.
.

Giới thiệu

            Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) - nguyên là Tổng Công ty Dệt May Việt Nam được thành lập ngày 29/04/1995 trên cơ sở các đơn vị quốc doanh dệt may trực thuộc trung ương. Đến nay, Tập đoàn có 118 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Mặc dù chỉ chiếm 9% về lao động nhưng VINATEX đã chiếm 97% sản lương bông hạt, hơn 33% sản lượng sợi, gần 32% sản lượng vải dệt thoi, gần 13% sản lượng hàng may và hơn 18% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

 

       Thông qua đẩy mạnh đầu tư thiết bị công nghệ, duy trì và mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, và đặc biệt là đổi mới mô hình quản lý Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã lớn mạnh trở thành một tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước. Tổng sản lượng sản xuất công nghiệp năm 2009 đạt trên 14.712 tỷ đồng; tổng doanh thu trên 24.710 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Bảo đảm việc làm cho hơn 120 ngàn lao động với mức thu nhập bình quân trên: 2.400.000 đồng/người /tháng.

 

        Trong những năm qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để tổ chức lại sản xuất tại các doanh nghiệp khó khăn để ổn định sản xuất và phát triển. Tính đến 31/12/2008, Tập đoàn đã thực hiện cổ phần hoá 77 đơn vị. Hầu hết các công ty sau cổ phần hoá đều đạt tỷ suất lợi nhuận bình quân trên vốn khoảng 20% và chia cổ tức trên 12%. Tổng lợi nhuận của Tập đoàn liên tục tăng trên 15%/năm từ năm 2006 tới nay.

 

        Tập đoàn và các công ty con của mình là hình mẫu của ngành trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, mối quan hệ lao động hài hòa và chính sách xã hội. Thu nhập bình quân của người lao động trong hệ thống Vinatex cao hơn 20% so với toàn ngành. Các doanh nghiệp đều tổ chức tốt  nhà ăn, các chế độ phúc lợi và vệ sinh an toàn cho người lao động. Một số doanh nghiệp đã xây dựng cư xá kiểu mẫu cho công nhân. Cho đến nay hầu như không xảy ra tranh chấp lao động trái pháp luật tại các doanh nghiệp trong Vinatex

 

        Vinatex thực hiện tích cực việc hỗ trợ  người nghèo, đồng bào bị thiên tai, nuôi dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa và hoạt động xã hội khác ở hầu hết các địa phương trong cả nước với số tiền hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Vinatex đang thực hiện tích cực chương trình hỗ trợ huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang và Chương trình “ Doanh nghiệp dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc ”

 

       Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 240-QĐ/ĐUK ngày 28/8/2007 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Tháng 7/2010 Đảng bộ Tập đoàn đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất ( nhiệm kỳ 2010 – 2015 ) với số lượng thành viên BCH là 21 đồng chí. Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn gồm 7 đồng chí, trong đó đồng chí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Tổng Giám đốc đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy. Để có thể thực hiện tốt các công tác của Đảng, BCH Đảng bộ Tập đoàn đã họp phân công nhiệm vụ từng ủy viên và thành lập 05 ban tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy Tập đoàn. Đảng ủy Tập đoàn cũng đã xây dựng kế hoạch công tác trên tinh thần nghị quyết Đại hội giai đoạn 2010 – 2015, trong đó chú trọng các công tác kiện toàn, xây dựng tổ chức Đảng từ cơ sở đến Đảng bộ Tập đoàn và chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển ngành Dệt May Việt Nam. Đồng thời Đảng ủy Tập đoàn cũng đã hoàn thiện các quy chế phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy với Hội đồng quản trị, cơ quan điều hành cũng như xây dựng các quy chế hoạt động của các ban chức năng tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn.

 

    Hiện nay Đảng bộ có 1140 đảng viên trong đó có 496 đảng viên là nữ. Trong đó đảng viên có trình độ đại học là 665 đồng chí, thạc sỹ là 73 và  tiến sỹ là 09 người.

 Số đảng viên có trình độ lý luận chính trị cao cấp là 81 đồng chí.

   Tổ chức Đảng thuộc các loại hình:

         - Đảng bộ cơ sở: 08

         - Chi bộ cơ sở: 07

         - Đơn vị sự nghiệp: 04

         - Công ty cổ phần: 07

         - Doanh nghiệp Nhà nước: 04

     Ngoài nhiệm vụ lãnh đạo 15 đảng bộ ( chi bộ ) cơ sở trực thuộc, Đảng bộ Tập đoàn còn phối hợp chặt chẽ  với các đảng bộ địa phương để làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị, tư tưởng trong phạm vi toàn Tập đoàn với tổng số gần 9000 đảng viên gồm:

                - 16 đơn vị đang sinh hoạt tại Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội,

                - 21 đơn vị đang sinh hoạt tại Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Công nghiệp TW tại thành phố Hồ Chí Minh,

          - 35 đơn vị đang sinh hoạt tại Đảng bộ Khối doanh nghiệp các tỉnh, thành nơi doanh nghiệp có trụ sở hoạt động. 

 

      Với những thành tựu đã đạt được, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có 6 đơn vị thành viên và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 6 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và hàng trăm huân chương các loại cho tập thể và cá nhân. Riêng Công ty mẹ Tập đoàn nhiều năm liền được tặng cờ thi đua Chính phủ; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2000, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010. Đảng bộ Tập đoàn được Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TW tặng Cờ thi đua xuất sắc các năm 2008, 2009 và 2010. Công đoàn Dệt May Việt Nam được tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2005.

 

       Trong những năm tiếp theo, Tập đoàn phấn đấu thực hiện triển khai thực hiện theo Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 10/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ mục tiêu tăng trưởng của ngành Dệt May giai đoạn 2011- 2020 về sản xuất từ 12%-14%; về xuất khẩu trên 15%. Phấn đấu tới năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 25 tỷ USD. Trong đó Tập đoàn Dệt May Việt Nam đến năm 2020 xuất khẩu khoảng 5 tỷ- 5,5 tỷ USD; tăng công suất phục vụ thị trường nội địa từ 15% hiện nay lên 35%; có những sản phẩm mang thương hiệu của các đơn vị trong Tập đoàn được phân phối trên thị trường thế giới; mở rộng hệ thống phân phối trong nước và sang các nước trong khu vực.

 

          Để đạt được các mục tiêu trên, trong 5 đến 10 năm tới Tập đoàn sẽ tập trung:

1- Phấn đấu trở thành tập đoàn đa sở hữu với ngành kinh doanh cốt lõi là dệt may, và các ngành kinh doanh hỗ trợ là tài chính, hạ tầng khu công nghiệp và hệ thống phân phối bán lẻ; đưa Tập đoàn trở thành công ty đầu tư định hướng trong ngành Dệt May (holding company). Xây dựng hệ thống các tổng công ty mạnh làm nòng cốt cho Tập đoàn như Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, Tổng Công ty Cổ phần Việt Tiến, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hoà Thọ, Tổng Công ty May Nhà Bè - CTCP, Tổng Công ty Viêt Thắng-CTCP, Tổng Công ty Đức Giang - CTCP, Tổng Công ty May 10 - CTCP, và một số tổng công ty mới như Tổng Công ty Tài Chính, Tổng Công ty bán lẻ, Tổng Công ty đầu tư hạ tầng.v.v.

 

2- Hoàn thiện cơ chế hoạt động theo mô hình cổ phần ở các doanh nghiệp sau cổ phần hoá, tổng kết quá trình cổ phần hoá các đơn vị thành viên, tập trung vào phát huy tối đa hiệu quả của mô hình công ty cổ phần. Triển khai cổ phần hoá Công ty mẹ Tập đoàn theo hình thức phát hành thêm vốn nhằm kêu gọi thêm nguồn lực bên ngoài từ các nhà đầu tư chiến lược để Vinatex thực sự trở thành một tập đoàn đa sở hữu, đủ thế và lực hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.

 

3- Triển khai hiệu quả 3 chương trình chiến lược về phát triển cây nguyên liệu, vải dệt thoi phục vụ xuất khẩu và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đảm bảo hoàn thành mục tiêu chủ động trong phát triển ngành Dệt May Việt Nam về công nghệ, nguyên liệu, con người và thời trang hoá ngành Dệt May Việt Nam.

 

4- Tiếp tục quy hoạch các trung tâm dệt may theo hướng ổn định lâu dài, bảo vệ môi trường và gắn kết với nguồn lao động, bao gồm cả việc đầu tư mới và di chuyển các doanh nghiệp đang ở các trung tâm. Tập trung phát triển về chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng.

               

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.
.
.
.
.