.
.

Giá gas có thể còn tăng

Thứ Tư, 26/09/2012|22:27

Với xu hướng tăng giá nhiên liệu trong thời gian qua, nhiều ý kiến lo ngại giá các mặt hàng thiết yếu sẽ bị đẩy lên mặt bằng mới.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhiều mặt hàng vẫn ổn định giá trong khi giá gas có thể tiếp tục tăng trong tháng 10 do sức cầu lớn trên thế giới đẩy giá nhập khẩu tăng.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thị trường trong nửa đầu tháng 9 cho thấy, giá cả các mặt hàng thiết yếu giữ ổn định, mặc dù giá đầu vào đã có xu hướng tăng.

Theo đó, giá các mặt hàng thực phẩm, đường, phân bón, xi măng, thép xây dựng thành phẩm đều biến động theo hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Các mặt hàng khí hóa lỏng, rau củ quả, gạo thành phẩm xuất khẩu tại miền Nam biến động tăng so với cùng kỳ tháng trước.

Mặt hàng tăng giá đáng chú ý trong tháng 9 là thức ăn chăn nuôi. Theo đó, giá thức ăn đậm đặc tăng thêm khoảng 400 đồng/kg và thức ăn hỗn hợp tăng khoảng 200 đồng/kg. Như vậy, tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hai lần, mức tăng tổng cộng 800 đồng/kg với thức ăn đậm đặc và trên 300 đồng/kg với thức ăn hỗn hợp.

Theo các công ty sản xuất, giá các loại nguyên liệu như khô dầu đậu nành, dầu mỡ cá... đã tăng mạnh, đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng theo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đều gửi phương án đăng ký tăng giá đến cơ quan này và các phương án tăng giá được giải trình là hợp lý.

Chịu tác động trực tiếp từ giá thức ăn chăn nuôi là các mặt hàng thịt tươi sống. Tuy nhiên, trái với xu hướng giá thức ăn chăn nuôi, một số mặt hàng tươi sống lại có xu hướng giảm giá nhẹ và ổn định. Cụ thể, giá mặt hàng thịt lợn ổn định trong tháng 9, trong khi đó, giá thịt bò tăng nhẹ ở cả hai miền Nam Bắc.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên các loại gia cầm gia súc, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 17/9, cả nước có 7 tỉnh gồm Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Hòa Bình và Tuyên Quang có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, không còn tỉnh nào có ổ dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày. Có 5 tỉnh gồm Đắk Lắk, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn và Cần Thơ có dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày.

Cơ quan này cũng cho biết, tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn đã tác động làm giá thịt lợn hơi và thịt lợn mông sấn tiếp tục ở mức thấp.

Theo Cục Quản lý giá, giá bán lẻ mặt hàng đường đang có xu hướng ổn định ở mức 20.000 - 24.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do hoạt động bán ra từ phía các nhà đầu tư cùng với điều kiện thời tiết đang dần cải thiện tại Ấn Độ và triển vọng về sản lượng đường từ các nước Brazil, Trung Quốc, Australia đã tác động làm giảm giá đường thế giới trong nửa đầu tháng 9.

Đồng thời, Hiệp hội mía đường Thế giới (ISO) cũng cho biết, lượng đường thặng dư toàn cầu sau niên vụ 2012 - 2013 dự báo sẽ đạt mức 5,9 triệu tấn, tăng so với mức thặng dư 5,2 triệu tấn của niên vụ trước. Do đó, giá đường trong nước tiếp tục ổn định từ đầu tháng đến nay.

Trên thị trường gas, theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng trong nước tháng 9/2012 giữ ổn định ở mức khoảng 100.000 tấn như tháng 8. Nguồn cung khí hóa lỏng từ sản xuất trong nước của Nhà máy Dinh Cố và Dung Quất ước khoảng 52.000 - 56.000 tấn theo kế hoạch bình quân tháng, chiếm khoảng 52% nhu cầu. Nguồn nhập khẩu khoảng 48.000 tấn, chiếm khoảng 48% nhu cầu.

Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính dự báo, trong tháng 10 giá khí hóa lỏng thế giới và trong nước sẽ có biến động tăng do sự biến động của giá dầu thô thế giới thời gian qua và nhu cầu tăng do một số nước sử dụng khí hóa lỏng lớn trên thế giới có nhu cầu mua khí hóa lỏng dự trữ để sưởi ấm mùa đông.

Trong những ngày vừa qua, thị trường cũng đón nhận thông tin tăng giá một số sản phẩm sữa. Cụ thể, Công ty Friesland Campina Việt Nam vừa có thông báo, kể từ ngày 1/10, hai loại sữa tiệt trùng Cô gái Hà Lan không đường và có đường loại 1 lít sẽ tăng từ 23.300 lên 24.200 đồng/hộp, Ovaltine hũ 400gr tăng từ 48.500 đồng lên mức 51.000 đồng và Ovaltine hộp giấy 285gr sẽ tăng thêm 1.300 đồng lên mức 35.000 đồng/hộp.

Về thông tin này, Cục Quản lý giá cho biết, đây không phải là những mặt hàng thuộc danh mục phải đăng ký giá theo quy định. Trong khi đó, “chúng tôi chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá các mặt hàng thuộc danh mục phải đăng ký theo quy định”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Một chuyên gia trong ngành sữa nhận xét, quy định hiện hành chỉ bắt buộc các doanh nghiệp phải đăng ký giá bán sữa đối với mặt hàng sữa bột đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng sữa nước cũng phục vụ cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Như vậy, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Y tế để xác định loại sữa nào phục vụ trẻ em dưới 6 tuổi và từ đó cần có quy định cụ thể hơn về việc đăng ký giá với mặt hàng này.

Vị chuyên gia này cũng tiết lộ, hiện có tình trạng lách luật đưa một số mặt hàng thuộc diện đăng ký giá vào danh mục sản phẩm bổ sung dinh dưỡng để tránh phải đăng ký giá.

Về vấn đề này, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Y tế để xem xét hướng xử lý đối với mặt hàng này. Theo đó, khi xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn Luật quản lý giá sẽ quy định từng mặt hàng cụ thể thuộc danh mục hàng hóa phải đăng ký giá cần nêu rõ thành phần, đặc tính...

Lê Trà (Theo VET)
 

.
.
.
.