.
.

Tập đoàn Sông Ðà 50 năm xây dựng và phát triển: Phấn đấu trở thành tập đoàn tầm cỡ khu vực

Thứ Bảy, 07/01/2012|07:09

Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, 50 năm qua, trải qua bao thăng trầm đổi thay, Tập đoàn Sông Ðà luôn luôn nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Ðà  xưa và nay là Tập đoàn Sông Ðà tự hào đã đóng góp một phần sức lực, trí tuệ cho sự lớn mạnh của Tập đoàn ngày nay và sự phát triển chung của đất nước.

Thi công bê-tông đầm lăn trên Thủy điện Sơn La.
Thi công bê-tông đầm lăn trên Thủy điện Sơn La.

Dấu ấn trên các công trình trọng điểm

Tiền thân là Ban Chỉ huy Công trường thủy điện Thác Bà được thành lập ngày 1-6-1961, sau đổi thành Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà. Từ năm 1975 tham gia xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, được đổi tên thành Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Ðà. Ngày 11-3-2002, theo Quyết định số 285/QÐ-BXD của Bộ trưởng Xây dựng, Tổng công ty Xây dựng Sông Ðà tiếp tục được đổi tên thành Tổng công ty Sông Ðà và ngày 12-1-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 52/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Tổng công ty Sông Ðà làm nòng cốt, với sự tham gia của các Tổng công ty: LILAMA, LICOGI, COMA, Sông Hồng, DIC; đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 53/QÐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Ðà.

Giai đoạn từ khi thành lập (1961) đến năm 1975: Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam. Do vậy, Thủy điện Thác Bà (công suất 110 MW), công trình thủy điện lớn nhất miền bắc khi đó là một trong những công trình điện mở đầu cho công cuộc phát triển điện khí hóa đất nước. Ðây cũng là công trình thủy điện đầu tiên, cánh chim đầu đàn của ngành thủy điện Việt Nam.

Công tác chuẩn bị công trường bắt đầu từ năm 1961 và chính thức khởi công vào năm 1963. Sau ba năm rưỡi thi công, công trình đã phải tạm ngừng vào giữa năm 1966 vì đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền bắc và chuyển sang tư thế vừa xây dựng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ công trình. Sau khi đế quốc Mỹ tạm ngừng ném bom miền bắc, công trường được khôi phục trở lại từ tháng 8-1968 và đến 22-2-1970 đã tiến hành ngăn sông. Sau tám năm xây dựng (không kể hai năm tạm ngừng thi công) dưới sự giúp đỡ về kỹ thuật của các chuyên gia Liên Xô, tổ máy số 1 đã khởi động vào đúng dịp lễ Quốc khánh, ngày 2-9-1971 và tổ máy số 3 khởi động vào ngày sinh nhật Bác 19-5-1972. Thủy điện Thác Bà mãi mãi xứng đáng được lưu danh như một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm của những người thợ xây dựng thủy điện đầu tiên ở Việt Nam.

Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1995: Khi đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội. Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà được Ðảng và Nhà nước tin tưởng giao cho nhiệm vụ rất nặng nề nhưng vô cùng vinh quang, đó là: Chinh phục Sông Ðà, xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông - Nam Á - thủy điện Hòa Bình, công suất 1.920 MW với tám tổ máy. Chính trong thời gian này, tên của dòng sông Ðà đã trở thành tên gọi mới của Công ty: Công ty Xây dựng thủy điện Sông Ðà và năm 1979 được nâng lên thành Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Ðà.

Ngày 2-9-1975, khởi công mở đường Hòa Bình - con đường đầu tiên phục vụ thi công công trình; Ðồng thời tiếp tục được sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất và kỹ thuật, cùng đội ngũ chuyên gia của Liên Xô, ngày 6-11-1979 công trình thủy điện Hòa Bình đã chính thức được khởi công. Sau hơn ba năm thi công xây dựng, ngày 12-1-1983 đã tiến hành ngăn sông đợt 1; Tháng 12-1986 ngăn sông đợt 2; Ngày 30-12-1988 phát điện tổ máy số 1 và ngày 4-4-1994 tổ máy số 8 - tổ máy cuối cùng đi vào vận hành - đây có thể coi là thời điểm kết thúc việc xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tại công trình thế kỷ này, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định công trường được mang tên "Công trường Thanh niên Cộng sản". Ðây thật sự là thời kỳ mà mỗi khoảnh khắc sống đều mang trong nó tính sự kiện và giá trị đạo đức. Không thể kể hết những khó khăn chồng chất cũng như những trở ngại mà tập thể CBCNV Tổng công ty xây dựng thủy điện Sông Ðà đã phải vượt qua để biến giấc mơ từ nghìn đời của cha ông ta thành hiện thực: "Chinh phục dòng sông Ðà". Và cũng tại công trình này, xuất hiện nhiều tấm gương lao động xuất sắc, quả cảm của những người thợ Sông Ðà, tạo nên những anh hùng lao động như: Trần Thọ Chữ, Nguyễn Văn Bình, Lê Thị Ngừng, Nguyễn Hữu Tươi, Ðào Công Chững; đồng thời, đây còn là nơi trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ cấp cao đã và đang đảm nhận trên những cương vị trọng trách của Ðảng và Chính phủ.

Năm 1986, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Ðảng đánh dấu sự thay đổi lớn lao của đất nước khi chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Cũng là lúc, hàng vạn cán bộ và người thợ phải đối mặt trước nguy cơ thiếu việc làm và đã có hơn 7.600 người phải thôi việc, nghỉ theo chế độ 176. Ðây có thể coi là giai đoạn khó khăn, tổn thất về lực lượng của Tổng công ty xây dựng thủy điện Sông Ðà. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Tổng công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó để củng cố, xây dựng lực lượng bước vào một thời kỳ mới, được đánh dấu bằng việc Tổng công ty tiếp tục được Ðảng và Chính phủ giao nhiệm vụ làm Tổng thầu xây dựng Nhà máy thủy điện I-a-ly (720 MW) ở vùng đất Tây Nguyên - là công trình thủy điện lớn thứ 2 của đất nước thời kỳ đó.

Thủy điện I-a-ly không chỉ là vùng đất mới của người thợ Sông Ðà mà còn là nơi ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Tổng công ty, nó đã tạo nên Tổng công ty Xây dựng Sông Ðà với một tầm vóc mới, một tinh thần mới mà người thợ Sông Ðà có quyền tự hào. Song song với việc xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình và I-a-ly, Tổng công ty còn tham gia thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An (400 MW),  Hàm Thuận - Ða My (475 MW); Ðường dây 500 kV Bắc - Nam và các trạm biến áp 500 kV Hòa Bình, Plây Cu, góp phần đưa các công trình trên vào vận hành đúng tiến độ, làm gia tăng sản lượng điện, cũng như kịp thời điều tiết điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2010: Là giai đoạn đất nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, thực hiện mở cửa để hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Năm 1995, Tổng công ty Xây dựng Sông Ðà chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Tổng công ty nhà nước theo Quyết định số 90/TTg của Thủ tướng Chính phủ và tháng 12-2005, Tổng công ty được Bộ Xây dựng quyết định chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Từ việc xây dựng Nhà máy thủy điện I-a-ly năm 2001, Tổng công ty tiếp tục được Ðảng, Chính phủ giao cho làm Tổng thầu EPC các công trình thủy điện: Sê San 3 (273 MW), Tuyên Quang (342 MW) và Tổng thầu xây lắp hầu hết dự án thủy điện lớn như: Huội Quảng (520 MW), Bản Vẽ (320 MW), Sê San 4 (360 MW), Sơn La (2.400 MW), Lai Châu (1.200 MW)... Ðặc biệt, tại công trình Thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Ðông - Nam Á, Tổng công ty, sau này là Tập đoàn Sông Ðà đã hoàn thành mục tiêu tiến độ công trình để phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12-2010, sớm hơn hai năm so với tiến độ do Quốc hội phê duyệt. Ðây thật sự là một kỳ tích to lớn của những người thợ Sông Ðà, khẳng định được trình độ quản lý, tổ chức điều hành các dự án thủy điện có quy mô lớn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư Sông Ðà ngang tầm khu vực và quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2010 đến nay: Thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước phát triển các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô và tiềm lực ngang tầm với các tập đoàn kinh tế của các quốc gia trong khu vực và thế giới, nhằm góp phần ổn định, phát triển nền kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước, ngày 12-1-2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/QÐ-TTg về việc phê duyệt Ðề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Tổng công ty Sông Ðà làm nòng cốt, với sự tham gia của các Tổng công ty: LILAMA, DIC, LICOGI, COMA, Sông Hồng và Quyết định số 53 /QÐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Ðà. Ðây được coi là sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Tổng công ty Sông Ðà cùng với tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới của đất nước.

Mở rộng sản xuất kinh doanh, khẳng định vị thế, thương hiệu

Ngoài thi công xây lắp các công trình thủy điện, Tập đoàn Sông Ðà còn mở rộng và phát triển sang lĩnh vực thi công xây dựng các công trình công nghiệp (Xi-măng Bút Sơn, Nghi Sơn... Nhà máy đường Sơn La, Hòa Bình, Vị Thanh,...), giao thông (Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Ðường Hồ Chí Minh, QL 1A,... Tại công trình Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, là công trình hiện đại bậc nhất thế giới và có độ dài bậc nhất Ðông - Nam Á, những người thợ Sông Ðà tiếp tục khẳng định phẩm chất đặc biệt của mình.

Từ đơn vị chuyên về thi công xây lắp, Tập đoàn đã tích lũy kinh nghiệm, làm chủ công nghệ, để vươn lên làm Chủ đầu tư và tự thực hiện (từ công tác tư vấn, đến thi công xây lắp) nhiều dự án trong các lĩnh vực, nhằm mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh (SXKD). Kết quả đạt được là:

Về xây lắp: Tập đoàn đã và đang đảm nhận Tổng thầu xây lắp, Tổng thầu EPC 23 công trình thủy điện lớn, với tổng công suất lắp máy khoảng 10.000 MW, điện lượng trung bình hằng năm khoảng hơn 40 tỷ KW giờ. Tham gia thi công 10 công trình thủy điện khác, với tổng công suất lắp máy khoảng hơn 2.300 MW, điện lượng trung bình hằng năm khoảng hơn 9,4 tỷ KW giờ. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn thi công các công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, nhà cao tầng,... lớn của đất nước, luôn bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

Về sản xuất công nghiệp: Thực hiện chủ trương chuyển dịch mạnh cơ cấu sang sản xuất công nghiệp, nhằm giảm tỷ trọng xây lắp trong Tổng giá trị SXKD, Tập đoàn đã nghiên cứu và đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án để sớm đưa vào vận hành. Do vậy, đến năm 2010 tỷ trọng giá trị SXCN chiếm 32% trong Tổng giá trị SXKD, tăng 25% so với năm 2001 (7%); các sản phẩm công nghiệp của Tập đoàn ngày càng phong phú, đa dạng như: Ðiện thương phẩm, sắt thép xây dựng, xi-măng, vỏ bao, may mặc, phôi thép,... đã và đang góp phần ổn định SXKD của Tập đoàn. Các sản phẩm này đã khẳng định được thương hiệu và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như khu vực.

Chỉ tính riêng kết quả Công ty mẹ Sông Ðà: Tốc độ tăng trưởng giá trị SXKD bình quân trong các năm 2001-2011 là 31%. Năm 2011, Tổng giá trị SXKD đạt 29.000 tỷ đồng, tăng gấp 13,2 lần; Doanh thu đạt 26.630 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần so với năm 2001; Nộp nhà nước 625 tỷ đồng, tăng gấp 13,4 lần; Lợi nhuận trước thuế đạt 206 tỷ đồng, tăng gấp 9,4 lần so với năm 2001.

Sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn trong thời kỳ này, ngoài sự ủng hộ, chỉ đạo và giúp đỡ của Ðảng, Chính phủ, các bộ, ngành (đặc biệt là Bộ Xây dựng) đã minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng bộ Tập đoàn Sông Ðà, còn bởi sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo của thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật, sẵn sàng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc về cơ chế để quyết định kịp thời. Sau khi kiện toàn bộ máy, Tập đoàn đã xác định mục tiêu xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế mạnh ở trong nước và khu vực, có quy mô lớn, hiện đại, đa sở hữu, sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao trên sáu lĩnh vực chính là: Xây dựng và lắp đặt thiết bị; Sản xuất công nghiệp xi-măng - sắt thép; Sản xuất và kinh doanh điện; Chế tạo cơ khí; Khu công nghiệp; Phát triển đô thị - nhà ở và bất động sản. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu trở thành một nhà sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam, nhà chế tạo cơ khí, Tổng thầu xây lắp và tổng thầu EPC mạnh trong khu vực ASEAN, nhà đầu tư đô thị, khu công nghiệp lớn trong nước. Trong đó, Tập đoàn đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015: Tốc độ tăng trưởng giá trị SXKD bình quân hằng năm khoảng 9%; Tổng giá trị SXKD: 85.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,37 lần; Nộp Nhà nước: 2.100 tỷ đồng, tăng gấp 1,31 lần; Lợi nhuận trước thuế: 1.400 tỷ đồng, tăng gấp 2,61 lần so với năm 2011; Tổng vốn chủ sở hữu: 29.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,81 lần; Tổng tài sản: khoảng 117.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2011; Bảo đảm việc làm cho khoảng 95.000 người với thu nhập bình quân tháng 1 CBCNV: 6 triệu đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2011.

Có thể nói, lịch sử phát triển của Tập đoàn Sông Ðà luôn gắn liền với các công trình trọng điểm của đất nước. 50 năm - một chặng đường vinh quang và rất đỗi tự hào của mỗi người con Sông Ðà. Ngày nay, nhắc đến truyền thống vẻ vang của Tập đoàn Sông Ðà phải nói đến các nét truyền thống đặc trưng, đó là: Truyền thống lao động dũng cảm, cần cù, thông minh và sáng tạo; Truyền thống trung thực, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của mọi tập thể và cá nhân trong từng đơn vị và Tập đoàn. Ðây là nguồn gốc cơ bản để tạo nên sức mạnh của Tập đoàn qua nhiều thế hệ; Truyền thống về tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, sự tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, giữa tập thể và cá nhân trong cộng đồng Sông Ðà qua nhiều thế hệ, giữa Tập đoàn Sông Ðà với các đơn vị bạn và nhân dân các địa phương trong cả nước; Truyền thống thi đua yêu nước luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; Truyền thống say mê học tập, nghiên cứu khoa học, không ngừng vươn lên, nâng cao trình độ về mọi mặt, làm chủ mọi công nghệ, thiết bị tiên tiến.

MINH THÀNH (theo Nhân Dân)

 

.
.
.
.