.
.

Petrolimex cam kết bảo đảm chất lượng xăng dầu

Thứ Năm, 05/04/2012|07:46

Ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu theo Chỉ thị 07/CT-BCT do Bộ Công Thương ban hành.

Xin ông cho biết, trách nhiệm của Petrolimex đối với hệ thống đại lý trước khi thực hiện Chỉ thị 07/CT-BCT?

- Trước đó, theo quy định tại Thông tư 36/2009/TT-BCT ngày 14/12/2009 về Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương đã quy định 

Ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

“Đại lý bán lẻ chịu trách nhiệm trước pháp luật và bên giao đại lý về số lượng, chất lượng xăng dầu bán ra”, đồng thời cũng yêu cầu khi ký hợp đồng đại lý phải quy định rõ trách nhiệm của các bên đối với chất lượng xăng dầu; chế độ kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu và liên đới chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng xăng dầu bán ra trong hệ thống đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối. Vì vậy, cho đến nay Petrolimex vẫn tuân thủ theo đúng các quy định tại thông tư này mà không có gì thay đổi, cụ thể:

Thứ nhất, tất cả những nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên về quản lý số lượng, chất lượng xăng dầu đều được quy định rất cụ thể và chi tiết thông qua hợp đồng ký với đại lý, trong đó có điều khoản quan trọng cho việc xác định trách nhiệm về chất lượng xăng dầu đó là tổng đại lý, đại lý phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ đã quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu ban hành kèm theo Thông tư 36/2009/TT-BCT về việccam kết chỉ lấy hàng một nguồn duy nhất, của một đầu mối.

Thứ hai, trong công tác giao nhận giữa bên giao đại lý và bên đại lý, mỗi chuyến hàng Petrolimex cung cấp cho tổng đại lý, đại lý (giao trực tiếp, hoặc thông qua các phương tiện vận tải) đều có đơn hóa nghiệm do bên giao đại lý cấp và lấy mẫu của chuyến hàng đó lưu để làm cơ sở xem xét trong trường hợp có khiếu nại về chất lượng xăng dầu.

Thứ ba, thực hiện Nghị định 84, Thông tư 36 và hợp đồng đại lý kinh doanh xăng dầu đã được ký kết; định kỳ hoặc đột xuất, các công ty xăng dầu trực thuộc Petrolimex tiến hành kiểm tra các tổng đại lý, đại lý thuộc hệ thống phân phối của mình về việc thực hiện niêm yết giá bán, chất lượng sản phẩm... tại cửa hàng đại lý đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các công ty xăng dầu Petrolimex còn thiết lập và công bố các đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối của Petrolimex. Căn cứ thông tin phản ánh, Petrolimex sẽ chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra đột xuất đối với đại lý có dấu hiệu vi phạm.

Nếu theo Chỉ thị 07, doanh nghiệp đầu mối sẽ chịu trách nhiệm liên đới đối với hệ thống đại lý của mình, thực hiện chỉ thị này doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn gì? Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Quan điểm của Petrolimex là cam kết chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng sản phẩm do Petrolimex cung cấp theo đúng các chỉ tiêu tại đơn hóa nghiệm và  mẫu sản phẩm đã lưu.

Theo quy định tại Chỉ thị số 07/CT-BTC ngày 21/3/2012 của Bộ Công Thương về việc các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong toàn hệ thống của mình; căn cứ thực tế hoạt động của Petrolimex, chúng tôi thấy rằng:Xăng dầu là mặt hàng lỏng và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện (khác với các mặt hàng có bao bì đóng gói, nguyên đai nguyên kiện), trong khi các đại lý xăng dầu là các doanh nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân, hoạt động kinh doanh bình đẳng trước pháp luật vì vậy các đại lý này phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về chất lượng sản phẩm theo quy định tại Thông tư 36, đồng thời các doanh nghiệp đầu mối cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xăng dầu do các đầu mối giao cho đại lý không đảm bảo đúng các chỉ tiêu sản phẩm đã ghi tại đơn hóa nghiệm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong trường hợp các doanh nghiệp đầu mối phải thực hiện đúng các quy định tại Chỉ thị 07 thì trên thực tế sẽ gặp một số khó khăn:

Thứ nhất, với hệ thống phân phối xăng dầu hiện nay trên toàn quốc có khoảng 13.500 đến 14.000 cửa hàng xăng dầu, trong khi các đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ có khoảng trên 20% cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của mình, còn lại trên 70% các cửa hàng xăng dầu do các tổng đại lý, đại lý nắm giữ và được tổ chức hoạt động kinh doanh trên khắp cả nước. Với đặc điểm mặt hàng kinh doanh và phạm vi hoạt động như vậy, nếu đại lý không tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký, cố tình lấy nguồn hàng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, thậm chí cả hàng trôi nổi hoặc thực hiện một số hành vi gian lận như thông tin truyền thông đã nêu thời gian qua... trong trường hợp này cho dù các doanh nghiệp đầu mối có tăng cường các đợt kiểm tra thì cũng vẫn gặp không ít khó khăn phát sinh.

Thứ hai, trong trường hợp phát hiện vi phạm về chất lượng xăng dầu tại đại lý (nếu có), theo quy định của pháp luật hiện hành thì bên giao đại lý chỉ có quyền cao nhất là không tiếp tục ký hợp đồng với đại lý và báo cáo cơ quan chức năng xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị số 07 của Bộ Công Thương, Petrolimex sẽ cố gắng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm về chất lượng xăng dầu có thể xảy ra trong hệ thống phân phối của Petrolimex, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng về các giải pháp phù hợp để việc quản lý chất lượng xăng dầu nói chung và trong hệ thống phân phối của Petrolimex nói riêng ngày một tốt hơn.

* Để quản lý tốt hệ thống này, theo ông cần phải có những điều kiện gì và Nhà nước phải có những chính sách như thế nào?

- Theo tôi, để hạn chế gian lận về chất lượng xăng dầu như đã xảy ra, trách nhiệm này không chỉ riêng của một tổ chức, cá nhân nào mà là trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có thực hiện đồng bộ như thế, coi đây là trách nhiệm của toàn xã hội thì trong thời gian tới tôi tin rằng các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu sẽ từng bước được ngăn chặn.

Để kiểm soát được hành vi vi phạm về chất lượng xăng dầu, trước tiên chúng ta phải tiếp tục rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi kịp thời, đảm bảo phù hợp với sự thay đổi của thực tế, từ đó tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng và bình đẳng về trách nhiệm và nghĩa vụ của bên giao và bên đại lý, có chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe các hành vi vi phạm, làm cơ sở cho người tiêu dùng thực hiện giám sát để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Bên cạnh đó, một điều cũng hết sức quan trọng đó là phải đảm bảo cho các đại lý có mức thù lao hợp lý trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận để bảo toàn vốn và tái đầu tư doanh nghiệp. Khi làm được việc này, tôi tin rằng các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu (nếu có) sẽ được giảm dần, đại lý sẽ tìm đến các giải pháp gia tăng sản lượng xuất bán để nhận lấy các lợi ích chính đáng thông qua việc tuân thủ các quy định của luật pháp.

Ngoài ra, để quản lý tốt hệ thống đại lý cũng nên cần một quy hoạch mạng lưới với việc phân bổ các cửa hàng xăng dầu khoa học và hợp lý.

Nhiều ý kiến đều cho rằng, phải có thù lao cho các đại lý xứng đáng mới hạn chế gian lận trong kinh doanh xăng dầu, nhưng tại sao hiện nay mức thù lao cho các đại lý vẫn thấp, không đủ bù đắp chi phí?

- Nguyên nhân chính do hiện nay hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn chưa thực hiện một cách đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP. Chúng ta đang thực hiện mục tiêu bình ổn giá để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Vì thế, việc vận hành giá bán chưa bám sát sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Thuế khâu nhập khẩu xăng dầu hiện nay Nhà nước đã điều chỉnh về bằng không (0) đối với tất cả các mặt hàng, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vẫn còn phát sinh lỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp vì vậy tổng đại lý, đại lý cũng phải chia sẻ và chấp nhận mức thù lao ở mức thấp như hiện nay.

Để khắc phục tình trạng này, theo tôi chỉ có hai lựa chọn: Một là, hoạt động kinh doanh xăng dầu được vận hành theo đúng các quy định tại Nghị định 84. Hai là, cơ quan chức năng của Nhà nước xây dựng và quy định mức thù lao hợp lý với từng thời kỳ, từng khu vực đảm bảo đủ bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý cho tổng đại lý, đại lý.

Xin cảm ơn ông!

CôngThương -  Thanh Hương (thực hiện)

.
.
.
.