Tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu
Việc gia nhập Liên đoàn Các nhà sản xuất Sợi dệt quốc tế (ITMF) giúp Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có sự kết nối trực tiếp với ngành công nghiệp dệt của nhiều quốc gia trên thế giới; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu…
Việt nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới |
Sáng 5/11, Hội nghị thường niên toàn cầu 2012 của ITFM chính thức khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa của các Hội nghị thường niên của ITMF, đặc biệt là Hội nghị 2012 tổ chức tại Việt Nam với hàng trăm đại biểu thành viên các quốc gia của ngành dệt sợi đối với sự phát triển, định hướng của ngành dệt may Việt Nam.
Nhìn nhận dệt may có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là một trong những lĩnh vực chủ lực trong hoạt động kinh tế đối ngoại, xuất khẩu của Việt Nam, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm yếu, những khó khăn mà ngành dệt may cần nỗ lực khắc phục, nâng cao vai trò và hiệu quả trên thị trường quốc tế. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, thiếu sự đồng bộ từ khâu nguồn nguyên liệu và cũng yếu về kết nối trực tiếp với ngành công nghiệp dệt của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, Hội nghị thường niên của ITMF sẽ là cơ hội tốt để các nhà sản xuất sợi, dệt, vải của Việt Nam tham gia học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, từng bước khắc phục những điểm yếu nói trên, đồng thời tìm kiếm đối tác, giao thương mở rộng thị trường với thế giới.
Kể từ tháng 9/2011, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trở thành thành viên của Liên đoàn các nhà sản xuất Sợi dệt quốc tế (ITMF), có sự kết nối trực tiếp với ngành công nghiệp dệt của nhiều quốc gia trên thế giới; được cập nhật những thông tin mới nhất về ngành sợi dệt trên thế giới; tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu; có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia kinh tế đầu ngành về các xu hướng phát triển trong tương lai. Đồng thời, đây là cơ hội lớn để Vinatex giới thiệu về ngành dệt may Việt Nam với các bạn hàng, đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực mà ngành còn đang gặp khó khăn.
Với chủ đề “Thách thức đối với ngành công nghiệp dệt: Hiện tại và tương lai”, Hội nghị thường niên ITMF 2012 có sự tham dự của gần 250 đại biểu đề cập tới nhiều vấn đề lớn của ngành dệt hiện nay: phương hướng kinh doanh trong tình hình nhiều biến động trên thị trường nguyên vật liệu, khủng hoảng nợ tại nhiều quốc gia phát triển, biến động tiền tệ, bất ổn chính trị ở một số vùng; ngành dệt may Việt Nam trên đường phát triển; chính sách thương mại dệt may Mỹ; sự phát triển của ngành dệt may Trung Quốc; các vấn đề về quản lý chuỗi cung ứng; ngành dệt kỹ thuật và các sản phẩm không dệt; thị trường máy móc dệt may toàn cầu...
Theo Chủ tịch ITMF Bashir H. Ali Mohammad, trong lĩnh vực may mặc, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Lĩnh vực dệt trong thời gian qua cũng đã được quan tâm và đầu tư hơn. Sự đồng thuận tham gia của Vinatex mang ý nghĩa rất lớn đối với ITMF, góp phần giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong ITMF có thể học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam, cùng nhau hợp tác, đầu tư và phát triển.
Bên cạnh các vấn đề lớn được nêu, Hội nghị còn có các hội thảo chuyên đề hướng dẫn, giới thiệu công nghệ xử lý các loại vải đặc biệt, các mô hình hệ thống quản lý nhà xưởng tiên tiến và hệ thống công nghệ thông tin trong giao thương ngành dệt để các doanh nghiệp thành viên tìm hiểu, tiếp cận.
Theo Chinhphu.vn