.
.

Giá than bao giờ được cạnh tranh?

Thứ Sáu, 13/07/2012|20:17

Thị trường điện đã chính thức được khởi động phát điện cạnh tranh từ 1/7/2012. Tổng Công ty Điện lực - Vinacomin cũng đã sẵn sàng vào cuộc. Tuy nhiên, thị trường than vẫn chưa thực sự được thị trường hóa có thể sẽ tiếp tục là những mất cân đối trong các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh

Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 29 nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7/2012 với tổng công suất khoảng trên 9.000 MW. Bên bán là các nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên. Trong số 29 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh lần này, phân loại theo công nghệ, có 13 nhà máy thủy điện, 11 nhà máy nhiệt điện đốt than, 5 nhà máy tuabin khí. Ngoài ra, còn có 20 nhà máy điện (19 thủy điện và 1 nhiệt điện) với tổng công suất đặt 4.567MW cũng nằm trong danh sách dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh khi chính thức vận hành thương mại.

Ngay sau khi áp dụng cơ chế này, các doanh nghiệp nước ngoài đã đến tìm hiểu để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cuối tháng 6 vừa qua, một phái đoàn gồm 8 doanh nghiệp Pháp có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu về thị trường điện năng. Các doanh nghiệp Pháp muốn tìm hiểu rõ hơn về các chính sách của Việt Nam, các dự án trọng điểm và cách thức tham gia dự án của các nhà cung cấp, nhà đầu tư nước ngoài. Phát điện cạnh tranh sẽ mở ra một trang mới về lĩnh vực năng lượng theo hướng bình đẳng và phát triển đa dạng hơn, có lợi cho nền kinh tế.

Điện lực Vinacomin sẵn sàng

Tổng Công ty Điện lực - Vinacomin cũng đã sẵn sàng cho lộ trình này. Các nhà máy điện đốt than do Vinacomin đầu tư xây dựng đều có công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn giúp tiết kiệm tối đa nhiên liệu đầu vào. Các nhà máy thủy điện cũng được tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế tại các vùng miền. Các dự án này theo tính toán đều có thể đạt hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay Tổng Công ty Điện lực - Vinacomin đang thực hiện và chuẩn bị đầu tư 34 dự án, trong đó có 10 dự án nhóm A, 4 dự án nhóm B và 20 dự án nhóm C. Tổng Công ty đã chỉ đạo sát sao các Ban quản lý dự án và Nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị thực hiện đầu tư đạt 1.730 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch năm.

Đến nay, tiến độ một số dự án quan trọng cơ bản được đảm bảo như: Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê công suất 440MW đến thời điểm hiện nay, tổ máy số 1 đang tiến hành chạy thử. Theo dự kiến, tổ máy số 1 này sẽ đưa vào vận hành thương mại vào tháng 9/2012. Tổ máy số 2 dự kiến cũng sẽ được đưa vào vận hành thương mại sau đó vài tháng, vượt tiến độ hợp đồng EPC đã ký kết. Dự án Thủy điện Đồng Nai 5 công suất 150MW dự kiến sẽ ngăn sông chặn dòng xây dựng đập chính vào tháng 12/2012. Ngoài ra, các dự án như Nhiệt điện Cẩm Phả 3 công suất 300MW, Nhiệt điện Na Dương mở rộng công suất 110MW, Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 công suất 1200MW đang được tích cực làm thủ tục triển khai. Từ đầu năm đến hết tháng 6/2012, sản lượng điện của Tổng công ty điện lực  Vinacomin đạt gần 3,4 tỷ kWh, bằng 47,4% kế hoạch năm. Doanh thu đạt 2.583 tỷ đồng, bằng 48,3% kế hoạch năm.

Giá than bao giờ được cạnh tranh?

Thị trường phát điện cạnh tranh là một hướng đi đúng đáp ứng sự mong đợi của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường than cũng cần phải sớm được thị trường hóa, đảm bảo sự công bằng. Nếu tính toán tổng thể, hiện nay, ngành Than mà cụ thể là những người thợ mỏ đang phải gánh trên vai nhiệm vụ bao cấp cho nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có cả những doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc bán giá than với quá thấp cho các nhà máy nhiệt điện đốt than. Hiện giá bán than cho các nhà máy điện chỉ bằng khoảng trên 50% giá thành khai thác. Giá thành khai thác 1 tấn than bình quân hiện nay là 1,2 triệu đồng/tấn. Vì vậy, với 13,5 triệu tấn than cung cấp cho các nhà máy điện trong năm 2012 này, theo giá thành, Tập đoàn Vinacomin phải bù lỗ khoảng 8.500 tỷ đồng. Nếu tính theo giá xuất khẩu thì Vinacomin cũng phải bù lỗ cho điện là 900 triệu USD. Chính phủ cho Vinacomin lấy xuất khẩu bù giá trong nước và tích lũy để tái đầu tư. Nhưng tới đây xuất khẩu than giảm, toàn bộ than sẽ chỉ phục vụ nội địa, nếu không điều chỉnh giá bán than, thử hỏi Tập đoàn Vinacomin lấy đâu ra tiền cho hàng loạt các dự án mới và cải tạo mỏ theo quy hoạch của Thủ tướng đã phê duyệt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

HÙNG HẢI

.
.
.
.