giới kinh doanh hơn. 
 
Ngày nay, mức lương khởi điểm vào khoảng 45.000 bảng cộng thêm tiền thưởng của 1 nhân viên ngân hàng đầu tư ở London khiến tài chính mới là ngành hấp dẫn. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là chưa bao giờ ngành Tài chính - ngân hàng lại có hình ảnh xấu như hiện tại.
 
Phân biệt giới tính gần như đã được xóa bỏ trong ngành Tài chính, các ngân hàng và công ty tài chính sợ hãi trước chi phí kiện tụng đắt đỏ và hơn cả là hình ảnh xấu. Tuy nhiên, nữ giới vẫn bị đánh giá thấp hơn ở những vị trí cấp cao. Không có ngân hàng toàn cầu nào có CEO là nữ. Hầu hết những người tham gia trả lời phỏng vấn đều cho rằng họ muốn có nhiều nữ giới hơn ở các vị trí lãnh đạo.  
 
Trong khi đó, Fisher cho rằng cuộc tranh cãi về vị trí cấp cao giành cho nữ giới đang có sự chuyển biến rõ rệt. Trong những năm 1970, phụ nữ được cho là quá nhạy cảm và không nghiêm túc và do đó không phù hợp với những công việc có trách nhiệm cao. Ngày nay, sau khủng hoảng, người ta nhận ra rằng chính nam giới mới là những người tham lam hơn và trở thành nô lệ của rủi ro. 
 

Theo TTVN/Guardian

.
.
.
.